Từ ngày 1/7, thẻ căn cước giúp phòng ngừa tội phạm không gian mạng

Chuyên gia an ninh mạng cho rằng, thẻ căn cước được cấp mới từ ngày 1/7 sẽ nâng cao tính bảo mật thông tin dữ liệu, góp phần trong công cuộc đấu tranh tội phạm trên không gian mạng.

Háo hức với thẻ căn cước mới

Từ ngày 1/7, Luật Căn cước năm 2023 chính thức có hiệu lực. Theo đó, thẻ căn cước mới sẽ có nhiều thay đổi về trường thông tin ở mặt trước và mặt sau.

Nhớ lại lần cấp đổi thẻ công dân gắn chíp cách đây gần 3 năm, chị Nguyễn Thị T.H. một nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ:"Thời điểm đó, chính quyền địa phương, tổ dân phố đã rất tích cực tuyên truyền, động viên người dân cấp đổi mẫu thẻ căn cước công dân mới có gắn chip. Nhận biết được việc đổi thẻ mới sẽ đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và các giao dịch ngân hàng, tôi đã hưởng ứng việc cấp đổi mới này ngay. Từ ngày 1/7, triển khai cấp đổi mẫu thẻ mới, tôi sẽ sắp xếp thời gian sớm nhất để được nâng cấp, bảo mật thông tin cá nhân của mình".

Chị Nguyễn Thị T.H. chia sẻ với phóng viên.

Chị Nguyễn Thị T.H. chia sẻ với phóng viên.

Ông Hoàng Văn Kích (Thanh Xuân, Hà Nội), năm nay đã ngoài 70 tuổi. Khi biết thông tin từ 1/7 sẽ có thẻ căn cước mới, ông Kích băn khoăn: "Tôi vừa đổi thẻ căn cước công dân gắn chíp cách đây 1 năm, cũng không dùng gì nhiều tới tấm thẻ này. Tuổi cao, sức khỏe yếu và khó khăn đi lại sau một lần tai biến, tôi rất ngại phải đi cấp đổi thẻ mẫu mới. Nếu bắt buộc phải đổi, tôi mong được chính quyền cơ sở tạo điều kiện cấp mới thuận tiện".

Theo luật sư Tạ Quốc Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo Điều 46 Luật Căn cước 2023 về Quy định chuyển tiếp, bất kỳ chính sách mới nào ban hành đều có yếu tố kế thừa, điều khoản chuyển tiếp để công dân kịp thích ứng và tiết kiệm chi phí xã hội. Luật Căn cước 2023 đã có quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người dân tránh những xáo trộn không đáng có. Tất cả các giấy tờ như CMTND, CCCD được cấp trước đây được sử dụng bình thường, nếu tuân thủ đúng các quy định về thời hạn sử dụng và thời hạn cấp đổi. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước mẫu mới.

Bên cạnh đó, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Đổi thẻ căn cước "tự tin" hơn trên không gian mạng

Theo Thông tư 16/2024 của Bộ Công an, quy định về mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước, thẻ căn cước mới có một số thay đổi. Trong đó có 2 sự thay đổi đáng chú ý là chuyển mã QR code từ mặt trước xuống mặt sau, và bỏ thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải ở mặt sau.

Theo anh Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng thuộc Tổ chức chống lừa đảo nhận định, thay đổi này sẽ góp phần bảo mật thông tin. Hiện tại tình trạng làm giả, lấy cắp thông tin dữ liệu trên thẻ căn cước công dân khá nhiều. Đặc biệt là những dữ liệu nhạy cảm, nhiều khi cũng bị lợi dụng để sử dụng trong các vụ lừa đảo, giả mạo hay đánh cắp tài khoản ngân hàng…

Anh Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng thuộc Tổ chức chống lừa đảo.

Anh Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng thuộc Tổ chức chống lừa đảo.

"Chúng ta hay có thói quen ngửa mặt trước của thẻ căn cước công dân lên. Như thẻ căn cước công dân cũ hiện nay, mặt trước có mã QR code, có thể bị những đối tượng xấu với thủ đoạn tinh vi quét trộm thông tin dữ liệu. Thẻ căn cước mới chuyển mã QR code xuống mặt sau phần nào sẽ tránh tình trạng này. Bên cạnh đó, vân tay cũng là một trong những dữ liệu có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Với sự hỗ trợ của AI hiện nay, vân tay có thể bị làm giả để thực hiện những vụ lừa đảo liên quan đến các giao dịch có sử dụng văn bản, giấy tờ mà phải chứng thực bằng vân tay. Hiện nay, những bảo mật như hình ảnh khuôn mặt, giọng nói, mống mắt có độ an toàn cao hơn rất nhiều so với vân tay", anh Hiếu nói.

Từ 1/7, theo Quyết định 175/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước, cơ quan chức năng cũng sẽ triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói để tích hợp vào thẻ căn cước.

Nhận định về vấn đề này, anh Hiếu cho biết, việc tích hợp sinh trắc học về mống mặt, ADN, giọng nói đã và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Việc tích hợp các dữ liệu này không chỉ làm tăng tính bảo mật thông tin cá nhân mà còn giúp hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra tội phạm.

"Sinh trắc học về mống mắt hay ADN, mỗi người đều khác nhau. Khi tích hợp thêm các thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói vào trong thẻ căn cước thì việc xác định chính xác một chủ thể rõ ràng hơn. Thẻ căn cước cũng sẽ khó có thể bị làm giả. Bên cạnh đó, khi cơ quan chức năng thu thập được bằng chứng ở hiện trường vụ án, cần đối chiếu ADN hay xác thực thông tin cá nhân chính xác, những dữ liệu đã tích hợp trên căn cước sẽ giúp rút ngắn thời gian truy vết tội phạm", anh Hiếu nói.

Theo một số chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, nếu có thể, người dân nên đổi thẻ căn cước mới để được nâng cấp, bảo vệ thông tin của mình tốt hơn, góp phần trong công cuộc đấu tranh tội phạm trên không gian mạng. Khi chuyển đổi sang căn cước công dân mới sẽ có thêm nhiều tiện ích về sau này.

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, dữ liệu lớn là một khó báu cho những hacker, tội phạm trên không gian mạng "thèm muốn". Việc bảo vệ, nâng cấp dữ liệu cao hơn về thông tin bảo mật sẽ giúp người sử dụng tự tin hơn trên không gian mạng.

Dương Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-ngay-1-7-the-can-cuoc-giup-phong-ngua-toi-pham-khong-gian-mang-169240625111204379.htm