'Chuyển đổi số' vận tải công cộng để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường

Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Hà Nội năm 2024 ghi nhận sự 'chuyển mình' mạnh mẽ khi nhiều hoạt động được chuyển đổi số. Với việc nhân rộng thanh toán thẻ vé điện tử ra toàn mạng buýt và Đề án Giao thông thông minh được triển khai, khiến Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước có cơ sở pháp lý để triển khai 'chuyển đổi số', 'chuyển đổi xanh' trong giao thông.

Thanh toán vé xe buýt không tiền mặt và internet

Nhiều năm nay, mỗi sáng thức dậy chuẩn bị đồ dùng đi học, Nguyễn Văn Nam, ở tại khu đô thị (KĐT) Bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai (sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Thương Mại, Hà Nội) không thể quên tấm vé tháng xe buýt. Nếu hôm nào nhỡ quên, lập tức phải đi bộ về nhà rồi mới có thể lên xe buýt đi học. Tuy nhiên, từ tháng 8/2024 đến nay, việc này trở nên đơn giản khi tuyến buýt số 05 lộ trình KĐT Linh Đàm - Phú Diễn (đi qua Đại học Thương Mại) thực hiện hình thức thanh toán bằng vé điện tử.

“Từ hình thức này chúng em có thể tải app của ứng dụng về điện thoại và thực hiện thanh toán mà không cần mang theo thẻ/vé giấy hoặc tiền mặt. Thậm chí, hình thức này còn cho phép người dùng thanh toán bằng mã QR ngay cả khi không cần có mạng internet. Việc thanh toán cả khi không có mạng internet rất thiết thực vì với các tuyến buýt chạy ra ngoại thành không phải khu vực nào cũng có mạng 3G hoặc 5G” - Nguyễn Văn Nam nói.

Lãnh đạo thành phố và đại diện Sở GTVT, Tramoc khai trương Trung tâm TOC

Lãnh đạo thành phố và đại diện Sở GTVT, Tramoc khai trương Trung tâm TOC

Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Tramoc) Thái Hồ Phương cho biết, sau gần nửa năm thí điểm hình thức thanh toán điện tử liên thông không tiền mặt trên 25 tuyến buýt đầu tiên, do tiện dụng và được hành khách đánh giá cao, lại phù hợp với xu thế nên Tramoc đã tham mưu cho Sở GTVT đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận cho nhân rộng hình thức thanh toán này trên toàn mạng lưới xe buýt (hơn 120 tuyến) của thành phố.

“Ngoài không sử dụng tiền mặt khi đi xe buýt, loại hình vé này còn giúp thanh toán liên thông với các loại hình vận tải khách khác như đường sắt đô thị. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và công tác quản lý” - ông Phương đánh giá.

Đề cập đến sự phát triển của VTHKCC trên lĩnh vực xe buýt trong năm 2024, lãnh đạo Tramoc cho rằng, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, năm 2024 Tramoc đã tập trung vào công tác áp dụng khoa học công nghệ để từng bước “chuyển đổi số”, “chuyển đổi xanh” lĩnh vực VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng.

Theo đó, sau thẻ vé điện tử được triển khai, đến tháng 7/2024, Tramoc tiếp tục tổ chức khai trương thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh (TOC); tiếp đến, tháng 11/2024, đề án “Giao thông thông minh” trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua.

Việc thực hiện đề án giao thông thông minh trong đó có lập Trung tâm TOC là nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Giảm tuyến, lượt nhưng sản lượng, doanh thu vẫn tăng

Với các kết quả hoạt động trong năm 2024, lãnh đạo Tramoc cho biết, Tramoc đã thực hiện điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, dịch vụ các tuyến buýt theo phương án hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt giai đoạn 1 với 85 tuyến buýt; điều chỉnh lộ trình do tổ chức giao thông và điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 159 tuyến; Triển khai các thủ tục để dừng hoạt động đối với 5 tuyến buýt từ 01/4/2024... Tổ chức lại hoạt động 08 tuyến buýt theo phương án tổ chức vận hành tại điểm trung chuyển Cầu Giấy (nhà ga S8) từ ngày 25/5/2024...

“Chuyển đổi số” đang giúp xe buýt Hà Nội chuyển đổi xanh và giảm ùn tắc

“Chuyển đổi số” đang giúp xe buýt Hà Nội chuyển đổi xanh và giảm ùn tắc

Phát triển mới 141 điểm dừng, bổ sung 5 pa-no, di chuyển, hợp lý hóa 102 điểm dừng và 5 pa-no, thực hiện 2.700 lượt duy tu biển báo, điểm dừng, nhà chờ, pa-no đầu cuối; Đã thực hiện kiểm tra giám sát đạt trên 5,4 triệu lượt xe buýt, qua công tác kiểm tra đã lập 766 biên bản, thu từ xử phạt vi phạm hợp đồng trên 163 triệu đồng.

Từ thực tế trên, lãnh đạo Tramoc đánh giá, mặc dù số tuyến buýt, lượt xe và số ki-lô-mét xe chạy có bị cắt giảm so với năm 2023 nhưng sản lượng hành khách và doanh thu của mạng lưới buýt trên địa bàn thành phố năm 2024 không bị giảm, thậm chí đã tăng trưởng cao.

Cụ thể, trong 12 tháng qua, tổng lượng hành khách buýt thành phố vận chuyển ước đạt 405,2 triệu lượt (trong đó buýt trợ giá ước đạt 393,7 triệu lượt khách), tăng 5,2% so với năm 2023; doanh thu ước đạt 626 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Đối với lượng khách đi đường sắt đô thị, trong đó chủ công là tuyến Cát Linh – Hà Đông đạt 15,1 triệu lượt, tăng 39,9% so với năm 2023…

Bước sang năm 2025 và các năm tiếp theo, Giám đốc Tramoc Thái Hồ Phương cho biết, Tramoc tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND thành phố, Sở GTVT giao; cùng với đó chủ động tham mưu, đề xuất Sở GTVT thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng phục vụ của xe buýt, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, lượt xe; triển khai ứng dụng công nghệ toàn diện trên các tuyến buýt, đường sắt đô thị để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có hiệu quả.

Lãnh đạo thành phố và đại diện các cấp sở ngành tham quan Trung tâm TOC

Lãnh đạo thành phố và đại diện các cấp sở ngành tham quan Trung tâm TOC

Theo lãnh đạo Tramoc, hiện các nội dung này đã được Trung tâm cụ thể ở 8 nội dung, trong đó có tổ chức triển khai thực hiện tìm đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho hệ thống vé điện tử liên thông; Tiếp tục tham mưu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, các đề án, dự án; Khai trương 4 tuyến thí điểm chuyển đổi sang xe buýt điện; Tổ chức triển khai kế hoạch, lộ trình đổi phương tiện xe buýt năng lượng điện, năng lượng xanh theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Với việc triển khai số hóa mạng lưới VTHKCC theo đề án giao thông thông minh đã được HĐND thành phố thông qua, ông Phương cho biết, mục tiêu của đề án là thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh toàn diện lĩnh vực giao thông Hà Nội trong đó có VTHKCC. Riêng lĩnh vực xe buýt, đề án là cơ sở để thành phố từ nay đến năm 2035 chuyển toàn bộ xe buýt từ chạy dầu sang chạy động cơ điện hoặc khí nén tự nhiên.

Cùng với đó, đề án còn giúp cho lực lượng chức năng giám sát, quản lý được tất cả lượng phương tiện giao thông, kể cả xe máy có trên địa bàn thành phố. Với các hành vi vi phạm giao thông đến dừng đỗ không đúng quy định… hệ thống đều giám sát, ghi nhận được hình ảnh…

Đây là những cơ sở dữ liệu đẩy đủ, chính xác để cơ quan chức năng có căn cứ để tiến hành xử phạt. Việc thực hiện đề án là chuyển đổi số toàn diện cho lĩnh vực giao thông, giúp vừa quản lý, xử lý vi phạm chính xác, giảm ùn tắc, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường (thông qua chuyển đổi xanh).

Anh Trọng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-doi-so-van-tai-cong-cong-de-giam-un-tac-o-nhiem-moi-truong-post1707705.tpo