Chuyển đổi số y tế giảm gánh nặng cho nhân viên tuyến cơ sở
Để giảm bớt tình trạng quá tải cho các bệnh viện công và tuyến y tế cơ sở, trong thời gian vừa qua, ngành y tế TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn thành phố.
Theo thông tư 04 của Bộ Y tế, đến cuối năm 2022, các bệnh viện từ hạng ba trở lên phải kê đơn thuốc điện tử và đến giữa năm 2023, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh khác phải áp dụng đơn thuốc điện tử khi kê đơn cho bệnh nhân.
Ghi nhận tại các cơ sở y tế ở TPHCM, các đơn vị khám chữa bệnh đã in đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân và lưu trữ thông tin các đơn thuốc lên hệ thống phần mềm của bệnh viện.
Việc áp dụng đơn thuốc điện tử hiện đang là tất yếu và phù hợp xu thế hiện đại. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, ngay từ khi bệnh viện đưa vào hoạt động, thì đơn vị này cũng triển khai việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu thuốc là nội bộ của bệnh viện. Hiện hầu hết các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám tại TPHCM đều in đơn thuốc điện tử. Trường hợp kê đơn thuốc viết tay khá hiếm, thường chỉ gặp tại một số phòng khám nhỏ.
Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống y tế cũng bộc lộ nhiều điểm yếu. Thực tế đã cho thấy, nhân viên y tế tuyến cơ sở rất thiếu về số lượng, cũng như chưa thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức. Sự thiếu hụt về nhân lực, đội ngũ chuyên gia, khoảng cách xa… là những thách thức rất lớn.
Để giải quyết vấn đề này, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Đoàn Đại học Y dược TPHCM và các đơn vị xây dựng dự án www.Y360.vn từ năm 2020. Mục tiêu của dự án là xây dựng nền tảng học thuật dành cho các nhân viên y tế, tiến tới đào tạo kiến thức chuyên môn cho hội viên.
Bên cạnh dự án ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo kiến thức chuyên môn cho các nhân viên y tế, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm củng cố, tăng cường nhân lực cho y tế tuyến cơ sở.
Theo đó, sở đã đề xuất các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực của trạm y tế phường xã, thị trấn và được Hội đồng nhân dân TPHCM ban hành tại Nghị quyết 01 năm 2022 vào ngày 7-4. Sau khi triển khai, ngành y tế thành phố đã thu hút, bổ sung được 95 người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế; trong đó có 64 bác sĩ đã về hưu, 401 nhân viên bảo vệ, nhân viên vệ sinh về làm trại trạm y tế.
Hiện nay cũng có 279 bác sĩ đang tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế, điều này đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực, chuyên môn y tế cho các trạm.
Trong thời gian sắp tới, Sở Y tế cũng tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao nguồn nhân lực. Cụ thể tổ chức gặp gỡ và giới thiệu cho sinh viên sắp tốt nghiệp của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TPHCM và khoa Y của Đại học quốc gia TPHCM nhằm thu hút và tăng số lượng bác sĩ, bà Như cho biết.
Ngoài ra còn cập nhật các chương trình thực hành để các bác sĩ trẻ có nhiều cơ hội nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu đào tạo ngành sức khỏe của các bác sĩ tham gia chương trình; đồng thời Sở Y tế thành phố cũng đề nghị với hội y học, hội hộ sinh, hội y tế công cộng TPHCM để hỗ trợ tuyên truyền và vận động người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế tham gia công tác trại trạm y tế.
Theo Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, ngành y tế đã đề xuất với UBND TPHCM điều chỉnh kinh phí hợp đồng cho nhân viên vệ sinh, cũng như nhân viên bảo vệ tại các trạm y tế. Mục đích của việc này là thu hút nhóm nhân lực trên tham gia vào công tác hậu cần, nhằm giảm tải gánh nặng cho nhân viên chuyên môn ở trạm y tế.
Không những vậy, Sở Y tế cũng tiếp tục đề xuất với Bộ Y tế về dự thảo mới của Luật khám, chữa bệnh đối với thực hành chăm sóc sức khỏe ban đầu để giúp nâng cao hiệu quả thực hành cho người hành nghề, giúp tăng cường năng lực nhân sự ở tuyến y tế cơ sở.
Minh Thảo