Chuyển động mạnh mẽ vì mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030
Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ về những bước chuyển động, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, có 2 triệu doanh nghiệp được nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW) đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu mục tiêu, đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

FPT là một trong những doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ sớm
Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế...
Bước chuyển động để sớm đưa Nghị quyết 68 vào thực tiễn
Để đạt mục tiêu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp như trên, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO cho rằng, Nghị quyết 68 đưa ra những giải pháp mang tính lượng hóa như: Cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập; chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan…
“Đối với những yêu cầu được lượng hóa rõ ràng như vậy, đương nhiên sẽ cần ưu tiên xử lý ngay, cho dù là công việc nằm ở khâu lập pháp hay hành pháp. Tuy nhiên, còn có những giải pháp sẽ cần sự hưởng ứng, cống hiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp…”, ông Hải nói.
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, chưa bao giờ việc thể chế hóa lại được triển khai nhanh như hiện tại. Từ Nghị quyết 57 đến Nghị quyết 68 lần này là một bước tiến rất lớn. Hai tháng vừa qua, đội ngũ chúng tôi gần như làm việc không nghỉ, ngày đêm triển khai...
Ông Hải lạc quan cho rằng, việc thực hiện trọn vẹn những giải pháp kết hợp tại Nghị quyết 68 tạo ra điều kiện cần, để hy vọng kết hợp được với những yếu tố may mắn khách quan khác làm điều kiện đủ, sẽ mang lại sự thành công cho các mục tiêu đề ra.
Liên quan đến các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp, chia sẻ tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước.
Bà Thủy chia sẻ thêm, không chỉ dừng ở Nghị quyết, nhiều nội dung sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm. Việc miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp; miễn phí, lệ phí môn bài từ năm 2026 cũng đã được dự kiến. Hay những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ 10.000 CEO, hỗ trợ các doanh nghiệp đi ra quốc tế… Những điều này chúng tôi đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động ngay.
“Chúng tôi đã cố gắng đưa tối đa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội khoảng 9-10 nhóm chính sách đã nêu trong Nghị quyết số 68-NQ/TW. Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến cố gắng ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết thì kèm theo chương trình hành động của Chính phủ.”, bà Thủy cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này có tầm nhìn tới năm 2045, nhưng tất cả nhiệm vụ chính yếu được dồn thực hiện trong 2 năm, giống như tinh thần của Nghị quyết 57. Rất ít nhiệm vụ để sang 2026. Điều này rất tốt cho cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu là đến cuối 2025, công tác thể chế phải cơ bản hoàn tất. Giai đoạn 2026–2030 sẽ là giai đoạn khơi thông, phát huy nguồn lực tư nhân để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 8% hay là hai con số.