Nếu doanh nghiệp có tiềm năng, Nhà nước sẵn sàng đầu tư để tìm kiếm lời

Tại phiên thảo luận về hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh quan điểm, nhà nước chỉ đầu tư với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt trong các trường hợp Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu dưới 50%.

Tại phiên thảo luận về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về thực tiễn phát sinh bất cập trong quá trình quản lý vốn Nhà nước thông qua người đại diện tại các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, hiện nay có nhiều trường hợp vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50%, trong khi vốn ngoài Nhà nước chiếm trên 50% dẫn đến quyền quyết định chủ yếu nằm trong tay đối tác ngoài nhà nước. Khi đó, dù phía nhà nước nắm giữ khoảng 30% vốn đủ quyền biểu quyết hoặc phủ quyết một số vấn đề nhưng không có quyền quyết định cuối cùng đối với các hoạt động quan trọng như chuyển nhượng dự án, đầu tư hay thoái vốn.

Đại biểu Trần Anh Tuấn đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Anh Tuấn đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh

“Theo nguyên tắc, quản lý vốn nhà nước phải thực hiện thông qua đấu thầu, đấu giá theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, phía đối tác ngoài Nhà nước lại cho rằng phương thức đấu thầu không hiệu quả, và họ muốn giữ nguyên cách làm truyền thống, ưu tiên các đối tác đã có mối quan hệ hợp tác trước đó, hoạt động hiệu quả,” ông Tuấn phân tích.

Mâu thuẫn này đã dẫn đến xung đột quan điểm giữa hai bên. Trong một vài trường hợp, sự khác biệt có thể dung hòa, nhưng nếu xảy ra thường xuyên, sẽ gây mất ổn định trong hợp tác, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả của doanh nghiệp.

Ông Tuấn cảnh báo rằng: “Việc nhà nước nắm giữ cổ phần ở mức thấp nhưng không có cơ chế xử lý rõ ràng trong trường hợp xung đột với cổ đông chi phối là một vấn đề nghiêm trọng. Điều này cần được xem xét và xử lý trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới.”

Giải đáp thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần có cơ chế pháp lý minh bạch, rõ ràng để bảo vệ phần vốn Nhà nước, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong hợp tác liên doanh và hoạt động của doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc sửa đổi Luật Đấu thầu cần tính đến các tình huống thực tiễn phát sinh để tránh rủi ro, tạo hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.

Theo đó, với những doanh nghiệp Nhà nước góp vốn dưới 50%, vai trò của nhà nước chủ yếu là thông qua người đại diện để theo dõi, đánh giá khả năng phát triển của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có tiềm năng nhà nước sẵn sàng tiếp tục góp vốn; ngược lại, sẽ thực hiện thoái vốn để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

“Chúng ta cần xác định rõ ràng đầu tư là để tìm kiếm lợi nhuận. Rất nhiều quốc gia đã thành công khi các tập đoàn Nhà nước tham gia đầu tư dưới hình thức góp vốn, dù tỷ lệ sở hữu không cao nhưng hiệu quả lại rất rõ nét”, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Một ví dụ điển hình được ông Thắng nhắc tới là Tập đoàn Temasek của Singapore, hiện đang đầu tư vào nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Những khoản đầu tư này đều mang lại hiệu quả cao, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn thu lớn cho Chính phủ Singapore.

Từ bài học quốc tế, ông Thắng đề xuất cần tăng cường vai trò của các tổ chức như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nếu được quan tâm và giao quyền chủ động trong việc lựa chọn danh mục đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có tiềm năng, SCIC hoàn toàn có thể trở thành công cụ đầu tư hiệu quả, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư vốn Nhà nước hiệu quả không chỉ nằm ở tỷ lệ sở hữu mà quan trọng hơn là ở chiến lược đầu tư đúng đắn, có chọn lọc và theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đồng thời gửi lời cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo liên quan đến quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/neu-doanh-nghiep-co-tiem-nang-nha-nuoc-san-sang-dau-tu-de-tim-kiem-loi-post1199135.vov