Chuyện gì xảy ra khi Mỹ đóng cửa USAID tại Thái Bình Dương?

Quyết định đóng cửa USAID không chỉ ảnh hưởng tới hàng trăm người dân địa phương làm việc cho cơ quan này mà còn tác động sâu sắc tới mối quan hệ Mỹ - Thái Bình Dương.

 Chính phủ Mỹ hồi đầu tháng 2 ra lệnh đóng cửa toàn bộ phái bộ của USAID ở nước ngoài. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Mỹ hồi đầu tháng 2 ra lệnh đóng cửa toàn bộ phái bộ của USAID ở nước ngoài. Ảnh: Reuters.

Ý định giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ảnh hưởng khắp khu vực Thái Bình Dương, khi những nhân sự làm việc trong hơn 100 dự án và hoạt động tại các địa phương đối mặt với tương lai bất định.

Theo các chuyên gia, khu vực Thái Bình Dương có khả năng phục hồi và sẽ không bị tác động nặng nề nếu USAID đóng cửa, song hàng trăm người làm việc cho USAID chia sẻ cuộc sống họ đã bị đảo lộn.

Theo Viện Lowy, Mỹ là nhà tài trợ lớn thứ 5 tại Thái Bình Dương, sau Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand.

"Ở cấp độ cá nhân, người dân Thái Bình Dương chắc chắn bị ảnh hưởng. Các dự án do Mỹ tài trợ thường trả lương cao và ở những nơi như Papua New Guinea, một nguồn thu nhập duy nhất cũng hỗ trợ các thành viên gia đình và cộng đồng”, Tiến sĩ Lefaoalii Dion Enari - chuyên gia về Thái Bình Dương tại Đại học Công nghệ Auckland - cho biết.

“Cách tiếp cận mới sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ Mỹ - Thái Bình Dương nhiều hơn là tác động tới chính Thái Bình Dương”, ông Lefaoalii nói.

USAID hỗ trợ những chương trình nào ở Thái Bình Dương?

USAID tài trợ cho nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực như y tế, khủng hoảng khí hậu và phát triển kinh tế. USAID giúp các quốc gia xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động về khí hậu, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng khả năng phục hồi trước khủng hoảng khí hậu và thảm họa.

USAID cũng đóng góp cho các sáng kiến về phòng ngừa thảm họa cộng đồng và năng lượng bền vững. Ví dụ, chương trình Climate Ready for Big Ocean State Sustainability của USAID cung cấp cho 12 quốc gia Thái Bình Dương quyền tiếp cận với nguồn tài chính cho các dự án thích ứng khí hậu và giảm thiểu.

 Người dân tại thủ đô Port Vila của Vanuatu nhận bộ dụng cụ cứu hộ từ USAID sau bão Kevin hồi tháng 3/2023. Ảnh: USAID.

Người dân tại thủ đô Port Vila của Vanuatu nhận bộ dụng cụ cứu hộ từ USAID sau bão Kevin hồi tháng 3/2023. Ảnh: USAID.

USAID không công bố danh sách dự án ở Thái Bình Dương. Song theo ước tính, có khoảng hơn 100 dự án quy mô lớn nhỏ được USAID hỗ trợ khắp khu vực.

Trong số 12 nhân sự USAID trò chuyện cùng Guardian, một số người đã bị sa thải, số còn lại chưa rõ quyết định. Một nguồn tin ước tính khoảng 600 người là nhân viên toàn thời gian trong các dự án USAID. Nếu tính cả các nhà thầu và đối tác, con số có thể lên tới hàng nghìn người.

Một người khác làm việc tại một tổ chức ở Papua New Guinea phụ thuộc vào USAID lo lắng về tương lai. “Chúng tôi tuyển dụng 4 người và tới hiện tại, chúng tôi không biết mình sẽ hoạt động được bao lâu”, người này chia sẻ.

Mỹ cấp bao nhiêu tiền tài trợ tại Thái Bình Dương?

Theo Viện Lowy, Mỹ chi 3,4 tỷ USD cho các đảo Thái Bình Dương trong giai đoạn 2008-2024. Mỹ tiêu tốn tổng cộng 294 triệu USD vào năm 2022, phần lớn chuyển cho các quốc gia thuộc Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), gồm Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau.

"Mỹ phân bổ 80% viện trợ tại Thái Bình Dương cho các quốc gia COFA. 20% còn lại, phần lớn đến Papua New Guinea và khu vực Melanesia”, Alexandre Dayant - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Lowy - cho biết. “Các quốc gia COFA được bảo vệ khỏi lệnh đóng băng USAID vì nguồn tài trợ này đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thông qua Bộ Nội vụ”.

 Cựu Giám đốc USAID Samantha Power khánh thành Phái bộ USAID/Quần đảo Thái Bình Dương tại Fiji ngày 15/8/2023. Ảnh: USAID.

Cựu Giám đốc USAID Samantha Power khánh thành Phái bộ USAID/Quần đảo Thái Bình Dương tại Fiji ngày 15/8/2023. Ảnh: USAID.

Năm 2022, Mỹ cam kết chi 600 triệu USD nhằm tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương, như cam kết mở Đại sứ quán ở Tonga và Kiribati, hay bổ nhiệm đặc phái viên Mỹ tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ các khoản tiền này vẫn chưa đến tay các quốc đảo.

Thái Bình Dương phản ứng như thế nào?

Một số chương trình đang tìm kiếm nguồn tài trợ mới.

Một tổ chức ở Samoa, Cơ quan Phát triển và Cứu trợ Cơ đốc Phục lâm (Adra), được USAID cấp 532.608 USD vào năm 2023 nhằm khởi tạo cơ hội kinh tế, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và giải quyết quản lý rủi ro thiên tai tại 20 ngôi làng nông thôn. Các chương trình đã hỗ trợ cho khoảng 14.000 dân làng. Adra cũng cung cấp hội thảo về sức khỏe tâm thần, bạo lực gia đình và sức khỏe gia đình, được USAID và Quỹ Pacific American hỗ trợ.

Trong tuyên bố gần đây, Adra cho biết đang tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế để tiếp tục các chương trình bị ngưng trệ. Tổ chức này hiện nỗ lực sử dụng nguồn lực sẵn có để duy trì các sáng kiến quan trọng trong thời gian chờ đánh giá và vẫn hy vọng vào một kết quả tích cực.

“Mặc dù diễn biến mới gây sốc cho người dân, song sau cùng, chúng tôi vẫn kiên cường”, ông Lefaoalii nói. “Đối với Samoa và trên khắp các đảo, chúng tôi có mạng lưới an sinh xã hội cộng đồng để hỗ trợ trong những thời điểm như hiện tại”.

Dù đánh giá khu vực có khả năng phục hồi, ông Lefaoalii nhận xét động thái của Washington được coi là “thiếu tôn trọng” tại Thái Bình Dương.

“Chúng tôi rất coi trọng lòng trung thành và sự tôn trọng, và động thái này thể hiện sự thiếu tôn trọng. Quyết định đó chưa được tham vấn kỹ lưỡng và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cộng đồng, do đó giới lãnh đạo Thái Bình Dương sẽ không dễ dàng quên lãng”, ông Lefaoalii kết luận.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-xay-ra-khi-my-dong-cua-usaid-tai-thai-binh-duong-post1532468.html