Chuyên gia cảnh báo gì về hiện tượng dông sét ở Hà Nội?

Hiện tượng mưa lớn kèm dông sét trong ngày hôm nay (5/6), tại khu vực Hà Nội, đang trở thành mối quan tâm lớn của dư luận. Vậy hiện tượng này sẽ còn kéo dài đến bao giờ?

Dông sét thường xảy ra nhiều ở khu vực ngoại thành.

Dông sét thường xảy ra nhiều ở khu vực ngoại thành.

Liên quan đến hiện tượng dông sét xảy ra tại khu vực Hà Nội trong ngày 5/6, chuyên gia khí tượng thủy văn Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vừa chia sẻ những thông tin chi tiết về hiện tượng này.

Theo trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 5 đến đêm 6/6, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-100mm, có nơi trên 200mm. Từ chiều tối 5/6 đến đêm 6/6, khu vực Nghệ An có mưa vừa, mưa to, dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 40 - 70mm, có nơi trên 100mm. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo người dân các khu vực trên cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Về hiện tượng dông sét, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, theo số liệu quan trắc sét từ mạng lưới định vị sét quốc gia, sáng 5/6, mưa lớn tại khu vực Hà Nội đã kèm theo hơn 7.000 lượt sét đánh xuống mặt đất. Cụ thể, từ 6 đến 9 giờ, đã có hơn 10.000 lượt sấm sét trong đó có 7.025 lượt sấm sét đánh xuống đất, cường độ sét từ 7 giờ 40 phút đến 8 giờ 50 phút là mạnh nhất. Tại khu vực Hà Nội, sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện; trong đó, khu vực các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm sét dày đặc.

Chuyên gia khí tượng thủy văn này khuyến cáo khuyến cáo, dông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Để phòng tránh dông, sét, người dân cần tránh xa các đồ dùng điện, các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Người dân khi ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, ở các vùng đất trống trải, không đứng, ngồi cạnh cột điện hoặc đường dây tải điện, đồng thời vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người.

Trong trường hợp người dân đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Nếu ở trong rừng, người dân cần tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh; không đứng thành nhóm người gần nhau.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn. Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-canh-bao-gi-ve-hien-tuong-dong-set-o-ha-noi.html