Chuyên gia đề xuất không điều tiết thu ngân sách của Đà Nẵng về Trung ương
Chuyên gia đề xuất từ nay đến năm 2030, không điều tiết thu ngân sách của Đà Nẵng về Trung ương để dành mọi nguồn lực xây dựng, phát triển TP.
Chiều 13-3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cần cơ chế đặc biệt và khác biệt cho Đà Nẵng
Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, TP đã thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. Kinh tế Đà Nẵng tiếp tục có bước phát triển, chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 70% tỉ trọng GRDP.
Đà Nẵng liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh. Đời sống nhân dân được cải thiện với nhiều chính sách mới mang đậm tính nhân văn.
Tuy nhiên theo ông Quảng, lãnh đạo Đà Nẵng cũng tự nhận thấy quá trình thực hiện Nghị quyết 43 vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng.
Ngoài những lý do khách quan do dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, trong cùng một thời điểm, Đà Nẵng phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
“Một bộ phận cán bộ có hiện tượng né tránh, đùn đẩy, e ngại trong thực thi công vụ. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra cho Đà Nẵng”, ông Quảng cho hay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay chưa thể đưa Đà Nẵng đạt được mục tiêu như quy hoạch. Nguồn vốn đầu tư từ Trung ương vào Đà Nẵng mỗi năm đang giảm nhanh.
Ông Cung chỉ ra nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn Trung ương để Đà Nẵng bứt phá trong thời gian tới, trong đó có nâng cấp sân bay, hoàn thiện các tuyến quốc lộ nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên.
Với việc thiếu vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay, Đà Nẵng càng cần có cơ chế vượt trội để huy động vốn. Do đó ông Cung đề xuất không yêu cầu Đà Nẵng điều tiết thu ngân sách về Trung ương đến năm 2030.
Trung ương cũng cần cho phép Đà Nẵng thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô.
Cũng theo ông Cung, Đà Nẵng cần thêm các cơ chế đặc thù vượt trội như áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn, chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp có uy tín.
Cho phép Đà Nẵng mở thêm casino cho du khách. Số lượng và quy mô casino do HĐND TP Đà Nẵng quyết định.
“Cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều đó góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, ông Cung nhấn mạnh.
Phát triển Đà Nẵng đồng bộ, hiện đại
Phó Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đà Nẵng trong năm năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Đảng và chứng tỏ Nghị quyết 43 đang dần đi vào cuộc sống.
Theo ông Sơn, Trung ương cần hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù mới. Triển khai đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra.
Định hướng tương lai, Đà Nẵng tiếp tục phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế. Tại đây hình thành trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường Hoàng Sa và bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.
Ông Sơn cho hay, Đà Nẵng cần thêm các khu công nghệ thông tin tập trung để đầu tư phát triển sản phẩm như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, phần mềm và nội dung số, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, 5G và chip bán dẫn.
Đà Nẵng cũng được khuyến nghị đẩy nhanh đề án xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia và hình thành Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao.