Chuyên gia kinh tế: Phải kiểm soát được dịch thì mới nói khôi phục
Quốc hội cần đi sâu phân tích những hạn chế, nguyên nhân, thách thức, tìm cho được giải pháp cụ thể để tháo gỡ để đạt được những những mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng.
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra trong 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay (8/11) được người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đặc biệt trông đợi trong bối cảnh dịch covid 19 còn tiếp diễn, phát triển kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội và việc tham gia giải trình của các thành viên chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần đưa ra được những giải pháp khả thi, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, nối liền đứt gãy chuỗi sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đánh giá cao việc Quốc hội cơ cấu báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành một phần quan trọng của phiên thảo luận về kinh tế xã hội, người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này cho thấy việc bàn giải pháp phục hồi phát triển kinh tế được Quốc hội xác định gắn liền với kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi thế giới đã sống chung với Covid, kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng, việc mở cửa là việc làm bắt buộc để nối liền đứt gãy, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên mong rằng Quốc hội thảo luận đưa ra được những quy định chặt chẽ khi mở cửa trở lại nền kinh tế.
“Mình không còn cách nào khác vẫn phải tiếp tục mở cửa nhưng phải ưu tiên cho các hoạt động kinh doanh, ưu tiên cho các hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế. Có lẽ hoạt động du lịch nên được cân nhắc có nên mở cửa ngay lập tức không và cùng với đó có lẽ ta cũng phải chấp nhận một số điểm như xuất khẩu hàng hóa, chuyên gia, qua lại về việc nhập khẩu ta nên ưu tiên và cách làm này là cách làm từ từ. Do điều kiện về vaccine của ta chưa đủ nên vẫn phải chờ phủ vaccine theo kế hoạch”, ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã có những quy định cơ bản, rõ ràng với thích ứng an toàn, linh hoạt. Mặc dù không thể loại bỏ được hết F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng ý nghĩa của kiểm soát dịch bệnh rất lớn, nhất là trong bối cảnh các ca bệnh có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây, nếu không kiểm soát được dịch bệnh, mọi nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế khó đạt hiệu quả.
“Vấn đề quan trọng là thực thi đúng và có chế tài thật nghiêm vì người dân ít nhiều còn chủ quan, một số sợ trách nhiệm còn né tránh và thực tế đã có hiện tượng bùng phát dịch, khi dịch bùng phát mà không kiểm soát được thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Phải kiểm soát được dịch thì mới nói khôi phục. Quan điểm cá nhân tôi là phải thực hiện nghiêm túc Nghị định, bên cạnh đó, nhà nước phải có giải pháp kích cầu”, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã được Quốc hội đưa ra, kỳ vọng rằng phiên thảo luận sẽ đi sâu phân tích những hạn chế, nguyên nhân, thách thức, tìm cho được giải pháp cụ thể để tháo gỡ và và phải tập trung vào động lực cho tăng trưởng để đạt được những những mục tiêu, chỉ tiêu đó.
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, để làm được điều này bên cạnh việc cần một chiến lược lâu dài, cần phải có đánh giá thực chất để nhận diện rõ khó khăn trong hiện tại ở mức độ nào và dự báo những khó khăn trong thời gian tới, như vậy mới có được giải pháp sát thực tế.
“Lúc này dịch vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi cho nên vấn đề thực hiện mục tiêu kép thế nào để thắng lợi là vấn đề vô cùng khó khăn. Qua dịch vừa rồi, có những nơi bộc lộ rất rõ năng lực quản trị, năng lực điều hành, nhưng nhiều nơi cũng bộc lộ năng lực yếu kém. Chủ trương đúng nhưng thực hiện kém nên phải đặt ra các kịch bản để có chiến lược lâu dài mới thắng lợi. Phải đánh giá thật lại tất cả năng lực tổ chức điều hành từng nơi từng chỗ. Khung là chung nhưng chỉ đạo phải rõ từng tỉnh, từng địa phương”, PGS.TS. Bùi Thị An khẳng định.
Cần những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực là những mong muốn mà người dân gửi gắm vào phiên thảo luận của Quốc hội trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức hiện nay./.