Chuyên gia Pinetree: Nâng hạng thị trường có thể hút 5 tỷ USD vốn ngoại, nhưng nhà đầu tư cần tỉnh táo

Theo ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán tại Pinetree, dòng vốn ngoại có thể đạt 4 -5 tỷ USD sau khi thị trường được nâng hạng. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên kỳ vọng ngắn hạn mà cần xác định chiến lược trung và dài hạn để tránh rủi ro 'tin ra là bán'.

Tại cuộc họp báo chuyên đề quý II/2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao Bộ Tài chính triển khai. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định mục tiêu này đang được thực hiện quyết liệt, bài bản và kỹ lưỡng, với sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và hệ thống thị trường.

Ngoài việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện các điều kiện vận hành nhằm đáp ứng bộ tiêu chí chặt chẽ từ các tổ chức xếp hạng quốc tế như MSCI và FTSE Russell – những tổ chức không chỉ xét đến tiêu chí kỹ thuật mà còn đặc biệt chú trọng đến mức độ thuận lợi của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường.

Xung quanh vấn đề này, Thị trường Tài chính đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán tại Pinetree. Ông Nguyễn Đức Khang chia sẻ góc nhìn về triển vọng nâng hạng thị trường, các yếu tố cần quan sát, cũng như chiến lược đầu tư phù hợp trong kịch bản thị trường Việt Nam được công nhận là thị trường mới nổi trong kỳ phân loại tháng 9 tới.

Nỗ lực quyết liệt từ cơ quan quản lý

Thưa ông Nguyễn Đức Khang, ông đánh giá thế nào về khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ phân loại tháng 9/2025?

Chúng ta đã thấy những bước tiến khá rõ ràng từ phía cơ quan quản lý để có thể thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm nay, tiêu biểu như: triển khai hệ thống KRX, giải pháp về “non pre-funding” cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc ra thông tư 18/2025/TT-BTC để làm tiền đề cho việc thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Mới đây, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng ra chỉ đạo xử lý tất cả các vướng mắc trước ngày 15/7 để kịp hoàn thành mục tiêu trong năm nay.

 Ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán tại Pinetree

Ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán tại Pinetree

Về cơ bản, có thể nói những tiêu chí cơ bản hay còn gọi là điều kiện cần là chúng ta đã đáp ứng để được FTSE nâng hạng. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng, để nâng hạng thị trường, thì có rất nhiều yếu tố mang tính “định tính” như: yêu cầu đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài cũng như tự do về dòng chảy vốn. Vẫn còn nhiều điều chúng ta cần cải thiện như yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin song ngữ… v.v để nâng cao khả năng nâng hạng thị trường thành công.

Bên cạnh đó, bản thân FTSE Russell là một nhà cung cấp dịch vụ - thiết lập chỉ số cho các quỹ đầu tư. Do đó, ngoài các yếu tố mang tính kỹ thuật, thì có nhiều yếu tố khác sẽ được đem vào bàn tính như độ hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và chứng khoán Việt nói riêng.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng các quỹ xây dựng/mô phỏng theo chỉ số của FTSE về các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới đàm phán thương mại thành công với Mỹ cũng góp phần làm tăng xác suất được nâng hạng thị trường.

Dòng vốn ngoại có thể đạt 4 - 5 tỷ USD, nhưng không nên kỳ vọng ngắn hạn

Theo ông, việc nâng hạng sẽ tác động như thế nào đến thanh khoản, định giá, và tâm lý nhà đầu tư trong nước và quốc tế?

Nâng hạng thành công chắc chắn sẽ đem đến nhiều tác động tích cực đến thị trường. Điều đầu tiên mà chúng ta có thể kỳ vọng là việc dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại sau vài năm liên tiếp bán ròng gần đây. Có thể kỳ vọng, các cổ phiếu Việt Nam sẽ có tỷ trọng tương đương như những nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan (1,7%), Malaysia (1,8%).

Với quy mô của riêng các quỹ ETF đang trực tiếp mô phỏng chỉ số FTSE Emerging Market Russell (xấp xỉ 90 tỷ Đô la Mỹ), dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF này được kỳ vọng sẽ ở mức 1,5-1,8 tỷ Đô la Mỹ.

Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường còn có tác động “gỡ bỏ hạn chế” đối với nhiều quỹ đầu tư chủ động, khi khá nhiều quỹ trên thế giới gặp phải giới hạn đầu tư (không đầu tư vào một số ngành nhất định, hoặc chỉ được đầu tư vào các thị trường phát triển, hoặc mới nổi).

Các thị trường chứng khoán cận biên - frontier markets, nơi mà Việt Nam đang được phân loại hiện tại – là xếp hạng cho những thị trường chứng khoán sơ khai nhất, do đó, khá nhiều quỹ lớn trên thế giới chịu hạn chế không đầu tư vào đây. Quy mô của những quỹ chủ động này sẽ cao hơn rất nhiều so với dòng vốn ETF ở trên. Tổng giá trị dòng vốn ngoại được ước tính sẽ rơi vào tầm 4-5 tỷ Đô la Mỹ trong vòng 2 năm sau khi nâng hạng.

Theo ông, có lo ngại nào về việc dòng tiền “nóng” chỉ vào tạm thời, sau đó rút ra nhanh không?

Chúng ta đã thấy được sự trở lại của khối ngoại trong tháng 7, và rõ ràng, nếu nhìn vào xu thế trên thế giới và khu vực thì xu hướng của dòng tiền đầu tư trên thị giới là rút khỏi thị trường cổ phiếu Mỹ và phân bổ vào thị trường châu Á.

Bên cạnh Việt Nam, tôi thấy sự quay lại của nhà đầu tư ngoại ở các thị trường châu Á như Nhật Bản (4,2 tỷ Đô), Đài Loan (3,8 tỷ Đô) và Ấn Độ (350 triệu Đô). Tuy nhiên xét trên tỷ lệ về quy mô thị trường thì rõ ràng sự trở lại của khối ngoại trên thị trường Việt Nam là rõ ràng và lớn nhất.

TTCK Việt Nam đang tiến gần hơn việc được nâng hạng vào tháng 9 tới.

TTCK Việt Nam đang tiến gần hơn việc được nâng hạng vào tháng 9 tới.

Thêm vào đó, nếu so sánh với Indonesia và Thái Lan thì Việt nam là một trong số những thị trường hiếm hoi ở Đông Nam Á ghi nhận thu hút được vốn ngoại khi 2 nước này lần lượt ghi nhận mức bán ròng là 264 và 29 triệu Đô. Không thể phủ nhận được có xác suất đây là dòng tiền đầu tư đón đầu sóng “nâng hạng thị trường”, tuy nhiên, còn quá sớm để có thể khẳng định.

Trong quá khứ, cũng đã từng có trường hợp các quỹ đầu tư ngoại vào Việt Nam để đón đầu như Tundra (2017)…v.v nhưng dòng tiền như thế này sẽ có tính chất vào nhanh và ra nhanh. Giai đoạn hiện tại của thị trường thì lực kéo của khối ngoại là rất quan trọng, do đó, mọi động thái của khối ngoại sẽ có tác động rất lớn đến thị trường.

Ông có khuyến nghị gì đối với chiến lược đầu tư trung và dài hạn trong kịch bản thị trường được nâng hạng?

Cần phải lưu ý rằng, dù tác động chung là tích cực nhưng không phải cổ phiếu nào cũng được lợi như nhau khi Việt Nam được nâng hạng thành công. Thông thường, dòng vốn ngoại sẽ tập trung vào những cổ phiếu lớn, mang tính đại diện cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc được lựa chọn vào rổ chỉ số sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật của từng cổ phiếu như tỷ lệ sở hữu còn lại của khối ngoại, yêu cầu về thanh khoản cũng như tỷ lệ sở hữu tự do (free float) của từng cổ phiếu. Ngành nghề kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng, do các quỹ ngoại, đặc biệt các quỹ chủ động, thường có xu hướng chọn những doanh nghiệp có khả năng phản ánh sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán tại Pinetree, dòng vốn ngoại có thể đạt 4 -5 tỷ USD sau khi thị trường được nâng hạng.

Theo ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán tại Pinetree, dòng vốn ngoại có thể đạt 4 -5 tỷ USD sau khi thị trường được nâng hạng.

Nếu nhìn vào rổ cổ phiếu của FTSE Emerging ETF markets hiện tại, các cổ phiếu đang có tỷ trọng cao nhất là TSMC (sản xuất chip – Đài Loan), Tencent (Công nghệ - Trung Quốc), Alibaba (Công nghệ- Trung Quốc)… vv. Đây đều là những doanh nghiệp lớn đầu ngành ở mỗi nước và khu vực.

Mặt khác, cho dù một số cổ phiếu có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (kín room) hay thanh khoản, tuy nhiên, có thể vẫn sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu sở hữu tăng lên từ các quỹ chủ động.

Bản thân Pinetree hiện tại đã xây dựng danh mục đầu tư: “Cổ phiếu hưởng lợi khi Việt Nam nâng hạng thị trường thành công” để phục vụ cho những nhà đầu tư muốn tìm cơ hội đầu tư theo hướng này. Sản phẩm đầu tư theo chủ đề này giúp cho các nhà đầu tư tiết kiệm công sức, khi mỗi cổ phiếu trong rổ đều đã được đội ngũ của Pinetree lựa chọn cẩn thận.

Ngoài tác động tích cực, theo ông, liệu có rủi ro nào nhà đầu tư nên lưu ý trong quá trình kỳ vọng nâng hạng?

Thanh khoản thị trường cũng được kỳ vọng sẽ được cải thiện với sự quay trở lại của các nhà đầu tư khối ngoại, tuy nhiên, không có gì là chắc chắn khi tỷ trọng đóng góp của nhà đầu tư ngoại hiện tại chỉ xấp xỉ 10% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Do đó, thanh khoản trong tương lại sẽ còn phụ thuộc với khối nội. Kỳ vọng nhóm ngành chứng khoán bùng nổ với thanh khoản lớn là điều không chắc chắn.

Bên cạnh đó, trong trường hợp thành công nâng hạn vào tháng 9/2025, thời điểm mà các quỹ ETF thực sự cơ cấu sẽ phải là 6 tháng sau đó, tương ứng mốc thời gian là tháng 3 năm 2026.

Mặc dù có thể có dòng tiền đầu cơ chạy trước “đón đầu” sự kiện này, nhưng các nhà đầu tư nên lưu ý thời gian thực tế dòng tiền ngoại có thể giải ngân vào thị trường Việt Nam theo các quỹ ETF sẽ phải rơi vào quý 2 năm 2026.

Ngoài ra, với mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư nên “làm bài tập” kỹ càng, nắm rõ được triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như khả năng hưởng lợi khi chúng ta được nâng hạng. Quan trọng cả là việc tìm hiểu xem mặt bằng giá đã phản ánh hết các yếu tố đó chưa, tránh việc gặp phải tình trạng “tin ra là bán” khiến nhà đầu tư thua lỗ do mặt bằng giá chạy trước kỳ vọng quá xa.

Cuối cùng, trong mọi trường hợp, cũng nên tính đến chuyện chúng ta có thể cần thêm thời gian để được nâng hạng. Không có gì là chắc chắn, do đó, cẩn trọng luôn là điều chúng ta nên tính đến.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chuyen-gia-pinetree-nang-hang-thi-truong-co-the-hut-5-ty-usd-von-ngoai-nhung-nha-dau-tu-can-tinh-tao-146779.html