Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thành tích xuất nhập khẩu có đóng góp lớn của Bộ Công Thương
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, các thành tích xuất nhập khẩu thời gian qua có đóng góp lớn của Bộ Công Thương.
Thưa ông, đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 600 tỷ USD và tăng trưởng ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Ông đánh giá gì về kết quả này?
Bức tranh xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm có rất nhiều điểm sáng. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 610,57 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 85,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu đạt 315,91 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 41,89 tỷ USD); nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 43,93 tỷ USD).
Đã có đến 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD sau 9 tháng. Có nhiều mặt hàng dù lượng giảm nhưng giá trị lại tăng, mang lại hiệu quả cao cho xuất khẩu như hồ tiêu, cà phê… Từ đó, giúp người nông dân được lợi, và góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Thời gian qua, cũng có nhiều mặt hàng mới được mở cửa xuất khẩu chính ngạch như quả dừa sang Trung Quốc, bưởi sang Hoa Kỳ… giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao hình ảnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường.
Đáng chú ý, thời gian qua, hoạt động chế biến sâu được tăng cường, giúp giá trị xuất khẩu tăng lên, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Với diễn biến trên thị trường xuất nhập khẩu như hiện nay, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có thể tiếp tục đạt kỷ lục trong năm 2024, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong năm tới.
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Vậy ông có những lưu ý ra sao cho hoạt động xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm?
Do hiện nay Việt Nam chưa được tất cả các quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường nên doanh nghiệp cần lưu ý ghi chép lại tất cả những lưu ý trong quá trình sản xuất của mình nhằm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, mạch lạc. Từ đó có cơ sở sẵn sàng đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp do thị trường thế giới dựng lên.
Bên cạnh đó, với nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu lớn như nước ta, cần nỗ lực mở thêm thị trường cho sản phẩm để tránh rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ”.
Về phía các cơ quan chức năng, song song với việc mở cửa thị trường mới cho các sản phẩm, cũng cần lưu ý xây dựng cơ chế để xây các kho hàng sát biên giới, từ đó giảm chi phí vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung ngành công nghiệp chế biến chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là nông sản.
Đáng lưu ý, hiện nay sản xuất, xuất khẩu xanh đang là xu hướng của thế giới nên doanh nghiệp cần từng bước chuyển sang sản xuất, xuất khẩu xanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thành tích xuất nhập khẩu thời gian qua rất đáng ghi nhận, ông đánh giá gì về vai trò của Bộ Công Thương trong thành tích lớn đó?
Bộ Công Thương là bộ tham mưu trình Chính phủ các chính sách, hoạt động nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thời gian qua, tôi cho rằng Bộ Công Thương đã rất nỗ lực để mở cửa thị trường cho hàng hóa. Đã nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đi thị sát các địa phương biên giới, trong đó đều dành thời gian làm việc tại các khu vực cửa khẩu để tạo thuận lợi cho thương mại biên giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng trực tiếp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại lớn mà mới đây nhất là Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc được tổ chức vào tháng 9/2024; hoặc Triển lãm Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được tổ chức vào 13/10.
Bộ Công Thương còn triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quan trọng sang các thị trường, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam được thị trường thế giới biết đến. Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng được duy trì tổ chức, là kho thông tin cập nhật về thị trường xuất khẩu rất lớn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, tôi cho rằng công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường nhập khẩu được Bộ Công Thương thực hiện tốt thời gian qua, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tránh được rủi ro không đáng có trong hoạt động xuất khẩu.
Trong thời gian tới, ông có lưu ý gì với các doanh nghiệp nhằm duy trì kim ngạch xuất nhập khẩu?
Tôi cho rằng doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa để chinh phục thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường liên doanh liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Song song với đó, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, đầu tư chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, tôi cho rằng, doanh nghiệp phải “đi bằng hai chân”, bên cạnh xuất khẩu cũng không bỏ qua thị trường nội địa với 100 triệu dân vì đây là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!