Chuyển giao Trung tâm GDNN-GDTX: Nhiều cơ hội để đổi mới, phát triển

Việc chuyển giao các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện về sở GD&ĐT quản lý như thế nào để có thể phát huy hiệu quả?

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX (Nhiêu Lộc, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: website trung tâm

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX (Nhiêu Lộc, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: website trung tâm

Đây là vấn đề được các nhà quản lý giáo dục quan tâm, qua đó gợi mở giải pháp thiết thực.

Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Cơ hội và thách thức

 Ông Trần Tuấn Khanh.

Ông Trần Tuấn Khanh.

An Giang (cũ) có một trung tâm GDTX cấp tỉnh, 5 trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc cấp huyện. Thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, thành lập mới chính quyền cấp xã, các trung tâm GDNN-GDTX giao về sở GD&ĐT quản lý, điều này mang lại một số cơ hội và thách thức cho các trung tâm. Về quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6/1/2023.

Trong bối cảnh sáp nhập mới, trực thuộc sở GD&ĐT giúp các trung tâm GDNN-GDTX có nguồn lực về con người, cơ sở vật chất ổn định và hoạt động có tính bài bản, khoa học hơn. Việc trực thuộc duy nhất một cơ quan quản lý, công tác điều hành tập trung hơn cho cả hai lĩnh vực là GDTX và GDNN, khai thác tốt được đội ngũ giáo viên hơn so với trước đây trực thuộc huyện, chịu sự quản lý của cả sở LĐ-TB&XH, sở GD&ĐT.

Công tác chuyên môn cả hai lĩnh vực được điều hành cùng một mối, do vậy triển khai nhiệm vụ sẽ tốt hơn; giáo viên thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đào tạo, bồi dưỡng,… đồng bộ theo năm học cùng với ngành GD-ĐT. Nguồn lực phân bổ cho các trung tâm sẽ được đầu tư tốt, có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng chung từ sở.

Bên cạnh đó, các trung tâm cũng gặp phải một số thách thức như: Khi trực thuộc sở GD&ĐT, trách nhiệm của người đứng đầu trung tâm với vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện cần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khác với trước đây những nhiệm vụ này được huyện, sở LĐ-TB&XH, sở GD&ĐT giao nhiệm vụ thực hiện, thường ít có sự chủ động trước.

Công tác đào tạo GDNN cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện sắp xếp mới, phụ trách theo địa bàn xã. Việc nghiên cứu điều tra nhu cầu học tập, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng sự phát triển vùng miền là thách thức mới cho đội ngũ cán bộ quản lý của trung tâm, không được trông chờ giao việc như trước đây. Liên kết đào tạo cần có sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính năng động phù hợp với chủ trương chung của xã hội.

Giai đoạn đầu, các trung tâm sẽ gặp nhiều khó khăn, trong lúc nhiều nhiệm vụ đặt ra cho GD-ĐT giai đoạn mới cần phải giải quyết, song về lâu dài sẽ thuận lợi. Bộ GD&ĐT cần có các hướng dẫn mới về công tác kiểm định chất lượng, biên chế, đội ngũ cho các trung tâm sao cho phù hợp nhất.

Ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị (Nam Đông Hà, Quảng Trị): Phải được đầu tư xứng tầm

 Ông Lê Văn Hòa.

Ông Lê Văn Hòa.

Đất nước đang tiến hành cuộc cách mạng có tính lịch sử về tinh gọn, sắp xếp bộ máy nhanh chóng, quyết liệt. Trong đó, việc kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện và chuyển giao các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về sở GD&ĐT quản lý. Đây có thể xem như cơ hội vàng để tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống trung tâm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tồn tại, hạn chế đã kéo dài.

Trung tâm GDNN-GDTX là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho người dân. Trong thời gian qua, hệ thống này đã có nhiều đóng góp quan trọng để tạo nên chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thành các nhiệm vụ chung của ngành Giáo dục. Vì vậy, không nên định kiến cho rằng cần xóa bỏ hoàn toàn trên hệ thống giáo dục, mà phải nghiên cứu, đánh giá lại các chức năng, nhiệm vụ, để thiết kế lại hệ thống trung tâm thế nào đảm bảo nhiệm vụ, đúng và trúng nhu cầu học tập của người dân, mà không lãng phí nguồn lực. Theo tôi cần có những giải pháp cơ bản sau đây:

Phải xuất phát từ đặc thù kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập người học tại các địa phương để thiết kế hệ thống trung tâm GDNN-GDTX phù hợp với thực tiễn. Đối với khu vực thành thị thường có hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng nghề công lập, tư thục phát triển, dạy nghề ra nghề và được thị trường lao động đón nhận. Nhà nước nên chuyển giao chức năng dạy nghề cho các đối tượng yếu thế về các đơn vị nói trên.

Các đối tượng còn lại để doanh nghiệp tư nhân đảm trách càng tốt. Vì như vậy, vừa đảm bảo tính công bằng xã hội, tránh lãng phí, vừa tạo động lực để khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo động lực phát triển theo đúng cơ chế thị trường và bắt kịp xu thế công nghệ của thế giới.

Đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên tổ chức các trung tâm liên xã để có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cho nhân lực, thiết bị để có thể nâng cao chất lượng giáo dục nghề, hoặc có thể chuyển giao nhiệm vụ cho Trung tâm GDNN-GDTX cấp tỉnh để linh hoạt điều phối quá trình dạy nghề theo nhu cầu thực tế mỗi địa phương.

Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đào tạo nghề cho người dân là cần thiết, nhưng phải thật linh hoạt để thích ứng với nhu cầu thị trường. Việc thiết kế hệ thống giáo dục, đạo tạo nghề như hiện nay mang tính dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, kém chất lượng cần được sớm khắc phục. Trung tâm dạy nghề ngày nay phải được đầu tư xứng tầm để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ và sự biến động của thị trường việc làm, muốn như vậy, chỉ có con đường giảm số lượng trung tâm và tăng quy mô, chất lượng.

Về lĩnh vực giáo dục thường xuyên cấp THPT, để đảm bảo chủ trương phân luồng hiệu quả và tính ổn định bền vững cho các trung tâm, Nhà nước nên quy định rõ tỷ lệ học sinh sau THCS được vào học hệ THPT công lập và duy trì tỷ lệ nhất định học sinh vào học cấp THPT ở các trung tâm GDTX.

Như vậy vừa tạo ra động lực học tập cho học sinh THCS, nâng cao chất lượng giáo dục THPT; vừa giúp học sinh có lực học ở mức trung bình sớm tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và tham gia vào thị trường lao động phù hợp với năng lực, giúp tránh lãng phí, dần xóa đi tư tưởng của người dân phải cho con vào đại học bằng mọi cách.

Sau khi bỏ chính quyền cấp huyện, nên chăng ở khu vực thành thị thường có diện tích không lớn nhưng dân số lại đông đúc, Nhà nước thành lập một số trung tâm GDTX cấp tỉnh theo từng khu vực phù hợp với quy mô dân số để chỉ thực hiện chức năng GDTX cấp THPT và phục vụ nhu cầu liên kết đào tạo các trình độ cao hơn của người học trên địa bàn.

Còn chức năng giáo dục nghề nghiệp giao các đơn vị đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề như đã nói ở trên. Vấn đề giáo viên dạy nghề dôi dư, nếu có thực lực cần được bố trí vào trường trung cấp, trường hợp còn lại thực hiện tinh giảm biên chế.

Đối với khu vực nông thôn, vùng khó, thường địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, Nhà nước chỉ thành lập một số trung tâm GDNN-GDTX cấp tỉnh quy mô liên xã (xã mới) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm cấp huyện hiện tại về trung tâm cấp tỉnh. Làm như vậy, chúng ta dễ dàng điều phối giáo viên phục vụ nhu cầu học tập của người dân một cách linh hoạt, kể cả các trường hợp cá biệt như năm này tuyển sinh được học sinh THPT, năm sau lại không.

Tổ chức lại hệ thống trung tâm GDNN-GDTX trong giai đoạn này là việc làm có tính cấp thiết. Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh sớm triển khai để ổn định và đi vào hoạt động trong năm học mới 2025 - 2026.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm GDTX - Ngoại ngữ, Tin học Hải Dương (Hải Phòng): Được hỗ trợ tốt hơn về chính sách

 Ông Hoàng Tiến Dũng.

Ông Hoàng Tiến Dũng.

Cuộc cách mạng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy mà đất nước đang tiến hành tạo ra nhiều cơ hội cho các trung tâm GDNN - GDTX trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Chuyển giao quản lý về sở GD&ĐT giúp các trung tâm nhận được sự hỗ trợ tốt hơn về chính sách GD-ĐT, từ đó có thể cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập. Tuy nhiên cần một số cơ hội và giải pháp định hướng cho các trung tâm trong bối cảnh mới như:

Tăng cường quản lý và hỗ trợ từ sở GD&ĐT: Việc này giúp các trung tâm có được cách tiếp cận để nhanh chóng thích nghi trong hòa nhập với môi trường mới sau thay đổi mô hình quản lý….

Chuyển đổi mô hình hoạt động: Các trung tâm có thể chuyển mình thành những cơ sở giáo dục linh hoạt hơn, tập trung vào nhu cầu thực tế của thị trường lao động, từ đó thu hút nhiều học viên hơn.

Tạo mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp: Các trung tâm có thể hợp tác với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngắn hạn, cung cấp kỹ năng thực tiễn cho người lao động.

Mở rộng hình thức đào tạo: Các trung tâm có thể áp dụng công nghệ thông tin và các hình thức học trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận cho người học, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và thời đại công nghệp 4.0 hiện nay.

Về giải pháp, các trung tâm có thể tính đến giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu và phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường: Thực hiện khảo sát và nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu học tập và đào tạo của người dân, từ đó thiết kế chương trình học phù hợp.

Thứ hai, đổi mới nội dung chương trình: Cập nhật chương trình giảng dạy, chú trọng vào kỹ năng thực hành và trang bị kiến thức chuyên môn cần thiết cho người học.

Thứ ba, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho giáo viên: Định kỳ tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho giáo viên, đảm bảo họ có đủ năng lực và kiến thức để truyền đạt cho học viên.

Thứ tư, tăng cường truyền thông và quảng bá: Sử dụng các kênh truyền thông để tăng cường nhận thức của cộng đồng về các chương trình đào tạo của trung tâm, giúp thu hút nhiều học viên hơn.

Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực: Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, tránh lãng phí thông qua việc lập kế hoạch đào tạo cụ thể và phân bổ ngân sách hợp lý.

Thứ sáu, tăng cường mô hình đào tạo gắn với học tập suốt đời: Xây dựng các chương trình học tập linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập thường xuyên, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường lao động.

Cuộc cách mạng hiện tại mang đến cho các trung tâm GDTX-GDNN nhiều cơ hội để đổi mới và nâng cao vai trò của mình trong hệ thống giáo dục. Bằng cách tận dụng những cơ hội này và thực hiện các giải pháp đúng đắn, các trung tâm có thể đáp ứng nhu cầu học tập của người dân một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của xã hội.

Khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển các Trung tâm GDNN-GDTX về sở GD&ĐT quản lý sẽ tạo không gian rộng hơn trong hoạt động GD-ĐT, điều động, bố trí luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên. Thách thức là phạm vi hoạt động rộng có thể gặp khó khăn trong công tác quản lý, không được sự quan tâm, đầu tư từ chính quyền địa phương.

Giải pháp: Sắp xếp các trung tâm cung cấp dịch vụ công liên xã cần chú ý đến khoảng cách địa lý, quy mô dân số; nâng cao năng lực đội ngũ gắn với tinh giản biên chế (có các chính sách ưu đãi); tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình… - Ông Trương Minh Vũ - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Đông Hà (Đông Hà, Quảng Trị)

Hiếu Nguyễn (ghi)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-giao-trung-tam-gdnn-gdtx-nhieu-co-hoi-de-doi-moi-phat-trien-post739616.html