'Chuyện muôn năm mới' của những người đồng nghiệp cũ

Từ ngôi nhà Pháp luật Việt Nam, rất nhiều anh chị đồng nghiệp của chúng tôi đã thành đạt trong sự nghiệp báo chí, giữ cương vị lãnh đạo của các tờ báo lớn và họ vẫn nhớ về Báo Pháp luật Việt Nam, về những đồng nghiệp một thời của mình với đong đầy những kỷ niệm, nỗi nhớ thân thương. Nhân dịp Báo Pháp luật Việt Nam kỷ niệm 40 năm Ngày phát hành số đầu tiên, chúng tôi mới lại có 'cớ' để lắng nghe những chia sẻ, tâm sự ấy.

Nhà báo Đăng Bình phỏng vấn anh Bùi Minh Hải (sinh năm 1956, ngụ tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - người bị kết án tù chung thân về ba tội giết người, cướp tài sản công dân và hiếp dâm nhưng được minh oan và trả tự do sau loạt bài “Vụ án chiếc đồng hồ Seiko” của Nhà báo Đăng Bình đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam năm 1998-1999. (Ảnh chụp năm 2000 khi Nhà báo Đăng Bình đang công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam).

Nhà báo Đăng Bình phỏng vấn anh Bùi Minh Hải (sinh năm 1956, ngụ tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - người bị kết án tù chung thân về ba tội giết người, cướp tài sản công dân và hiếp dâm nhưng được minh oan và trả tự do sau loạt bài “Vụ án chiếc đồng hồ Seiko” của Nhà báo Đăng Bình đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam năm 1998-1999. (Ảnh chụp năm 2000 khi Nhà báo Đăng Bình đang công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam).

“Báo Pháp luật Việt Nam chính là “sàn võ” để tôi “luyện công” nghề báo”

Nhà báo Nguyễn Đăng Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà quản lý nhớ lại: “Tôi chính thức đầu quân cho Báo Pháp luật Việt Nam - cơ quan của Bộ Tư pháp sau khi đã trải qua nhiều năm “nhảy cóc” làm phóng viên ở một vài tờ báo khác nhau ở TP HCM. Gần 20 năm gắn bó với Báo Pháp luật Việt Nam trên nhiều cương vị, có thể nói Pháp luật Việt Nam chính là “sàn võ” để tôi “luyện công” nghề báo trên nền tảng một cử nhân luật đam mê nghề viết lách.

Tôi được Tòa soạn phân công theo dõi mảng pháp đình suốt ngày ngồi lê đôi mách ở tòa án, có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với nhiều đương sự, quan tòa, đặc biệt là giới luật sư (LS) để viết hàng ngàn bài báo xung quanh các vấn đề pháp luật nổi cộm, nhiều thân phận đáng thương và các vụ án được dư luận quan tâm.

Nhà báo Đăng Bình

Nhà báo Đăng Bình

Tuy nhiên, sau nhiều năm làm phóng viên pháp đình, điều khiến tôi day dứt là hình ảnh tuyệt vọng của những người dân làm đơn khiếu nại xin xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng bị TANDTC hoặc VKSNDTC trả lời “không có cơ sở kháng nghị” buộc họ tìm đến cơ quan báo chí nơi tôi công tác để kêu cứu…”.

Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ tư liệu do bạn đọc cung cấp, được sự động viên của một số bạn bè tâm huyết công tác trong và ngoài ngành pháp luật, đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình của một số LS, đầu tháng 6/2006, anh Đăng Bình bắt đầu thực hiện loạt bài điều tra mang tên “Thực trạng xin GĐT như mò kim đáy bể” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam.

Loạt bài này dài 27 kỳ, kéo dài từ tháng 6/2006 đến tháng 9/2006, với số liệu và chứng cứ thuyết phục đã phản ánh, mổ xẻ những bất cập trong công tác xét xử và giải quyết đơn khiếu nại GĐT ở Việt Nam, đã “gãi” đúng vấn đề mà nhiều người dân đang bức xúc. Năm 2007, loạt bài báo dài 27 kỳ này đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân (thuộc Bộ Công an) tập hợp xuất bản thành quyển sách “Giải mã Giám đốc thẩm”.

“Nhà báo cũng không thể viết thành công loạt bài dài kỳ nếu thiếu sự hỗ trợ tích cực từ phía giới luật gia, LS. Đặc biệt khi triển khai đề tài, phải có được sự ủng hộ cũng như bản lĩnh của Ban Biên tập. Nhớ lại, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam lúc bấy giờ, anh Lê Cảnh Thuận nhiều lần gọi điện cho tôi tâm sự rằng cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp cũng chịu nhiều áp lực từ VKSNDTC và TANDTC. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI, chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Lộc đã nêu loạt bài này để chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện và ông Hiện thừa nhận Báo phản ánh đúng thực trạng của ngành Tòa án nên Ban Biên tập càng vững lòng hơn”, anh Bình kể.

Nhà báo Chí Công

Nhà báo Chí Công

Với 20 năm làm việc tại Pháp luật Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới Lương Chí Công thật sự rất khó khăn khi chọn lựa những kỷ niệm nổi bật.

Anh nhớ đến một lần, từ đơn thư bạn đọc, anh vào thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) để điều tra việc thực hiện dự án mở rộng đường Quốc lộ 1 bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Khi đang đi dọc đoạn Quốc lộ 1 từ trụ sở thị xã đến nhà người dân, một cụ ông chợt vẫy anh lại: “Chú là nhà báo pháp luật từ Hà Nội vào phải không? Mời chú ghé nhà tôi uống “đọi nác” rồi tôi có điều gửi gắm…”. Ngạc nhiên, song anh cũng nhận lời với cụ. Uống được lưng bát nước chè xanh, ông cụ trầm ngâm mãi rồi chậm rãi: “Tôi chẳng biết chú điều tra được những gì, chỉ mong ở chú một điều: Trước pháp luật thì phải công bằng, cứ sự thật mà viết, đừng vì bất cứ ai - dù là dân hay là cán bộ - mà giấu giếm điều gì hay để vừa lòng ai đó!”. Lời gửi gắm của ông cụ (anh vẫn tự trách vì không còn nhớ tên ông cụ) theo anh suốt từ bấy đến nay, ngấm thành tính cách, thói quen hành xử của chính anh.

“Có rất nhiều kỷ niệm trong 20 năm tác nghiệp ở Pháp luật Việt Nam, kể không hết trong chia sẻ ngắn này. Dẫu vậy, tựu trung lại từ những gì đã trải qua, tôi thấy rằng phóng viên cũng như tờ Pháp luật Việt Nam luôn được Nhân dân, cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp rất trân trọng, quý mến và đặt nhiều kỳ vọng”, Nhà báo Chí Công bày tỏ.

Đặc biệt, anh đã “dốc lòng” với chúng tôi về “típ” kinh nghiệm làm báo của một cử nhân Luật. “Kiến thức pháp lý được trang bị một cách chính quy cho phép tôi tiếp cận nhanh với các đề tài, vấn đề pháp luật - thế mạnh, và là mảng thông tin chủ đạo của Báo; nhưng viết báo, thì tôi lại chỉ như “tờ giấy trắng”! Không còn cách nào khác, tôi học từ đồng nghiệp, từ chính các anh chị đi trước bằng việc… lén chui vào phòng trình bày báo, đọc lại các tin bài của mình khi đã được biên tập; xem bản bông; xem báo thành phẩm… để tự rút kinh nghiệm rút tít, sửa câu chữ, ngắt đoạn… Tham lam hơn, tôi “ngó trộm” cả tin, bài của đồng nghiệp để xem họ đã viết thế nào, kết cấu và rút tít ra sao, được sửa những gì… Cứ dần dần mỗi ngày như thế, tích tiểu thành đại, tôi trưởng thành trong nghề, lần lượt được giao nhiệm vụ biên tập, thư ký tòa soạn rồi lãnh đạo những ban quan trọng như Ban Thư ký Tòa soạn, Ban Thời sự - Chính trị, tổ chức xuất bản ấn phẩm Pháp luật bốn phương từ những số đầu tiên cho đến ngày chuyển công tác”, anh hồi tưởng.

Nhà báo Thanh Quý

Nhà báo Thanh Quý

Cũng nhớ lại kỷ niệm tác nghiệp khi còn làm việc tại Báo Pháp luật Việt Nam, câu chuyện viết loạt bài “Chứng minh nhân dân (CMND) mẫu mới gây phiền toái” của Nhà báo Phan Thanh Quý, Phó Trưởng Ban Khoa học - Môi trường, Báo Nhân dân (cùng Nhà báo Võ Tuấn Anh, nay là Trưởng Ban Kinh tế và Doanh nhân của Báo Pháp luật Việt Nam) khiến chúng tôi cảm thấy như chỉ mới xảy ra cách đây ít hôm dù thực tế nó diễn ra từ 13 năm trước - tháng 6/2012.

Chị Quý nhớ khi làm loạt bài này, không một ai trong số những người đã gặp gỡ, phỏng vấn (từ những bà mẹ đơn thân đến những vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia vấn đề xã hội, giới luật sư…) biết có chủ trương đưa tên cha, mẹ vào CMND. Thái độ ngạc nhiên và câu trả lời của họ đều như nhau: “Có chủ trương như thế à? Làm sao có thể như vậy được!?”... Sự phản ứng, kèm những lời cảm thán kiểu như vậy càng chứng tỏ cho chị Quý và anh Tuấn Anh thấy, chủ trương này là bất ổn, bởi nó không chỉ “phơi” thông tin đời tư của mỗi cá nhân trên tấm căn cước mà còn chưa chuẩn về quy trình trưng cầu ý kiến về một vấn đề nhưng có liên quan tới hàng chục triệu người Việt Nam khi ấy.

Sự bất ngờ về thông tin đó dường như khiến cho người dân quan tâm hơn về đề tài các nhà báo đang theo đuổi, từ đó đã mạnh dạn lên tiếng dưới nhiều góc độ khác nhau… giúp cho nhóm tác giả hoàn thành loạt bài khá đầy đặn về mặt nội dung, với hơn 5 kỳ báo đăng tải trên ấn phẩm Pháp luật Việt Nam hàng ngày. Theo đó, rất nhiều chuyên gia có uy tín, tâm huyết đã xuất hiện trên Pháp luật Việt Nam để bảo vệ quyền trẻ em, quyền bí mật đời tư công dân…, đồng thời nhấn mạnh cần phải bãi bỏ ngay quy định ghi tên cha, mẹ trên CMND.

Loạt bài sau đó đã được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia năm 2013 trao Giải C. Cùng năm đó, ngoài loạt bài này, một nhóm tác giả khác của Pháp luật Việt Nam cũng đã nhận được một hạng mục giải thưởng khác cho một đề tài xã hội, qua đó đã góp phần tạo nên một “mùa vàng” về giải thưởng trong lịch sử hoạt động nghiệp vụ của những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam.

“Ký ức trên là một phần trong chặng đường 14 năm tôi gắn bó với Pháp luật Việt Nam (2000 - 2014), nơi tôi đi qua thời son trẻ, thời sung sức nhất của nghề làm báo. Tôi thấy tự hào vì mình từng là phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam!”, chị Quý xúc động nói.

“Không chỉ bảo vệ lẽ phải bằng pháp luật”

“Loạt bài của chị Quý và anh Tuấn Anh đã khẳng định sở trường, thế mạnh của Pháp luật Việt Nam, của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam là tuyên truyền, phản biện chính sách xã hội... Nhưng không chỉ có vậy, Báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi còn góp phần bảo vệ công lý bằng sự nhân văn được thắp lên từ những quan niệm nhân hậu”. Đó cũng là những tâm sự của Nhà báo Trần Đức Vinh, Tổng Biên tập Báo Công lý, khi giữ cương vị Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Nhà báo Đức Vinh

Nhà báo Đức Vinh

Theo anh Đức Vinh, tính nhân văn được Pháp luật Việt Nam thể hiện qua các loạt bài điều tra nhằm bảo vệ sự công bằng, lẽ phải cho những người dân, doanh nghiệp bị oan sai. Sự kiên trì, quyết liệt của tờ báo đã mang lại niềm tin cho nhiều người dân trên con đường đi tìm công lý, mang lại sự tin yêu của người dân với một cơ quan báo chí.

Nhà báo Trần Đức Vinh, Tổng Biên tập Báo Công lý: Tính nhân văn được pháp luật việt nam thể hiện qua các loạt bài điều tra nhằm bảo vệ sự công bằng, lẽ phải cho những người dân, doanh nghiệp bị oan sai. Sự kiên trì, quyết liệt của tờ báo đã mang lại niềm tin cho nhiều người dân trên con đường đi tìm công lý, mang lại sự tin yêu của người dân với một cơ quan báo chí.

Tính nhân văn còn được thể hiện qua những hoạt động mà Đảng ủy, Ban Biên tập Báo xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng sau công tác phụng sự đất nước.

Tính nhân văn còn được thể hiện qua những hoạt động mà Đảng ủy, Ban Biên tập Báo xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng sau công tác phụng sự đất nước: Với những chuyến đi bồi đắp tâm hồn, từ tri ân những anh hùng, liệt sỹ ở Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Thành cổ, Đường 9, Trường Sơn… đến niềm tự hào khi báo công với Bác Hồ kính yêu tại Làng Sen quê Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại mộ Đại tướng ở Quảng Bình; đến những trăn trở khi tặng quà thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh - những người đã đổi một phần xương máu cho nền độc lập hôm nay…

Hay hình ảnh lá cờ Tổ quốc được ngư dân treo lên cột buồm tung bay trước gió, ánh mắt cảm ơn của người cán bộ xã khi nhận ấn phẩm sách báo pháp luật, những giọt nước mắt của người cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn khi được nhận “Mái ấm Tư pháp”… đã tạo nên Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” do Báo Pháp Luật Việt Nam thực hiện trong suốt hơn 10 năm.

Nhà báo Hoàng Thủy

Nhà báo Hoàng Thủy

Còn Nhà báo Bùi Thị Thủy (Hoàng Thủy), nguyên Phó Trưởng Ban Báo Pháp Luật Việt Nam điện tử chân tình kể về những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong các chương trình thiện nguyện của Báo, bên cạnh những kỷ niệm tác nghiệp không bao giờ quên: “Khi đọc thống kê số nhà tạm trong chương trình xóa nhà tạm Chính phủ đang thực hiện quyết liệt, tôi nhớ về những ngày cùng anh chị em đồng nghiệp ở Pháp luật Việt Nam theo đuổi tuyên truyền về các chính sách xóa nhà tạm, nhà tránh lũ ở khắp mọi miền đất nước. Tôi vẫn nhớ cảm xúc của mình khi đến vùng rốn lũ Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) sau một cơn lũ, khi vệt nước trên tường còn cao gần gấp đôi chiều cao của mình, nghe người già kể năm nay lũ to lắm nhưng thiệt hại ít hơn, vì trong thôn đã có mấy nhà làm chòi tránh lũ, bà con kịp đưa lợn gà thóc lúa lên tránh, lũ rút đi người vẫn an toàn, của cải vẫn còn.

Ngay khi các chính sách về nhà ở xã hội đang thu hút bàn thảo của nhiều người, vì chung cư ít mà người nghèo nhiều, tôi từng hạnh phúc khi ý kiến về nhà ở xã hội dành cho công chức các tỉnh mà Báo tiên phong đăng tải sau đó xuất hiện trong bản đề xuất bổ sung, chỉnh sửa pháp luật nhà ở xã hội của cơ quan chức năng, hoàn thiện chính sách và bảo đảm toàn diện hơn các đối tượng được thụ hưởng chính sách”.

Cũng theo chị Thủy: “Còn nhiều chính sách khác chúng tôi đã được chứng kiến, được góp phần trong suốt hành trình cùng Pháp luật Việt Nam. Chúng tôi rõ rằng, là phóng viên của tờ báo thuộc Bộ Tư pháp, được đào tạo bài bản về pháp luật, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều tình huống pháp lý, chúng tôi có cơ hội hơn ai hết làm cầu nối để đưa chính sách vào thực tiễn và phản ánh thực tiễn tới người làm chính sách. Điều đó đã phần nào khiến tờ báo và người làm báo Pháp luật Việt Nam trở nên riêng biệt và có vị trí không thể phủ nhận trong giai đoạn báo chí phát triển vũ bão với sự xuất hiện ồ ạt của nhiều cơ quan báo chí và sự bứt phá mạnh mẽ của các hình thức báo chí điện tử mới”.

Có một câu mà nguyên Phó Tổng Biên tập Trần Đức Vinh chia sẻ với Ban Bạn đọc (một trong những đơn vị chị Thủy gắn bó lâu nhất khi còn công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam) trong dịp 21/6 cách đây gần 10 năm đến nay chị Thủy vẫn tâm đắc: “Bằng nỗ lực mỗi ngày, lặng lẽ góp từng hạt cát, chúng ta đang lấp đầy khoảng cách, xóa các vùng lõm pháp luật, cả trong nhận thức của từng người dân và trên những khoảng cách địa lý thực tế”.

“Mái nhà và mái trường của tôi”

Quyết định rời khỏi Báo Pháp luật Việt Nam chuyển công tác sang Tạp chí Nhà Đầu tư năm 2016 với nhà báo Phạm Đức Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư là một trong những quyết định khó khăn nhất của anh. Không nặng lòng sao được khi Báo vừa là mái nhà, vừa là mái trường gắn bó suốt thời trai trẻ.

Nhà báo Đức Sơn

Nhà báo Đức Sơn

Anh Đức Sơn là một trong số 20 người thi đậu vào báo năm 2000 qua kỳ thi tuyển được tổ chức quy củ. Từ một sinh viên mới ra trường, được nhận vào Báo, rồi được kết nạp Đảng, lần lượt trải qua các vị trí công tác, từ phóng viên, đến thư ký tòa soạn, Phó ban rồi Trưởng ban, cả chặng đường trưởng thành của anh đều do Báo rèn luyện, đào tạo. “Bây giờ từ xa nhìn về, mới thấy rõ Báo đã hình thành và gìn giữ một lối chơi, một bản sắc văn hóa làm nghề rất riêng. Những người từ Pháp luật Việt Nam ra đi, ít hay nhiều, ý thức hay không ý thức, đều mang theo những nét riêng đó, không trộn lẫn giữa làng báo sầm uất”, anh Sơn tâm sự.

Không chỉ là mái trường, Pháp luật Việt Nam còn thực sự là mái nhà đối với anh Sơn và các đồng nghiệp. Ngoài văn hóa nghề như đã nêu trên, Báo có một văn hóa tòa soạn nền nếp, có trên có dưới nhưng đoàn kết, quan tâm và chia sẻ. Các anh chị lớp trước đều là những tấm gương mẫu mực, đối đãi với lớp kế cận vừa nghiêm khắc vừa bao dung, qua đó không chỉ dạy lứa phóng viên trẻ làm báo mà còn dạy ăn ở, đối nhân xử thế.

Anh Đức Sơn gặp vợ và lập gia đình cũng là từ Báo. Hai vợ chồng anh là một trong số ít cặp lấy vợ, lấy chồng cùng cơ quan. Vợ chồng anh có gần 10 năm làm cùng tòa soạn. Vì vậy, với riêng anh Đức Sơn, mái nhà Pháp luật Việt Nam không chỉ hiểu theo nghĩa bóng mà còn là nghĩa đen của từ này...

Chị Thủy lại xúc động kể: “Tôi may mắn là 1 trong 9 phóng viên được tuyển vào lứa đầu tiên của Báo Pháp luật, nay là Pháp luật Việt Nam, từ cuối năm 1998, nhờ đó được chứng kiến và góp phần xây dựng tờ báo qua từng chặng đường phát triển, trở thành tờ báo nội chính hàng đầu, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc và cộng đồng.

Nhà báo Hoàng Thủy (lúc đang công tác Báo Pháp luật Việt Nam, đứng thứ 4 từ phải sang) nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông vì có thành tích trong công tác tuyên truyền về biển đảo.

Nhà báo Hoàng Thủy (lúc đang công tác Báo Pháp luật Việt Nam, đứng thứ 4 từ phải sang) nhận Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông vì có thành tích trong công tác tuyên truyền về biển đảo.

Là phóng viên trẻ đầy háo hức và hoài bão khi mới rời trường Đại học, tôi được các cô chú anh chị ở Báo cho cơ hội được đi, được gặp gỡ, được quan sát, được cảm nhận, được học hỏi, được khám phá, được tích góp, được đưa tất cả những gì chúng tôi thu thập được vào từng câu chữ, từng bài viết, từng tấm hình, trở thành thông tin đến bạn đọc, thành những ý tưởng, những đề xuất tới cơ quan quản lý. Và cũng qua từng ngày thế, tình yêu dành cho Pháp luật Việt Nam đã thành hình, đã lớn mạnh và luôn tồn tại trong mọi hành trình cuộc sống. Với tôi, chú Thuận, chú Luyến, chú Độ, chị Mai, chị Cẩm, chị Thu Hà, anh Hội, anh Vinh, chị Xuân Hoa, Thu Hằng, Quỳnh Lưu, Hương Giang, Thanh Quý, Thanh Lương, Lương Nga, Vân Tùng, Ngọc Ánh… không chỉ là đồng nghiệp, mà là người thân, là anh chị em trong một đại gia đình.

Bước sang tuổi 40, từ tận đáy lòng, mong Pháp luật Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới thành công hơn, vững chắc hơn, tiếp tục khẳng định vị trí là nhân tố không thể thiếu trong hoạt động tuyên truyền pháp luật, phản ánh thực hiện pháp luật và xây dựng đất nước.

“Đối với tôi, Pháp luật Việt Nam vẫn luôn là Nhà”

Trong khi đó, Nhà báo Lê Thanh Lương, Phó Tổng Biên Tập Tạp chí Ngày Nay quan niệm, với những người làm báo thì mỗi ấn phẩm chính là “một đứa con tinh thần”. Bởi thế, với tư cách là một trong những người đặt những “viên gạch” đầu tiên cho ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật, chị rất tâm đắc với tinh thần “Thượng tôn pháp luật” mà Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã thống nhất xây dựng, vun đắp cho ấn phẩm này từ ngày xuất bản đầu tiên. Chị kỳ vọng, tinh thần “Thượng tôn pháp luật” cần được làm mới phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang có nhiều quyết sách đột phá, sáng tạo, mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, trong đó lĩnh vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây chính là thời điểm thuận lợi để Báo Pháp luật Việt Nam nói chung và ấn phẩm nói riêng phát huy vai trò của mình - là người bạn đồng hành, trợ thủ đắc lực cho cộng đồng doanh nhân trong thời kỳ mới, giai đoạn phát triển mới.

Nhà báo Thanh Lương

Nhà báo Thanh Lương

Với lịch sử 40 năm xây dựng và trưởng thành, Pháp luật Việt Nam đã và đang là một “thế lực” truyền thông. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà có thể chủ quan trước các xu thế mới đang diễn biến rất nhanh. Vì vậy, Nhà báo Phạm Đức Sơn tin tưởng rằng, bằng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm của một tờ báo có bề dày truyền thống, là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, dưới ngọn cờ “Vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, trên hành trình mới, PLVN sẽ luôn có tầm nhìn và chiến lược phù hợp để phát triển bền vững.

Xin được kết bài bằng câu chúc tràn đầy tình cảm của anh Chí Công dành cho tờ báo của chúng tôi: “Báo Pháp luật Việt Nam năm nay tròn 40 năm kể từ khi ra số đầu tiên, cá nhân tôi có 20 năm thanh xuân bỡ ngỡ rồi trưởng thành tại đây. Ở tuổi 40 đầy sung sức, tôi tràn đầy niềm tin rằng, tờ báo sẽ tiếp tục vững bước đi lên, góp sức cùng Bộ, ngành Tư pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” thể chế, hoàn thiện pháp luật, thực sự là “cầu nối” vững chắc, tin cậy, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; lắng nghe, chắt lọc và nói những tiếng nói phản biện sâu sắc từ thực tiễn thi hành pháp luật từ đó quảng bá, lan tỏa văn hóa “thượng tôn pháp luật”, vì một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…”

Hoàng Thư

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/chuyen-muon-nam-moi-cua-nhung-nguoi-dong-nghiep-cu-84311.html