Chuyện ở 'trường làng'

Dù ngành chức năng đã nhiều lần thuyết phục đưa con em về điểm trường chính để học, nhưng phụ huynh thôn Thái Bình không đồng ý với nhiều lý do khiến các em phải học trong điều kiện bức bối.

Chuyện ở

Phân hiệu Thái Bình ngập nước khi mưa xuống.

Phân hiệu Thái Bình ngập nước khi mưa xuống.

Trường ngập khi mưa

Không ai nói với tôi về câu chuyện con em thôn Thái Bình, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình đến tuổi ra lớp phải chịu nhiều thiệt thòi liên quan đến 2 không: không có điều kiện trường, lớp tốt và không được tiếp cận với chương trình giáo dục mới. Mà là tình cờ tôi phát hiện trong một chuyến công tác về huyện sau một đêm mưa như trút nước, hai bên QL1A là làng mạc, ruộng đồng nhiều chỗ bị nhấn chìm trong biển nước. Trong đó, điểm trường lẻ của Trường tiểu học Hồng Thái 2 ở thôn Thái Bình như một ao nước, khiến tôi dừng xe nghĩ đến cô trò của trường. Nếu không nghỉ hè sớm vì dịch Covd-19 thì cô trò phải giảng dạy và học tập trong điều kiện ẩm ướt, nhếch nhác...

Mang suy nghĩ đó, tôi đi tìm hiểu nguyên nhân từ người dân, bà Nguyễn Thu Lâu - sống gần trường nghe tôi gọi muốn gặp, bà hỏi ngược lại: Gì đó cô?. Biết tôi hỏi thông tin về trường, bà trả lời: “Trường có 3 phòng học, mới được tu sửa chống dột, sân trường luôn trong tình trạng ngập nước do xung quanh cao hơn so với nền trường, nên mưa xuống nước không có lối thoát. Lúc chưa nghỉ hè mà mưa xuống cô trò phải xắn quần lội”... Nghe nói có đất xây dựng trường rồi, mà sao chưa xây để tụi nhỏ học trong tình cảnh này, thấy tội, bà Lâu cho biết thêm.

Để rõ hơn sự việc, tôi đã liên hệ và gặp thầy Hoàng Minh Hiến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Thái 2. Ấn tượng của tôi với thầy là người hiền từ, nghiêm nghị, ân cần, thầy Hiến chia sẻ: “Trường tiểu học Hồng Thái 2 có 2 điểm trường lẻ ở thôn Thái Bình và thôn Thái An. Chúng tôi biết nỗi khổ của học sinh ở điểm trường lẻ thôn Thái Bình nên đã vận động phụ huynh đưa con em về điểm trường chính học. Vì điểm lẻ này, có diện tích đất nhỏ hẹp không đủ điều kiện xây lại trường mới. Hơn nữa, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sáp nhập và xóa các điểm trường lẻ, hạn chế đầu tư dàn trải, tiết kiệm nhiều biên chế. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh ở thôn muốn con em mình học ở phân hiệu này cho gần nhà và đòi xây trường mới ở thôn. Mặc dù, điểm trường lẻ đã nằm trong lộ trình sáp nhập về điểm trường chính.

Dân viện lý do

Theo tìm hiểu thì đoạn đường từ phân hiệu Thái Bình về điểm trường chính dài khoảng 2km, không xa so với đoạn từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ ở vùng cao. Nếu cha mẹ thực sự quan tâm đến việc học hành của con cái vẫn có thể đưa đón bình thường. Thầy Hiến trăn trở: Thực sự chúng tôi mong muốn toàn bộ học sinh ở điểm trường lẻ Thái Bình về điểm trường chính này học để còn được tiếp cận với chương trình giáo dục mới. Bởi chương trình này có thiết kế thêm một số môn học như tin học, công nghệ, giáo dục thể chất hay hoạt động trải nghiệm theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Để con em học ở điểm trường lẻ này thì chỉ học văn hóa giống như các lớp xóa mù chữ, học toán, tiếng Việt, chúng tôi rất áy náy. Những năm học qua, vận động nhiều lắm mới có một số phụ huynh đưa con về học, còn lại vẫn ở phân hiệu này gần 100 học sinh từ lớp 1 - 5. Năm học tới chúng tôi tiếp tục vận động, chỉ lo phụ huynh lại viện lý do, đường sá không thuận tiện đưa đón con em đi học...

Chỉ đến khi gặp Bí thư thôn Thái Bình, Nguyễn Quốc Thành tôi mới hiểu. Ông lý giải, chuyện phụ huynh thôn Thái Bình không đưa con em đến điểm trường chính học đó là câu chuyện dài, nó bắt đầu 10 năm về trước. Người dân thôn Thái Bình kiến nghị chính quyền địa phương xây mới lại điểm trường lẻ này vì đã xuống cấp. Tuy nhiên, sau đó huyện chủ trương xây điểm trường chính, dồn con em của thôn về học nên người dân không đồng tình và cho rằng bất tiện đưa đón con em... Hiện ai có điều kiện thì đưa con em về điểm chính học, còn lại vẫn học ở điểm trường lẻ. Số còn lại chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng vẫn bất thành.

Cần sự đồng thuận

Tôi tiếp tục đến Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Bình để hiểu rõ câu chuyện trường lớp ở thôn Thái Bình. Trên đường tôi ghé vào UBND xã Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Cửu tiếp tôi, trả lời rõ ràng hơn, xã có 6 thôn gồm 7 cụm dân cư. Trước đây mỗi cụm đều có điểm trường lẻ trực thuộc 3 điểm trường chính là Trường tiểu học Hồng Thái 1, 2 và 3. Trong đó, Trường tiểu học Hồng Thái 2 có 2 điểm lẻ ở thôn Thái An và Thái Bình. Cử tri thôn Thái Bình nhiều lần kiến nghị xây lại điểm trường, nhưng điểm trường nằm bên cạnh QL1A nguy hiểm cho học sinh, diện tích trường thì nhỏ hẹp nên đã bố trí quỹ đất xây ở chỗ khác. Tuy nhiên, sau đó có chủ trương dồn trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên UBND huyện xây dựng điểm trường chính, quy mô lớn để cho cả con em thôn Thái Bình về học vì thôn Thái Hòa và thôn Thái Bình gần nhau. Lấy lý do đó, người dân thôn Thái Bình không chịu đưa con em về điểm chính học mà yêu cầu xây trường ở thôn, chúng tôi ghi nhận kiến nghị của bà con. Đồng thời vẫn động viên họ đưa con em về điểm trường chính để học trong điều kiện tốt hơn.

Bà Lê Thị Kim Hoa – Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Bình chia sẻ: Vì tất cả con em của huyện, nhất là con em thôn Thái Bình, bà yêu cầu Trường tiểu học Hồng Thái 2 tổ chức học bán trú, để tiện lợi cho phụ huynh thôn Thái Bình đưa đón con em. Tuy nhiên, một số phụ huynh ở đây viện lý do, không có điều kiện cho học bán trú. Trong điều kiện hiện nay không thể xây một ngôi trường ở thôn Thái Bình vì con em trong thôn không nhiều, chỉ khoảng 3 lớp. Trường phải xây 5 phòng, chưa kể công trình phụ đảm bảo tiêu chí chuẩn của trường học, rất lãng phí, trong khi khoảng cách từ thôn đến điểm trường Thái Hòa không xa.

Từ sự việc trên cho thấy, có thể người dân chưa nắm rõ chủ trương về điều kiện xây dựng trường, huyện Bắc Bình cần vận động, thuyết phục thêm nữa để người dân hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Khi người dân chưa đồng thuận với chính quyền, ngành chức năng thì thiệt thòi nhất chính là các em học sinh – những chủ nhân của tương lai.

Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, có nêu: Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Phóng sự: Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/chuyen-o-truong-lang-139284.html