Chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp để nông dân bớt nghèo

Sáng nay (ngày 4.11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025. TS. NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, các đại biểu cần trao đổi và tìm giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp để giúp nông dân bớt nghèo, nhất là nông dân trồng lúa.

Nếu không chấn chỉnh lại, nông nghiệp khó bền vững

- Trong báo cáo kinh tế - xã hội gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…; đồng thời tập trung thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030. Là chuyên gia về nông nghiệp, ông nghĩ sao về điều này?

 Ảnh: Q. Khánh

Ảnh: Q. Khánh

- Ngay trước phiên thảo luận của Quốc hội, chúng ta có một số thống kê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Theo đó, 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 15,2 tỷ USD, tăng mạnh hơn 62% so với cùng kỳ 2023.

Kim ngạch cao nhất thuộc về nhóm rau quả với 6,34 tỷ USD, tăng 31,5% so với năm trước. Xuất khẩu cà phê đạt mức cao chưa từng có với 4,6 tỷ USD, tăng hơn 40%. Xuất khẩu gạo cũng duy trì đà tăng trưởng. Xuất khẩu hồ tiêu đã phục hồi mạnh…

Nhiều nông sản xuất khẩu lập kỷ lục xuất khẩu mới là một trong những minh chứng sinh động cho thành công của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Trên thực tế, chúng ta đang hướng tới nông nghiệp xanh, trong đó bao hàm nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta cũng đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, giảm phát thải khí nhà kính, giá trị gia tăng cao, hiệu suất tăng lên. Một số công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong sản xuất như thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật; phân bón lá; gieo hạt giống, bơm nước thông minh… Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, một số khâu đạt mức độ cao. Khâu làm đất cho cây trồng hàng năm đạt tỷ lệ khoảng 97%, khâu gieo trồng đạt trên 65%.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ không đồng đều. Ở đồng bằng sông Cửu Long làm rất tốt và làm nhiều nhưng phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thì mới làm rải rác và không đồng đều. Nhiều năm lăn lộn với nông nghiệp và tiếp xúc với nông dân, điều tôi trăn trở là, nếu không tập trung chấn chỉnh lại nền nông nghiệp hiện nay thì chưa chắc đã bền vững, dù thế giới rất trông chờ vào năng lực nông nghiệp của Việt Nam để cung cấp lương thực, thực phẩm cho thế giới và hy vọng Việt Nam sẽ là “bếp ăn của thế giới”.

- Cụ thể, theo ông phải “chấn chỉnh” những gì?

- Tôi cho rằng cần tập trung chấn chỉnh 3 tồn tại, nhược điểm lớn hiện nay. Thứ nhất, chúng ta có các loại nông sản phong phú nhưng khâu tổ chức sản xuất còn rất nhiều vấn đề, do tính chất manh mún nhỏ lẻ. Các hộ tham gia vào hợp tác xã còn ít, lãnh đạo hợp tác xã còn hạn chế về kiến thức. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng rất chậm, hiệu quả còn kém. Nhiều hợp tác xã chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Vì vậy, điểm yếu nhất của chúng ta là chưa đáp ứng đủ sản lượng nông sản, đủ hợp đồng; ổn định về chất lượng, giá cả để cung cấp cho thị trường.

Điểm yếu thứ hai là chế biến sâu còn hạn chế, song điều này có thể khắc phục được, chỉ cần có tiền nhập khẩu các công nghệ chế biến sâu. Bên cạnh đó, việc liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng cũng chưa phổ biến.

Điểm yếu thứ ba là logistics trong vận chuyển xuất khẩu nông sản, nhất là kho bãi cho logistics nông sản. Nhìn sang Thái Lan, họ tổ chức logistics rất tốt, có những kho lạnh, trong khi Việt Nam rất thiếu nên bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và đối tác thu mua, hệ quả là nông sản rất dễ bị ép giá do không làm chủ được. Nếu có kho lạnh ở cấp xã, cấp huyện thì có thể chủ động được xuất khẩu, thỏa thuận với nhau về giá cả.

Phải tổ chức sản xuất thật tốt

- Có lẽ vì vậy mà trong năm 2025, Chính phủ nhấn mạnh giải pháp chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn… Ông nghĩ sao về những định hướng này?

- Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì giá trị sản xuất mới cao hơn và kéo thu nhập của nông dân tăng lên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, phải tổ chức sản xuất tốt bởi đây là khâu quan trọng mà chúng ta không thể nhập khẩu được vì nét đặc thù của Việt Nam; đồng thời liên kết tốt thì giá trị chuỗi mới tăng cao.

Vùng trồng chè hữu cơ tại Thái Nguyên

Vùng trồng chè hữu cơ tại Thái Nguyên

Bên cạnh đó, mặc dù trồng lúa được khuyến khích nhưng người trồng lúa vẫn nghèo nhất, thu nhập thấp nhất so với trồng những cây khác. Ví dụ, 1ha sầu riêng thu được từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, trong khi 1ha lúa chỉ thu được từ 100 - 120 triệu đồng (phải làm từ 2-3 vụ/năm). Do đó, cần có sự tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng để bảo đảm đời sống của tất cả nông dân được nâng lên.

Điểm quan trọng nữa là nông dân vẫn còn rất thiếu vốn. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và lãi suất ưu đãi hơn.

Tôi mong rằng, tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận và tìm giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp để giúp nông dân bớt nghèo, nhất là nông dân trồng lúa.

- Chúng ta đang hướng tới nền nông nghiệp xanh. Theo ông, cần lưu ý gì để đạt được mục tiêu này?

- Trong nông nghiệp xanh phải áp dụng các phương pháp cơ giới hóa, tự động hóa, chuyển đổi số thật tốt, tổ chức sản xuất thật tốt, đồng thời phải biết áp dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Việc chúng ta áp dụng gieo sạ theo cụm, gieo sạ theo hàng kết hợp vùi phân, bón lót luôn sẽ rất nhanh, cải tiến được năng suất. Việc canh tác lúa theo phương thức khô và ướt xen kẽ sẽ giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm được phân, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phải thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Chúng ta cũng đã thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, hướng tới mục tiêu về phát triển bền vững.

Hiện nay, toàn quốc có 15 triệu tấn phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp có thể tái sử dụng làm nguồn phân bón hữu cơ rất tốt. Cần chuyển hóa các phế phụ phẩm này thành biochar - than sinh học và kết hợp với nguồn phân bò làm nguyên liệu để tăng sức khỏe đất trồng trọt của Việt Nam. Chúng ta phải áp dụng nông nghiệp tuần hoàn để gia tăng giá trị của nông sản và lợi nhuận cho nông dân, trả lại cho đất những gì chúng ta đã lấy đi từ đất - song chúng ta vẫn chưa làm được.

Về vùng trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, sau khi thu hoạch có rất nhiều trấu có thể làm than sinh học; vỏ cà phê, hạt điều, bã mía… đều có thể làm sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Thế giới đã khẳng định nguồn phân bón này rất tốt, có thể làm tăng sức khỏe, tăng độ phì nhiêu của đất. Vì vậy, các bộ, ngành và các địa phương cần có ngân sách để phục vụ cho việc sản xuất phân bón từ các phế phụ phẩm nông nghiệp. Những doanh nghiệp phân bón cũng cần đăng ký phục vụ mục đích nông nghiệp bền vững, tức là doanh nghiệp phải có nghĩa vụ với đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Khánh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-tu-duy-sang-kinh-te-nong-nghiep-de-nong-dan-bot-ngheo-post395263.html