Chuyện về cuốn sách độc nhất trở thành Bảo vật quốc gia
Từ năm 2014, ngày 21/4 được chọn là ngày Sách Việt Nam, với ý nghĩa quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn 'Đường Kách mệnh' của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam…
Xuất bản phẩm tiếng Việt đầu tiên do người Việt in
Sau khi rời bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911, Người đã đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi và châu Mỹ để học hỏi, “xem cho rõ” để “trở về giúp đồng bào tôi”. Khác với những người Việt Nam yêu nước cùng thời, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc coi trọng việc vận động làm chuyển biến nhận thức, xây dựng đường lối cách mạng hơn là bắt tay ngay vào phát động những cuộc khởi nghĩa, những cuộc nổi dậy chống chính quyền thực dân cướp nước khi chưa chín muồi.
Sau khi tham gia Ðảng Xã hội Pháp, đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versaille họp tại Paris (Pháp) sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc; đòi quyền tự quyết cho dân tộc ta. Tiếp đó, Người viết nhiều sách, báo bằng tiếng Pháp, tố cáo với nhân dân Pháp và thế giới về những tội ác của chế độ thực dân đối với các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã sung sướng đến rơi nước mắt khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin. Ðây là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt trong quá trình nhận thức để tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Và con đường cứu nước ấy lần đầu tiên được trình bày dưới quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lenin và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong tác phẩm “Ðường Kách mệnh”. Ðây là xuất bản phẩm cách mạng đầu tiên do chính những người thợ in Việt Nam làm ra bằng phương pháp rất thô sơ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn của thời đại mà ngày nay, sau 96 năm vẫn mang tính thời sự cho chúng ta học tập và làm theo.
“Đường Kách Mệnh” là tác phẩm tập hợp các bài giảng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.
Theo PGS.TS Phạm Xanh, người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử cận đại, sau khi xuất bản, tác phẩm “Đường Kách Mệnh” được bí mật đưa về Việt Nam. Về theo đường bộ, cuốn sách đã được Nguyễn Công Thu (sau khi dự khóa học của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu) đưa về Việt Nam theo đường Lạng Sơn. Về theo đường thủy, cuốn sách được Nguyễn Lương Bằng - một giao liên bí mật của ta khi đó làm việc trên tàu Sông Pô, tuyến Quảng Châu - Hải Phòng đưa về. Với sự khéo léo, ông đã đưa “Đường Kách Mệnh” về Việt Nam an toàn, và bàn giao lại cho những người có trách nhiệm làm tài liệu tuyên truyền và chuyển đi các nơi.
Trong hồi ký của lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hoan, ông viết rằng chính ông Nguyễn Lương Bằng đã giao “Đường Kách Mệnh” cho ông tại ngôi nhà số 191 phố Hàng Cấp, thành phố Nam Định, để từ đó tỏa đi khắp vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam).
Ở Hà Nội, “Đường Kách Mệnh” còn được in lại để có thêm tài liệu tuyên truyền, giáo dục quần chúng. Năm 1927, “Đường Kách Mệnh” theo đường biển về Sài Gòn, rồi được chuyền đi các tỉnh Nam Kỳ... Thời đó, thực dân Pháp cấm các tài liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc, nếu phát hiện ai tàng trữ, sử dụng và truyền bá các tài liệu của Nguyễn Ái Quốc đều bị đưa ra tòa và bị phạt tù. Do đó, cuốn “Đường Kách Mệnh” đã được “ngụy trang” bằng nhiều cách, như ở An Giang, cuốn sách được ngụy trang dưới hình thức kinh Phật. Bên ngoài sách có tựa là Đạo Nam kinh, nhưng bên trong là nội dung tác phẩm “Đường Kách Mệnh”. Và cuốn sách trở thành cuốn “cẩm nang” gối đầu giường của thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam, chỉ đường cho những người cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Một di sản quý báu còn mãi hơi thở thời đại
GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, người đã có gần 50 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp của Bác Hồ nhấn mạnh, điểm độc đáo của “Đường Kách Mệnh” ở chỗ, tuy là một tác phẩm lý luận, nhưng Bác đặt vấn đề về tư cách - đạo đức của người cách mệnh lên ngay từ những trang đầu của cuốn sách. Tức là, phải trung thành với lý tưởng và mục tiêu. Phải kiên định với sự nghiệp đấu tranh. Và nhất là phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất.
Từ khi Đảng còn chưa ra đời, Bác đã nhìn nhận rõ yếu tố quan trọng là cách mạng muốn thành công thì ngoài đường lối chính trị, ngoài lý tưởng mục tiêu ra, một vấn đề hết sức hệ trọng là đạo đức của người cách mệnh, đạo đức của Đảng cách mệnh. Nhất là khi ở vị trí cầm quyền, Bác nhấn mạnh, người cách mệnh phải ít lòng ham muốn về vật chất, có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân, chống giặc nội xâm, phải có đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư thì mới toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp phục vụ nhân dân.
GS. TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, trong “Đường Kách Mệnh” có cả giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa - nhất là văn hóa chính trị. Đây chính là giá trị bền vững, có sức sống ảnh hưởng sâu rộng lâu dài trong sự nghiệp của chúng ta hiện nay và mai sau. Trong nội dung “Đường Kách Mệnh”, Bác còn đặt vấn đề là phải rất chú trọng trong ứng xử với người, với việc, với tổ chức đoàn thể. Bác đặc biệt nhấn mạnh từ nghiêm túc: Với mình thì nghiêm, với người thì rộng lòng khoan thứ, với tổ chức thì giữ nguyên tính tổ chức.
Cũng theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Đảng ta đang tận dụng triệt để những điều Bác viết để xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghĩa là, bây giờ xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng, chính trị, tổ chức như trước, mà phải xây dựng Đảng đặc biệt về đạo đức và văn hóa.
Đạo đức ấy chính là đạo đức cách mạng cần - kiệm - liêm - chính của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Văn hóa đó là văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp quyền. Và văn hóa ứng xử tinh tế giữa cán bộ đảng viên công chức với người dân, trên tinh thần trọng dân (kính trọng, lễ phép với nhân dân), trọng pháp (tôn trọng luật pháp của Nhà nước pháp quyền)...
Chúng ta phải làm thế nào để vận dụng được tư tưởng của Bác vào đường lối chính sách chiến lược phát triển cán bộ, vào trong cơ chế, để đưa được người tài giỏi, có đức độ vào trong bộ máy của Đảng, chính quyền, đoàn thể. Đồng thời, phải loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất, làm tổn hại thanh danh của Đảng - đó là yêu cầu bức xúc mà nhân dân đặt ra hiện nay.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc bằng việc tuyên truyền cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân ta và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế thông qua sách, báo.
Trở lại sự ra đời của cuốn sách, theo Tiến sĩ Chu Ðức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì tổng số học viên dự các lớp huấn luyện lúc bấy giờ khoảng 75 đồng chí. Ðó là những hạt giống cách mạng quý báu, những người đọc đầu tiên của xuất bản phẩm lịch sử Ðường Kách mệnh. Bằng nhiều cách khác nhau như in sao hoặc tuyên truyền miệng, những tư tưởng của tác phẩm đã được các học viên phổ biến rộng rãi đến quần chúng cách mạng, góp phần đắc lực vào cuộc vận động thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ngay sau đó. Tác phẩm được lưu truyền nguyên vẹn đến ngày nay thật sự là một di sản quý báu của lịch sử cách mạng hiện đại. Ðiều đó cũng chứng tỏ những giá trị tư tưởng của tác phẩm đã vượt qua thách thức của thời gian, những thăng trầm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế để khẳng định tầm vóc và sự đúng đắn của “Ðường Kách Mệnh” mà dân tộc ta đã lựa chọn.
Cuốn “Đường Kách Mệnh” do lão đồng chí Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện công tố phúc thẩm Hà Nội sưu tầm được và tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngày 26/7/1959 (ông Đặng Xuân Thiều Vụ trưởng Vụ bảo tồn - Bảo tàng đã ký nhận trong hồ sơ). Cũng theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.182, cuốn sách này do chính ông đem về Việt Nam vào khoảng mùa thu năm 1927, và phát cho nhiều đồng chí của ta đang hoạt động ở khắp nơi.
Hiện cuốn “Đường Kách Mệnh” hiện vật gốc - đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại có một đời sống riêng, lịch sử riêng đặc biệt thú vị. Đi kèm với cuốn “Đường Kách Mệnh” hiện vật gốc này, có kèm một tờ giấy rời (tờ trình) viết bằng chữ Nôm, do một Phó lý ở một xã thuộc huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương viết. Nội dung tờ trình viết, vào năm Bảo Đại thứ 5, ngày 29 tháng Hai (tức là ngày 28/3/1930), tay Phó lý bắt được cuốn sách cấm tại nơi ông ta cư trú, và xin nộp cuốn sách lên tri huyện Thanh Hà. Quan tri huyện Thanh Hà đã tiếp nhận và đóng triện lên đó…
Bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012
Theo các nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa. Các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ một trong số ít những bản in đầu tiên năm 1927 của cuốn sách “Đường Kách Mệnh”. Bản in này được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012.