Chuyện về những tỷ phú nông dân

LCĐT - Bằng sự cần cù, sáng tạo và quyết tâm, nông dân trong tỉnh đã và đang từng ngày vẽ nên màu no ấm, trù phú trên mảnh đất biên cương Lào Cai.

Nhanh nhẹn, nhạy bén và tràn đầy năng lượng là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp anh Vàng Văn Sưởng, 37 tuổi, ở thôn Cửa Cải, xã Mường Vi (Bát Xát). Sau khi thăm vườn trồng dược liệu và cơ sở sản xuất tinh dầu của gia đình, chúng tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực vượt khó của người đàn ông dân tộc Giáy này.

Hợp tác xã sản xuất tinh dầu do anh Sưởng làm chủ đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Hợp tác xã sản xuất tinh dầu do anh Sưởng làm chủ đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trước đây, như nhiều hộ nông dân khác, gia đình anh Sưởng phải loay hoay với đủ loại cây lương thực để mong đủ ăn. Cơ duyên đến với cây dược liệu của anh Sưởng bắt đầu từ năm 2010, khi Dự án “Nâng cao năng lực tự chủ về sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số” của một tổ chức phi chính phủ được triển khai tại xã Mường Vi với mục tiêu “Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền”. Khi đó, gia đình anh được chọn làm thí điểm và nhận được sự giúp đỡ của cán bộ dự án giúp triển khai vườn thuốc nam, chọn một số cây dược liệu để thử nghiệm chiết xuất tinh dầu. Nhận thấy đây đều là những giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc như các loại cây màu ở địa phương, nhưng thu nhập lại cao gấp 2 - 3 lần, anh Sưởng bàn với gia đình chuyển diện tích đất trồng ngô và thuê thêm đất của người dân để trồng dược liệu.

Anh Vàng Văn Sưởng khởi nghiệp thành công với mô hình chưng cất tinh dầu.

Anh Vàng Văn Sưởng khởi nghiệp thành công với mô hình chưng cất tinh dầu.

Ban đầu, anh Sưởng chiết xuất tinh dầu ở quy mô hộ gia đình với nồi đun bằng củi. Không biết bao nhiêu nồi tinh dầu đã bị cháy khét do chưa có kinh nghiệm canh lửa, tinh dầu loãng không đạt yêu cầu phải đổ bỏ. Sau nhiều lần thất bại, anh đã “khăn gói” lên đường đến các tỉnh như Hà Giang, Kon Tum để học kinh nghiệm chưng cất tinh dầu. Năm 2016, khi đã thuần thục với nghề, anh quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Kim và vận động bạn bè, người thân góp vốn để xây nhà xưởng, mua máy chưng cất tinh dầu với công suất tiêu thụ gần 4 tấn nguyên liệu, sản xuất ra khoảng 30 lít tinh dầu/ngày. Toàn bộ sản phẩm làm ra có đơn vị nhận bao tiêu đầu ra, từ đây anh yên tâm với hướng đi đã chọn.

Để có thêm nguồn nguyên liệu, gia đình anh đã cung cấp giống, vận động người dân trong thôn, xã và cả các xã lân cận liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng, bao tiêu sản phẩm. Nhờ thế, nhiều gia đình có điều kiện vươn lên để làm giàu, đến nay có 20 hộ trong và ngoài xã liên kết cùng gia đình anh trồng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 30 ha.

Sản phẩm tinh dầu của Hợp tác xã Mường Vi được khách hàng ưa chuộng.

Sản phẩm tinh dầu của Hợp tác xã Mường Vi được khách hàng ưa chuộng.

Bên cạnh việc xuất bán cho các công ty lớn ở Hà Nội, anh Sưởng còn đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, coi trọng khâu đóng gói để chinh phục thị trường bán lẻ. Năm 2021, Hợp tác xã Mường Kim do anh làm chủ đã chưng cất được hơn 500 lít tinh dầu các loại, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng; tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và hơn 30 lao động thời vụ tại địa phương. Năm 2022, Vàng Văn Sưởng vinh dự là 1 trong 2 đại diện của tỉnh được nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc.

Để nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, anh Sưởng dự kiến thời gian tới sẽ đầu tư thêm hệ thống lò hơi, đun, nấu tự động; mở rộng quy mô nhà xưởng và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, tìm kiếm và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định để chủ động cho sản xuất.

“Nếu không có cây quế thì bây giờ không biết cuộc sống gia đình tôi sẽ ra sao”, đó là tâm sự của anh Nguyễn Văn Sỹ, trưởng thôn Lương Hải, xã Lương Sơn (Bảo Yên) khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của gia đình, chỉ về đồi quế trước mặt, anh say sưa kể về những ngày tháng cơ cực. Trước đây, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn, mỗi khi giáp hạt là mỗi lần gia đình vất vả đi làm thuê để có tiền mua gạo, nhưng không đủ để lũ trẻ no bụng. Trong lần đi làm thuê, anh nghe kể về cây quế ở Văn Yên (Yên Bái) giúp người dân không chỉ đủ ăn, mà còn làm giàu. Thấy vậy, anh bàn với vợ bán thóc làm lộ phí, rồi về tận các xã Viễn Sơn, Xuân Ái (huyện Văn Yên, Yên Bái) học kinh nghiệm trồng quế. Sau một thời gian làm thuê cho các “đại gia” quế tại đây, được mắt thấy, tai nghe việc làm giàu từ cây quế, anh quyết định mua 4 kg hạt quế về trồng.

Những cây giống quế được anh Sỹ nâng niu, chăm sóc.

Những cây giống quế được anh Sỹ nâng niu, chăm sóc.

Năm 2001, những cây quế đầu tiên đã bén rễ trên nương ngô, nương sắn của gia đình anh Sỹ trong niềm hy vọng tràn trề. Thấy cây quế sinh trưởng tốt, mỗi năm gia đình lại mở rộng diện tích trồng. Anh còn liên kết theo cách “trồng rẽ” với một số hộ trong thôn có đất nhưng không có vốn trồng cây. Đến năm 2008, gia đình anh đã có nguồn thu ổn định trên 100 triệu đồng/năm từ tỉa thưa, năm 2015 - 2018, anh khai thác trắng nhiều diện tích quế, mang lại nguồn thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha.

Với hơn 10 ha quế, anh Sỹ đang có tiền tỷ trong tay.

Với hơn 10 ha quế, anh Sỹ đang có tiền tỷ trong tay.

Sau hơn 20 năm trồng quế, hiện gia đình có 8 ha, theo giá thị trường, 1 ha quế khoảng 10 năm tuổi có giá trị trên 500 triệu đồng, anh Sỹ đang cầm chắc bạc tỷ trong tay. Tuy nhiên, anh xác định chỉ tỉa thưa cho cây lớn nhanh, chứ không khai thác trắng, để dành cho các con và tích lũy cho tuổi già.

Từ thành công của gia đình Trưởng thôn Nguyễn Văn Sỹ, người dân trong thôn đã chuyển đổi các diện tích đất hoang, đất đồi bạc màu sang trồng quế. Đến nay, Lương Hải có hơn 100 ha quế, với 80% hộ trong thôn trồng. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, xây dựng nhà kiên cố, mua ô tô và nhiều đồ dùng tiện ích khác.

Anh Sưởng, anh Sỹ là hai trong số hàng nghìn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đang hằng ngày vẽ nên gam màu trù phú cho bức tranh nông thôn trên mảnh đất biên cương Lào Cai. Trong 5 năm (2017 - 2021) toàn tỉnh có trên 16.000 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 13,15% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn (trong đó, cấp trung ương là 112 hộ, cấp tỉnh trên 1.000 hộ, cấp huyện trên 3.700 hộ). Tiêu biểu, có 530 hộ nghèo vượt khó vươn lên đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất giỏi; 88 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; 546 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trên 2.303 hộ thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng.

Nội dung: Kim Thoa

Trình bày: Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360038-chuyen-ve-nhung-ty-phu-nong-dan