Có cần thiết làm xét nghiệm sàng lọc cục máu đông?

Người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca từ rất lâu, phản ứng này nếu bị cũng đã xảy ra từ thời điểm đó, vì vậy việc xét nghiệm chỉ số đông máu ở thời điểm này là không có ý nghĩa.

Hỏi:

Trước thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng này có thể gây cục máu đông, nhiều người bạn khuyên tôi nên đi làm xét nghiệm D-dimer để sàng lọc nguy cơ này, mong được bác sĩ tư vấn?

Nguyễn Hưng Việt (Hà Nội)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng trả lời:

Việc người dân đổ xô đi xét nghiệm chỉ số D-dimer để đánh giá chức năng, tình trạng đông máu là hoàn toàn không cần thiết, không có cơ sở khoa học, tốn thời gian và tốn tiền.

Chỉ số D-dimer được sinh ra trong quá trình cục máu đông ở trong cơ thể người bị phân hủy, tan rã. Tuy nhiên, quá trình tạo cục máu đông và tan cục máu đông là quá trình diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ trong cơ thể. Chỉ số D-dimer thường cao ở những người bị tắc tĩnh mạch chi, tắc mạch phổi hoặc đông máu rải rác động mạch hoặc trong bệnh đột quỵ.

Nếu chẳng may người nào đó bị ảnh hưởng đông máu do tác dụng phụ của vaccine thì cũng chỉ có biểu hiện trong vòng 3 - 4 tuần sau khi tiêm vaccine. Tác dụng gây đông máu và giảm tiểu cầu của vaccine này chỉ xảy ra với xác suất rất thấp.

Nếu ai từng tiêm và bị ảnh hưởng gây ra hình thành cục máu đông thì cục máu đông cũng là dạng nhỏ, tan dần sau 24 giờ đến tối đa 4 tuần là hết. Khi cục máu đông phân hủy, nó cũng sẽ sinh ra D-dimer trong máu.

Người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca từ rất lâu, phản ứng này nếu bị cũng đã xảy ra từ thời điểm đó, vì vậy việc xét nghiệm chỉ số đông máu ở thời điểm này là không có ý nghĩa.

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-can-thiet-lam-xet-nghiem-sang-loc-cuc-mau-dong-192240510190544689.htm