Có cát, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu bứt phá thi công

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp khởi công cuối tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Đến nay, khối lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 38%.

Có cát, tiến độ tăng từng ngày

Từ giữa tháng 5/2024 đến nay, từ khi có cát về công trường, việc thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp cơ bản thuận lợi, tiến độ tăng từng ngày.

Thi công dự án thành phần 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Thi công dự án thành phần 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN, nhà thầu phụ trách thi công 9,4km dự án thành phần 1 cho biết, đến nay, tiến độ thực hiện gói thầu do công ty phụ trách đạt hơn 35,5%.

Trên công trường, nhà thầu bố trí 220 công nhân cùng 45 máy móc, thiết bị chuyên dùng để thi công các phần việc liên quan đến 9 cây cầu có trong dự án. Đồng thời, công nhân thực hiện các công đoạn cần thiết để gia tải nền đường.

"Nhà thầu đã gia tải được trên 3,6km nền đường. Trước đây, khi cát về ít, nhà thầu tập trung những đoạn có thời gian gia tải dài. Khi cát về nhiều hơn, việc gia tải được thực hiện đại trà", ông Tuân cho nói.

Có cát về công trường, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp tiến độ tăng từng ngày.

Có cát về công trường, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp tiến độ tăng từng ngày.

Còn tại gói thầu dài 3,5km do Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An, anh Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng công trình cho biết, tiến độ thi công đến nay đạt hơn 49%.

"Gói thầu do công ty phụ trách có đoạn thời gian gia tải mất 19 tháng. Do vậy, khi cát về công trường, việc thi công của nhà thầu thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, nhà thầu đã cho gia tải lớp hai được hơn 250m", anh Hạnh cho biết thêm.

Tháng 10 sẽ có đủ cát thi công trong ngày

Cũng theo anh Hạnh, gói thầu do công ty thực hiện cần tổng số 520.000m3 cát. Đến nay, nhà thầu đã đưa được hơn 160.000m3 cát về công trường. Từ đây đến cuối năm, nhà thầu cần thêm 300.000m3 cát.

Nhà thầu đang chờ thêm cát để tăng tốc thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Nhà thầu đang chờ thêm cát để tăng tốc thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Từ đầu tháng 9 đến nay, nhà thầu nhận khoảng 2.000m3 cát/ngày về công trường. Trong khi nhu cầu cát thực tế cần là 3.200m3 cát/ngày mới đảm bảo thi công.

"Hiện tại, nhà thầu bố trí 150 công nhân cùng 45 máy móc, thiết bị. Số lượng này, tính riêng về máy móc, thiết bị đã tăng gấp đôi, còn công nhân tăng gấp ba lần so với trước khi có cát", anh Hạnh cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Quang Tuân, nhà thầu được tỉnh Đồng Tháp giao mỏ cát trực tiếp khai thác và phân bổ lại cho các nhà thầu khác thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Đầu tháng 10, thêm một mỏ cát nữa được khai thác, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đáp ứng nhu cầu thi công nền đường.

Đầu tháng 10, thêm một mỏ cát nữa được khai thác, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đáp ứng nhu cầu thi công nền đường.

Gói thầu do công ty thực hiện cần tổng số hơn 1,7 triệu m3 cát. Đến nay, nhà thầu đã nhận được 440.000m3. Hiện nhà thầu có 8.200m3 cát/ngày dùng để thi công, trong khi thực tế cần 10.000m3 cát/ngày.

Nhằm đảm bảo thời gian thực hiện, từ đây đến cuối năm, nhà thầu cần thêm 800.000m3 cát. Với ba mỏ cát hiện tại, đầu tháng 10 tới, tỉnh Đồng Tháp cho khai thác thêm một mỏ cát nữa sẽ đáp ứng tiến độ gia tải nền đường.

"Khi mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp thêm được khai thác vào đầu tháng 10 tới, để đảo tiến độ thi công, nhà thầu sẽ cho tăng thêm 20% công nhân và máy móc, thiết bị về công trường phục vụ cho việc thi công", ông Tuân nói.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-cat-cao-toc-cao-lanh-an-huu-but-pha-thi-cong-192240916172509657.htm