Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp

Là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, nhưng thời gian qua việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Thành phố đang tiến hành rà soát, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế, nhằm ổn định cung cầu, tránh để xảy ra tình trạng phải giải cứu nông sản.

Ngay sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, những năm vừa qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực trồng trọt được thực hiện theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao.

Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng. Hoạt động trồng và bảo vệ rừng thực hiện tốt. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm đạt từ 2,5-3,3%. Đặc biệt trong mấy năm đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Cùng với đó, việc phát triển, công nhận sản phẩm OCOP cũng được các địa phương tập trung thực hiện. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đánh giá được 2.263 sản phẩm OCOP; trong đó có 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 840 sản phẩm 4 sao và 1.412 sản phẩm 3 sao.

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP; trong đó có sáu sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội, công tác chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở Luật Thủ đô và Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp tình hình thực tế.

Thành phố sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trong đó phải làm tốt công tác quy hoạch và hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch, không để cung vượt cầu.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, sáng-xanh-sạch-đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-cau-lai-san-xuat-nong-nghiep-post872445.html