Doanh nghiệp làng nghề khó chuyển đổi 'xanh'
Theo các chuyên gia môi trường, để phát triển làng nghề theo hướng bảo tồn và phát triển cần gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phần lớn làng nghề có quy mô nhỏ lẻ nên việc triển khai không đơn giản.
Nâng cao giá trị nhờ chuyển đổi công nghệ
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Ngoài những thành tựu đã đạt được, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, phát triển thiếu bền vững.

Làng nghề gốm Bát Tràng "xanh" hơn nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ảnh: M.H
Đặc biệt, việc phát triển lưu giữ giá trị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay. Xuất phát từ thực tế này, để đồng hành với làng nghề trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành sản xuất theo từng lĩnh vực như: Sơn mài, mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, chế biến nông sản, gốm sứ, dệt may - thời trang, điện tử - đồ gia dụng...
Tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) mỗi ngày tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải ra môi trường các loại khí độc hại như CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn. Chính vì vậy, bên cạnh việc tham gia chương trình xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gốm tại làng nghề này cũng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống, sang lò gas hiện đại. Nhờ đó, đến nay làng gốm Bát Tràng đã có gần 1.000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than. Công nghệ lò gas cải tiến không chỉ bảo đảm môi trường làng nghề xanh hơn, mà còn giúp các cơ sở, DN giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả kinh tế. Không chỉ phát triển kinh tế nhờ tiêu thụ sản phẩm gốm Bát Tràng còn là địa phương thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa với số lượng năm sau tăng hơn năm trước.
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, Bát Tràng hiện vẫn giữ được các phương thức làm nghề thủ công truyền thống đặc trưng, đồng thời không ngừng sáng tạo, cải tiến quy trình sản xuất dựa trên truyền thống để gốm Bát Tràng ngày càng đẹp, tinh xảo về kiểu dáng, mẫu mã đồng thời có thể bảo vệ môi trường làng nghề tránh khói bụi, ô nhiễm.
Tương tự nhờ "xanh hóa", một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã thu được nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua tuy nhiên, khi thực hiện sản xuất sạch hơn, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh, doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt là giảm phát thải ra môi trường.
Có cơ chế để doanh nghiệp làng nghề nhập cuộc
Rõ ràng xu hướng “xanh hóa” đã đem lại giá trị kinh tế cũng như giảm ô nhiễm môi trường song theo các chuyên gia môi trường, vấn đề môi trường lâu nay vẫn luôn là vấn đề nan giải, và khó khăn hơn. Bởi làng nghề đa phần có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chính vì vậy việc phát triển lưu giữ giá trị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường không dễ thực hiện. Song trong xu thế hiện nay nếu muốn sản phẩm mỹ nghệ, thủ công vươn xa thì sản xuất theo hướng xanh, sạch là giải pháp tất yếu. Để làm được điều này cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào quá trình “xanh hóa” làng nghề.
Tại Hà Nội, với mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm 100% các làng nghề trên địa bàn được công nhận, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề… theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, cần thiết quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Trong đó, nội dung quy hoạch bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải; xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường, hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-nghiep-lang-nghe-kho-chuyen-doi-xanh-10303748.html