Có chế tài bảo đảm an toàn trong khai thác khoáng sản

Thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương) về Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu cho rằng, cần xem xét bổ sung công tác an toàn khi khai thác khoáng sản vào trong dự thảo luật.

Tại Điều 4 của dự thảo luật có quy định Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản thu của ngân sách nhà nước nhưng dành một phần kinh phí từ nguồn này cũng chưa bảo đảm. Do đó, đại biểu đề nghị, cân nhắc nội dung này khi phân bổ về ngân sách đã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nếu căn cứ vào sản phẩm thực tế sẽ rất khó vì sẽ trùng với việc thu thuế tài nguyên. Đại biểu đề nghị, phải căn cứ vào trữ lượng nhằm giải quyết cho các trường hợp trúng đấu thầu chứ không thể căn cứ vào sản phẩm thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị xác định trên cơ sở trữ lượng trong giấy phép, từ đó tính ra tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nộp theo năm, như vậy sẽ đỡ hơn chuyển 1 lần vào ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu

Về việc phân loại khoáng sản, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, khi phân thành 4 nhóm khoáng sản cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, có những loại khoáng sản nằm tại 4 nhóm như đá vôi, đặc biệt, đất sét khi dùng cho mục đích san lấp thì thuộc nhóm 4 nhưng nếu chế tạo gạch ngói lại thuộc nhóm 2. Do vậy, cần phải rõ thêm khi các khoáng sản sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia.

Quang cảnh thảo luận Tổ 19

Quang cảnh thảo luận Tổ 19

Về công nghệ khai thác khoáng sản hiện nay, Quyết định 33/2023/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản lạc hậu. Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn nhiều bất cập mà dự luật chưa đề cập. Ví dụ, vụ sạt lở cát khi di chuyển bãi than mỏ titan Bình Thuận hay vụ cháy trong lò Công ty than Thống Nhất… Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, bổ sung thêm quy định về bảo đảm an toàn trong khai thác khoáng sản hoặc có chế tài để giảm thiểu các công nghệ lạc hậu được sử dụng trong khai thác khoáng sản.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/co-che-tai-bao-dam-an-toan-trong-khai-thac-khoang-san-i376366/