'Cổ chứng' vẫn chưa thực sự bùng nổ trước thềm KRX 'golive'
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang hưởng lợi kép từ ngưỡng thanh khoản rất lớn những ngày qua và kỳ vọng chuẩn bị vận hành hệ thống KRX. Tuy nhiên, sau phiên tăng 'nóng', nhóm cổ phiếu này đã 'hạ nhiệt'.
VN-Index quay đầu giảm sau 3 phiên tăng giá tích cực. Theo đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng cho thấy sự “hạ nhiệt” với loạt cổ phiếu đầu ngành chìm trong “sắc đỏ” như VIX, VND, SSI… cùng thanh khoản nằm trong top thị trường.
Cổ phiếu chứng khoán “hạ nhiệt”
Trước đó, trong phiên 15/4, nhóm cổ phiếu chứng khoán cho thấy sự khởi sắc khi chốt phiên toàn nhóm chỉ còn 3 mã đỏ là VFS, TCI và HAC. Ngược lại, gần 30 mã tăng hơn 1%, trong đó VIX kịch trần với thanh khoản đứng thứ 6 thị trường. SSI cũng tăng 2,77%, HCM tăng 2,06%, VCI tăng 2,75%, VND tăng 6,6%, và đều có thanh khoản cực lớn, hàng trăm tỷ đồng mỗi mã.
Giới phân tích đánh giá, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang hưởng lợi kép từ ngưỡng thanh khoản rất lớn những ngày qua và kỳ vọng chuẩn bị vận hành hệ thống KRX. Cuối tuần qua, các công ty chứng khoán về cơ bản đã sẵn sàng và ngày chốt là 5/5/2025. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình nâng cấp hạ tầng giao dịch chứng khoán quốc gia.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang hưởng lợi kép từ ngưỡng thanh khoản rất lớn những ngày qua và kỳ vọng chuẩn bị vận hành hệ thống KRX.
Theo báo cáo của VNDirect, việc vận hành hệ thống KRX sẽ giúp Việt Nam đáp ứng 2 tiêu chí quan trọng mà FTSE Russell đang theo dõi, bao gồm tiêu chí Pre-Funding (yêu cầu nhà đầu tư đảm bảo đủ vốn trong tài khoản trước giao dịch) và cải thiện cơ chế xử lý giao dịch thất bại. Đây là những điểm mấu chốt giúp Việt Nam có cơ hội được nâng hạng từ "thị trường cận biên" lên "thị trường mới nổi hạng hai".
Ngân hàng Thế giới ước tính, việc nâng hạng thị trường có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới vào Việt Nam từ nay đến năm 2030. Nguồn vốn này sẽ đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng dòng vốn và gia tăng sự phát triển bền vững cho thị trường tài chính quốc gia.
Việc nhóm cổ phiếu chứng khoán vội vàng “hạ nhiệt” sau 3 phiên tăng “nóng” khiến tâm lý nhà đầu tư có phần lung lay, dường như tác động từ tin tức KRX không còn khả năng giúp nhóm chứng khoán sôi động trở lại.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế: cổ phiếu chứng khoán là nhóm có hệ số beta cao, ảnh hưởng bởi sự lên xuống của thị trường chung. Trong phiên 15/4, VN-Index đảo chiều giảm sau 3 phiên tăng giá tích cực, do đó cũng không loại trừ khả năng nhóm "cổ chứng" bị ảnh hưởng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KBSV duy trì quan điểm về khả năng tích cực được chấp nhận nâng hạng của Việt Nam theo FTSE trong tháng 9/2025 cũng như tiềm năng dòng vốn chảy vào thị trường khi sự kiện này xảy ra.
Theo đó, Việt Nam có thể thu hút 800 triệu – 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE, chưa kể từ các nhà đầu tư thụ động dùng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng, các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn, dự kiến sẽ có khoảng 4 - 6 tỷ USD vào Việt Nam. Đây vốn là thông tin được mong chờ nhiều năm với khả năng tác động mạnh đến diễn biến của thị trường.
“Nhóm chứng khoán không thể bỏ lỡ trong giai đoạn này, khi tiến trình nâng hạng thành công có thể gia tăng phần nào lợi nhuận và phí giao dịch cho các công ty chứng khoán (CTCK), đặc biệt là SSI, HCM, VCI - có thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài tập trung nhiều nhất”, báo cáo nêu.
Công ty chứng khoán “đua” tăng vốn
Đáng chú ý, để đón "sóng" nâng hạng đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2025, hàng loạt CTCK lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ.
Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra ngày 18/4, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, mã: BSI) lên kế hoạch phát hành hơn 22,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới. Toàn bộ hơn 223 tỷ đồng thu về sẽ được phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty.
Thời gian thực hiện trong năm 2025. Nếu hoàn tất đợt phát hành này, BSC sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.230,3 tỷ đồng lên 2.453,6 tỷ đồng.
Cũng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 18/4, Chứng khoán SSI (SSI) sẽ trình cổ đông về việc tiếp tục thực hiện các phương án chào bán, phát hành cổ phiếu từ năm 2024.
SSI dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ trong năm 2025 - 2026. Vốn điều lệ sau chào bán được nâng lên mức hơn 20.779 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt chào bán được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, bảo lãnh phát hành, đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá...
SSI cũng trình đại hội phương án phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP (chương trình lựa chọn cho người lao động) trong thời gian năm 2025-2026.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 3/4, cổ đông CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) đã thông qua phương án phát hành tổng số 77 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2025.
Trong đó, đợt 1 sẽ thực hiện với 24,3 triệu cổ phiếu từ trả cổ tức (tỷ lệ 10:1) và 4,7 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1,93%) giá 10.000 đồng/cp; đợt 2 chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu.
Nếu thành công, VDS sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn thu về dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động giao dịch ký quỹ/ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.
Hay như CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) công bố nghị quyết của HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 1/4.
Cụ thể, FPTS dự kiến phát hành 30,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10:1, tức cổ đông đang sở hữu 10 cổ phần cũ sẽ nhận được 1 cổ phần mới. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng. Đồng thời, FPTS cũng triển khai phát hành 9,98 triệu cổ phiếu ESOP.
Nếu hoàn thành đợt phát hành dự kiến trong năm 2025, vốn điều lệ của FTS sẽ tăng lên 3.465 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CTCP Chứng khoán VTG (VTGS) còn lên kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp 22 lần. Cụ thể, sau khi được cổ đông thông qua, ngày 24/3, VTGS có nghị quyết triển khai chào bán 289,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tức gấp 21 lần số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại. Nếu triển khai thành công trong thời gian tới, VTGS sẽ tăng vốn từ 138 tỷ đồng lên 3.036 tỷ đồng, tức gấp 22 lần. Phương án này được đưa ra để thay thế kế hoạch chào bán 286,2 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Ngoài ra, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã thông qua tờ trình chào bán 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tương đương 100% vốn điều lệ của VFS. CTCK này cho biết sẽ dùng toàn bộ nguồn vốn để bổ sung cho hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán (600 tỷ đồng) và bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (600 tỷ đồng).
Còn CTCP Chứng khoán DNSE đã thông qua kế hoạch phát hành 85,65 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 4:1, và dự kiến phát hành 12,6 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2025, tương đương 3,82% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu hoàn tất cả 2 đợt phát hành, DNSE sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.282,5 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên ngày 31/3 của CTCP Chứng khoán Kafi đã thông qua phương án chào bán 250 triệu cổ phần, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ 2.500 tỷ đồng thu về được Chứng khoán Kafi dự kiến bổ sung nguồn vốn hoạt động cho vay ký quỹ (50%), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán (47%), đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ công nghệ và đầu tư phát triển duy trì mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch (75 tỷ đồng).
Theo giới phân tích, thị trường được nâng hạng, quy mô thanh khoản và giá trị giao dịch của thị trường gia tăng, nhu cầu vay ký quỹ cũng sẽ tăng cao hơn. Việc các CTCK đồng loạt tăng vốn được là tín hiệu tích cực, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tâm lý đầu tư cải thiện kéo theo dư nợ cho vay ký quỹ tăng, mở rộng biên lợi nhuận tạo kỳ vọng tăng trưởng cho nhóm ngành chứng khoán.