Cô giáo trẻ

Như Hoa năm nay mới tốt nghiệp trường sư phạm và đang đi dạy ở một trường tiểu học trong huyện.

Vốn là công chúa út trong gia đình được chiều từ nhỏ nên cô thích một công việc nhẹ nhàng, ngày ngày làm bạn với tụi trẻ. Lớp học mà Hoa chủ nhiệm là các em học sinh lớp 4, hoạt bát, tinh nghịch, nhiều phen khiến cô giáo mới toát mồ hôi vì những trò chơi mà chúng nghĩ ra.

Cả lớp có 3 dãy với 15 chiếc bàn học kê ngay ngắn thẳng hàng, nhưng duy nhất bàn cuối cùng có một mình cô bé Mai lủi thủi không có bạn ngồi cùng. Mai vốn là một cô bé năng động, hay cười nói, thích chơi cùng với bạn bè, nhưng em có một căn bệnh lạ là rất hay bị nôn trớ mỗi khi thời tiết trở lạnh. Các bạn trong lớp vì sợ bẩn, sợ mùi thức ăn mà không dám ngồi cạnh Mai khiến em tủi thân, ngày càng thu mình lại không dám chơi với ai.

Một ngày nọ khi cô giáo đang giảng bài, các bạn thi nhau trả lời các câu hỏi của cô một cách hăng say vui vẻ, Mai bỗng thấy trong bụng khó chịu và thế là cơn buồn ói chực trào lên khiến cô bé mặt đỏ tía tai, nôn sạch bữa sáng ra bàn. Các bạn quay sang nhìn Mai, điều kì lạ là chúng khá quen với điều đó nên đứa nào đứa đấy kêu “eo” một tiếng rồi quay đi. Hoa bước xuống lớp, trước mắt cô là một cô bé mắt đỏ hoe với một bãi kinh khủng trước mặt làm cô sợ hãi mà hét toáng lên rồi bật chạy ra khỏi lớp. Cả lớp ồ lên cười át cả tiếng khóc thút thít của Mai.

Một lúc sau khi dọn dẹp xong, không khí lớp bỗng chùng xuống. Mai úp mặt xuống bàn không dám ngẩng mặt lên. Đến khi về nhà soạn bài trước khi đi ngủ, hình ảnh Mai vẫn ám ảnh trong tâm trí Hoa. Có phải cô đã quá đáng với học trò của mình khi cư xử một cách trẻ con như vậy? Trong lòng Hoa bỗng gợn lên một suy nghĩ tụi trẻ đã quen với việc đó, vậy tại sao mình lại chạy đi trong khi đôi mắt đỏ hoe bất lực ấy vẫn đang nhìn mình rất lâu như mong muốn một sự giúp đỡ? Nhưng từ bé đến giờ mình chưa bao giờ phải đi lau dọn bữa ói của người khác mà? Những câu hỏi đó cứ vẩn vương trong đầu Hoa khiến cô vừa cảm thấy tự trách vừa thấy mình không chuyên nghiệp chút nào.

Hôm sau, Hoa định xuống lớp hỏi thăm học trò nhưng cô bé đã xin nghỉ. Cô định bụng sẽ quay lại xin lỗi Mai vào hôm sau nhưng rồi hai ngày, ba ngày đến năm ngày sau vẫn không thấy Mai đi học. Dò tìm đến nhà cô bé, Hoa trông thấy Mai đang thơ thẩn chơi bên hiên nhà, mặt cô bé buồn rười rượi vẫn cử chỉ cúi gằm mặt vì xấu hổ hay tủi hờn điều gì đó. Nhìn thấy Hoa, con bé chạy trốn vào phòng không dám nhìn cô. Bà cô bé tâm sự Mai không muốn đi học nữa vì sợ làm phiền cô và các bạn. Nghe đến đó Hoa cảm thấy vô cùng ngại ngùng day dứt, khi cô chuẩn bị ra về con bé Mai dúi vào tay cô 1 bức thư.

“ Cô sợ con lắm có phải không ạ? Con không biết sao mình lại như vậy nữa, nhưng con rất muốn đi học với cô và các bạn”. Đọc đến đây nước mắt cô giáo trẻ không ngừng rơi xuống làm nhòe đi những con chữ ngây thơ, trong trẻo ấy.

Thứ hai tuần sau Hoa đến đón Mai đi học trở lại, tâm trạng cô vừa vui mừng vừa lo lắng không biết Mai còn giận cô không. Hoa chuẩn bị cho Mai một bộ quần áo mới dự phòng và khăn lau cho cô bé. Mặc dù vẫn còn cử chỉ cúi gằm xuống bàn như mọi lần nhưng đôi khi Mai vẫn ngẩng lên lén nhìn Hoa và cười với cô. Đến chiều Mai lại bị trớ nhưng lần này Hoa đã giúp cô bé thay đồ và còn cùng các bạn trong lớp lau dọn phòng sạch sẽ. Tụi trẻ không còn thờ ơ như trước mà vui vẻ lau bàn ghế, lấy nước cho Mai.

Cuối buổi học, Mai lại dúi vào tay cô Hoa một chiếc kẹo mút dâu tây nói cảm ơn cô. Hoa chỉ biết ôm cô bé nhẹ nhàng bởi cô mới chính là người cần nói "cảm ơn con". Chính sự trong sáng, lương thiện của cô bé Mai đã cho Hoa thêm một bài học quý giá về sự cảm thông, sẻ chia và yêu thương khuyết điểm của người xung quanh. Cô giáo Như Hoa lúc này đã trưởng thành hơn rồi!

MINH HUYỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/co-giao-tre-361141.html