Cơ hội nào cho ô tô điện Trung Quốc tại Việt Nam?

Ồ ạt gia nhập thị trường Việt Nam với ưu thế giá rẻ, ngoại hình bắt mắt liệu các ông lớn xe điện Trung Quốc có vượt qua được định kiến của khách hàng Việt?

Định kiến "xe Tàu" vẫn còn tồn tại

Những thương hiệu Trung Quốc đã không còn quá xa lạ với người dùng Việt Nam, chúng được phổ biến từ hàng hóa may mặc, tiêu dùng hàng ngày cho tới những sản phẩm lớn như ô tô, xe máy.

Trong suốt những thập kỷ gần đây, các hãng xe Trung Quốc đã luôn cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam. Từ những năm đầu đổi mới, xe ô tô Trung Quốc như Lifan, Dongfeng, Chery đã gia nhập thị trường xe Việt Nam bằng hàng loạt mẫu xe cỡ nhỏ gồm hatchback, sedan.

Cho tới gần đây những hãng xe Zotye, BAIC gia nhập với những mẫu CUV giá rẻ, nhiều trang bị. Tuy nhiên, những chiếc xe này vẫn không thoát khỏi cái mác "xe Tàu", điều mà khiến khách hàng Việt luôn e ngại.

Định kiến "xe Tàu" vẫn còn tồn tại khiến khách hàng e ngại sở hữu xe ô tô Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Định kiến "xe Tàu" vẫn còn tồn tại khiến khách hàng e ngại sở hữu xe ô tô Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Anh Nam Phương (trú tại Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, dù rất thích kiểu dáng và công nghệ trên những chiếc xe Trung Quốc, nhưng anh không có dự định mua chúng vì lý do đây là "xe Tàu".

"Những chiếc xe Trung Quốc có kiểu dáng bắt mắt, công nghệ hiện đại cùng mức giá thấp hơn. Tuy nhiên định kiến về hàng Trung Quốc có chất lượng kém vẫn luôn tồn tại nên mình sẽ không đánh đổi một số tiền lớn để sở hữu một chiếc "xe Tàu" chỉ vì sở hữu nhiều công nghệ nhưng lại giá rẻ hơn đối thủ", anh Phương cho biết.

Xe ô tô điện cũng không nằm ngoài định kiến này, mặc dù Trung Quốc là một trong những cường quốc hàng đầu về công nghệ xe xanh.

Cơ hội nào cho ô tô điện Trung Quốc tại thị trường Việt Nam?

Không chỉ định kiến của khách hàng, việc gia nhập thị trường Việt Nam vẫn còn vô vàn thách thức với những ông lớn xe điện Trung Quốc.

Rào cản lớn nhất có thể kể đến là cơ sở hạ tầng trạm sạc và xưởng dịch vụ. Vốn là một sản phẩm mới, việc thuyết phục khách hàng tin tưởng và sử dụng càng khó khi hạ tầng trạm sạc và xưởng dịch vụ của những hãng xe điện Trung Quốc vẫn chưa có độ phủ rộng rãi.

Cho dù những chiếc xe điện Trung Quốc có thể di chuyển được 400-500km thì việc không có hạ tầng trạm sạc vẫn là điều mà nhiều người dùng lo lắng.

Hạ tầng trạm sạc vẫn là bài toán khó giải với những hãng xe điện Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Hưng.

Hạ tầng trạm sạc vẫn là bài toán khó giải với những hãng xe điện Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Hưng.

Anh Tuấn Việt, một người dùng xe điện chia sẻ, việc chỉ có thể sạc pin xe tại nhà hay các đại lý chính hãng sẽ gây ra nhiều bất tiện. Trong trường hợp đột xuất hết pin cần sạc nhanh mà lại cách xa đại lý sẽ gây mất thời gian di chuyển và còn có nguy cơ hết pin giữa đường.

"Hạ tầng trạm sạc sẽ giúp người dùng an tâm sử dụng xe điện. Việc không có trạm sạc sẽ khiến chủ xe ô tô điện có tâm lý như lái một chiếc xe động cơ đốt trong vào khu vực rừng núi không có trạm xăng, dầu", anh Việt chia sẻ.

Các hãng xe điện Trung Quốc có thể hợp tác với thương hiệu trạm sạc như Eboost, Charge+, EV One, EverCharge, EVN, DatCharge, Rabbit EVC, Porsche, VuPhong Energy, …Tuy nhiên giá thành cao, số lượng trạm sạc ít vẫn là bài toán khó với xe điện Trung Quốc.

Nếu có thể khẳng định được chất lượng sản phẩm, cũng như phủ rộng được hạ tầng trạm sạc và xưởng dịch vụ thì những hãng xe điện Trung Quốc sẽ phần nào có thể xóa bỏ định kiến "xe Tàu" của khách hàng Việt.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/co-hoi-nao-cho-o-to-dien-trung-quoc-tai-viet-nam-19224062013120169.htm