Cơ hội với đô thị vệ tinh Hà Nội
Hà Nội đang quyết tâm và có cơ hội rất lớn phát triển các đô thị vệ tinh về phía Bắc và phía Tây để giảm tải cho đô thị trung tâm vốn đã quá chật chội.
Nỗi buồn đô thị vệ tinh
Không phải ngẫu nhiên câu chuyện “đô thị vệ tinh” gần đây được nhắc đến nhiều bởi cả dân đầu tư lẫn các nhà quản lý đô thị, nhất là sau sự kiện UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) mới đây.
Thay cho “miếng trầu”, người Hà Nội bây giờ có một thứ để “làm đầu câu chuyện” đó là tình trạng tắc đường, kẹt xe khu vực nội đô, lý do bởi cứ nhắc đến câu chuyện này bao giờ cũng có cái để nói và dễ khơi gợi sự đồng cảm. Cũng bởi để giải tỏa ách tắc giao thông, giãn dân đô thị… mà việc hình thành các siêu đô thị vệ tinh hiện đại ở phía Đông và sắp tới là phía Tây Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống “dễ thở” hơn cho người dân Thủ đô cũng như khu vực lân cận.
So với những lần “nâng lên, đặt xuống” trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ Hà Nội có “cơ hội tuyệt vời” để hiện thực hóa các chủ trương phát triển đô thị vệ tinh như bây giờ, khi cùng với khởi công xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là việc tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo GS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức thực hiện quy hoạch thể hiện rõ sự quyết tâm của Hà Nội để không bỏ lỡ cơ hội định hướng phát triển trong thời đại mới với sứ mệnh là “hình mẫu” dẫn dắt cả nước.
Còn PGS-TS.KTS. Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, trên thực tế, việc quy hoạch 5 đô thị vệ tinh cho Hà Nội đã được triển khai từ hơn 10 năm trước, nhưng tới nay vẫn chưa hình thành rõ ràng, mật độ mạng lưới đường mới thấp, các dự án hạ tầng công nghiệp, dân cư, nhà ở… chưa được triển khai đồng bộ, kết nối với khu vực trung tâm còn yếu. Ngoài ra, diện mạo tổng thể của những khu vực này vẫn đậm nét nông thôn, chưa có sức hút đối với người dân, chưa hoàn thành được nhiệm vụ giãn dân nội thành…
“Những vấn đề trên là một phần nguyên nhân khiến kế hoạch ‘lên quận’ của các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức… diễn ra chậm. Bởi vậy, với 2 thành phố trực thuộc phía Bắc và phía Tây, Hà Nội cần rút ra bài học sâu sắc trong quá trình lập quy hoạch cũng như hiện thực hóa các bản quy hoạch đó”, bà Lan nhấn mạnh.
Ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong 10 năm qua, các khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Mê Linh, Hoài Đức, Hòa Lạc… luôn là “điểm nóng” trên thị trường bất động sản Thủ đô. Dẫu vậy, đa phần các cơn sốt này mang theo tiêu cực nhiều hơn là tích cực, bởi sau thông tin quy hoạch, nhiều khu vực không triển khai xây dựng, nếu làm cũng chỉ cho có, dần dà trở nên hoang hóa, tiêu điều, trở thành nơi chăn thả gia súc… Trong khi đó, người dân có đất nông nghiệp nằm trong dự án quy hoạch phải bỏ xóm làng, ngược xuôi Nam Bắc mưu sinh bởi không còn đất đai canh tác.
“Chúng tôi kỳ vọng nhưng rồi lại thất vọng khi nhiều dự án quy hoạch khu đô thị vệ tinh, xây dựng trường đại học… vẫn ì ạch hơn 10 năm nay. Mất tư liệu sản xuất, phương án đền bù còn vướng mắc… khiến đời sống bà con nơi đây rơi vào tình cảnh đi không được, ở không xong”, anh Nguyễn Hữu Dân - một người dân tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất giãi bày.
“Tránh phát triển đô thị một cách tự phát bằng hành lang xanh giãn cách các đô thị và tán xạ các trung tâm đô thị vệ tinh ra bên ngoài đó là một kịch bản rất đẹp, nhưng người vẽ nên kịch bản ấy dường như chưa nghĩ đến tìm đâu nguồn lực để thực hiện. Việc ngay từ đầu đã vẽ sai quy hoạch chung nên các quy hoạch sau này cũng sai theo, từ quy hoạch giao thông tới thoát nước… đều dang dở, mà bây giờ chúng ta thấy mỗi một lần mưa to, cái trục mạnh nhất, luôn úng ngập nhất là trục Hà Nội - Hòa Lạc”, KTS. Trần Huy Ánh, thành viên Hội đồng khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam nói.
Vấn đề không chỉ là quy hoạch
Tại Hội thảo quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức mới đây, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, người từng nhiều năm tâm huyết với chiến lược phát triển Mê Linh khi địa phương này còn thuộc Vĩnh Phúc cho hay, là một vùng đất có vị trí chiến lược, với lợi thế cho một “trạm trung chuyển tầm cỡ ở phía Bắc” bao gồm cả đường thủy (tiếp giáp sông Hồng), đường hàng không (tiếp giáp sân bay Nội Bài), đường bộ (tiếp giáp cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nhiều tuyến quốc lộ khác đi các tỉnh phía Bắc), nhưng Mê Linh chưa bao giờ vươn tầm do chưa có một bản quy hoạch đầy đủ và chi tiết.
“Vì vậy, giờ là thời điểm cần thiết cho Mê Linh nhìn lại và thay đổi, nhất là khi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua, để có thể kéo dòng vốn khổng lồ từ các nhà phát triển dự án bất động sản về đây đầu tư”, nguyên Phó Thủ tướng nói.
Câu chuyện về sự quyết tâm không chỉ riêng đối với Mê Linh, mà với tất cả các huyện ngoại thành Hà Nội. Gần nhất, Thành phố đã phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng số nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện lên con số 14 trên toàn bộ 14 vùng huyện (gồm Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng).
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, quy hoạch xây dựng vùng huyện là một trong những phương án quy hoạch để tích hợp lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời là cơ sở để lập quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp huyện.
Sau khi 14 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt, các huyện đang gấp rút triển khai các công việc liên quan, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, hoàn thiện nguồn tài liệu quan trọng phục vụ lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch.
Theo ông Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, quy hoạch vùng huyện sẽ là cơ hội để đưa ra những đề xuất xác đáng với Thành phố cho định hướng phát triển.
“Để việc lập quy hoạch xây dựng các vùng huyện trên địa bàn được bảo đảm tiến độ và chất lượng, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện để hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện các quy hoạch vùng huyện đúng nội dung, đúng định hướng quy hoạch của Thành phố”, ông Trực nói.
Ở góc nhìn khác, KTS Lã Thị Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, hơn 10 năm qua, việc triển khai 5 khu đô thị vệ tinh cho Hà Nội được bàn bạc nhiều, nhưng tới nay các khu vực này vẫn chỉ là những điểm dân cư nông thôn, những thị trấn hiện hữu và gần như không nhìn thấy cơ hội phát triển tiếp. Trong khi đó, xu hướng đầu tư những khu đô thị bên ngoài hệ thống quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội ngày một mạnh mẽ, mà các khu đô thị như Ecopark, Ocean Park 1, 2, 3 tại phía Đông là minh chứng rõ nét.
“Ngày càng có nhiều đô thị nằm ngoài quỹ đạo của quy hoạch, hay nói cách khác, quy hoạch đang xa rời thực tế đầu tư. Đây là câu chuyện mà Hà Nội cần phải bàn rất sâu trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này cũng như chương trình phát triển đô thị đang xây dựng, nếu không các quy hoạch sẽ phá sản và trở thành các quy hoạch treo”, bà Ngân lưu ý.
Không chỉ quy hoạch, việc trao quyền tự chủ cho địa phương cũng là bài toán cần tính đến khi điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội để tránh “vết xe đổ” của TP. Thủ Đức, TP.HCM.
“Không chỉ là hạ tầng, con người cũng cần phải được chuẩn bị kỹ trước khi quy hoạch thành phố trực thuộc Thủ đô. Tôi cho rằng, đề án quy hoạch phải bao quát được vấn đề này và có lộ trình rõ ràng: Ai sẽ là người quản lý thành phố mới? Đào tạo nguồn nhân lực từ đâu, như thế nào, đạt tiêu chuẩn gì? Mô hình quản lý là gì, chức năng nhiệm vụ của chính quyền thành phố trực thuộc là ở đâu? Phải có biện pháp quản lý tốt trong quá trình hình thành, tránh tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ, phá vỡ quy hoạch…”, PGS-TS.KTS. Đỗ Tú Lan nhìn nhận.