Cô lái đò Tam Cốc nặng ân tình với nước Pháp

Chị Đỗ Thị Bích Huệ, chủ homestay Lys rưng rưng nước mắt lật mở từng trang ảnh cũ kể cho tôi nghe về kỷ niệm với những người bạn ở nước Pháp xa xôi mà chị chưa một lần đặt chân đến, nhưng với chị là tình sâu nghĩa nặng, là nguồn động viên tinh thần cho chị mấy chục năm nay.

Chị Đỗ Thị Bích Huệ (người mặc áo dài bên trái) đưa ông Laurent Bison đi tham quan Tam Cốc. Ảnh tư liệu

Chị Đỗ Thị Bích Huệ (người mặc áo dài bên trái) đưa ông Laurent Bison đi tham quan Tam Cốc. Ảnh tư liệu

Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khách du lịch là người châu Âu sang Tam Cốc- Bích Động rất nhiều, trong số đó, nhiều nhất phải kể đến là người Pháp. Tại sao người Pháp lại đến Tam Cốc đông đến vậy thì chị Huệ cũng như người dân Ninh Hải không biết rõ. Chỉ nhớ rằng có người khách Pháp đã kể cho chị nghe về bộ phim nổi tiếng "Indochine" của điện ảnh Pháp, có bối cảnh quay ở Tam Cốc, Ninh Bình, được đạo diễn bởi Régis Wargnier.

Bộ phim kể về giai đoạn 1920 - 1950 ở Việt Nam, với câu chuyện về một gia đình người Pháp và mối tình tay ba ngang trái nhưng đầy xúc động. Sau khi bộ phim được công chiếu vào thập niên 90, rất đông du khách Pháp đã muốn khám phá những khung cảnh từng xuất hiện trong phim.

Thế rồi "hữu xạ tự nhiên hương" cảnh đẹp của Tam Cốc- Bích Động được nhiều người truyền tai nhau và du khách Châu Âu tìm về Tam Cốc để được trải nhiệm cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, cũng như con người tần tảo nơi đây.

Cũng như bao người dân Ninh Hải thời đó, chị Huệ chỉ biết cấy lúa, làm thêu để sống qua ngày, không biết thế nào là du lịch. Nhưng khi Ninh Hải trở thành vùng đất du lịch được du khách quốc tế quan tâm, người dân nơi đây đã nhanh chóng thích nghi chuyển nghề sang chở đò và khôi phục lại nghề thêu cổ truyền để làm những mẫu hàng lưu niệm bán trên thuyền.

Chị Huệ tâm sự: Ngày đó chúng tôi còn trẻ, cảm thấy rất vui và tự hào khi quê hương của mình lại đẹp và được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích đến thế. Du khách đến Tam Cốc- Bích Động không chỉ bị mê hoặc bởi cảnh đẹp thiên nhiên mà còn bị cuốn hút về các sản phẩm thêu tay truyền thống. Ban ngày hai vợ chồng đi chở đò, tối về thêu hàng để mai có sản phẩm bán. Không hiểu người ta thấy mình thật thà, chân chất hay thương mình nghèo mà mua hàng nhiều lắm, khi về họ còn cho thêm tiền".

Chị Huệ còn nhớ mãi 2 vợ chồng vị khách người Pháp, sau khi đi đò của chị đã cảm mến sự nhiệt tình giúp đỡ họ lúc khó khăn khi gặp sự cố trong chuyến du lịch đã gửi tặng chị 700 nghìn, tính ra là cả mấy chỉ vàng thời đó. Cũng vì vậy mà chị Huệ xúc động thêu bộ chăn gửi tặng cho 2 vợ chồng người Pháp.

Sự chân thành đã được đền đáp, sau khi về nước, vợ chồng ông Laurent Bisson cảm động và gọi điện sang để nhận 2 đứa con chị là con nuôi, lo cho bọn trẻ ăn học hết đại học. Đến nay, ông bố nuôi của 2 con chị vẫn thường xuyên qua lại 2 bên gia đình như những người thân và giúp đỡ, chia sẻ với con chị những khó khăn trong cuộc sống.

20 năm chở đò chị Huệ cũng đã có rất nhiều kỷ niệm về những người khách ngoại quốc. Nhưng có lẽ người để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chị Huệ là tình bạn với bà Martine Chabrillat, du khách người Pháp.

Năm 2005, sau một chuyến du lịch, bà Martine Chabrillat đã rất thiện cảm với cô lái đò Tam Cốc quê mùa và các sản phẩm thêu tay tinh tế. Bà Martine Chabrillat mua về để làm quà lưu niệm cho những người bạn nước Pháp và từ đó sản phẩm thêu của chị Huệ được xuất khẩu sang Pháp ngày càng nhiều. Nhiều người bạn của bà Martine Chabrillat khi đến Việt Nam nhất định phải về Tam Cốc gặp chị Huệ mua sản phẩm thêu tay làm quà lưu niệm. Nhờ công việc chở đò và làm hàng thêu đã giúp chị xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang.

Nhớ về những người bạn Pháp, chị Huệ xúc động: Tôi trân trọng tình cảm với những người bạn phương xa. Bao năm qua họ luôn là niềm động viên, an ủi cho tôi quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Nhờ sự quan tâm của những người bạn ngoại quốc từ những việc rất nhỏ như gửi cho con tôi từ bộ quần áo, đồ chơi, quà cưới...đến việc động viên tôi đi học ngoại ngữ, nỗ lực trong cuộc sống, đến nay tôi đã thông thạo 2 thứ tiếng Anh và Pháp.

Đặc biệt, nhờ có nguồn động viên, cổ vũ của những người bạn Pháp chị đã dùng chính ngôi nhà của mình để làm homestay. Nhận thấy tiềm năng du lịch của Ninh Bình nói chung và với sự yêu quý của du khách, gia đình chị Huệ đã mở rộng quy mô thêm 10 phòng, bể bơi và công trình phụ trợ để phục vụ khách ngày càng tốt hơn.

Từ một người nông dân hiền lành thuần phát chị Huệ cũng như nhiều người ở Ninh Hải đã trở thành những "sứ giả" truyền thông điệp về sự thân thiện mến khách của du lịch Ninh Bình đến bạn bè quốc tế.

Du lịch phát triển đã nâng tầm những thắng cảnh của Ninh Bình trở thành di sản. Cánh đồng Tam Cốc từng lọt top 15 địa danh tuyệt đẹp do tờ Telegraph (Anh) bình chọn; đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018 của Tạp chí Business Insider.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/co-lai-do-tam-coc-nang-an-tinh-voi-nuoc-phap/d20211122165642964.htm