Có một nghề bụi phấn bám đầy tay…

Hôm nay là ngày tri ân các thầy cô giáo - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng ghi nhớ bởi “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Tôn sư trọng đạo là truyền thống, nét đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Nói vậy để thấy nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất. Sinh thời, Hồ Chủ tịch thường nói “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này... Người thầy tốt là anh hùng vô danh... Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Trong bất cứ thời đại nào, giáo dục vẫn được xem là quốc sách hàng đầu và vì thế, vai trò, vị trí của người thầy giáo luôn được coi trọng. Hạnh phúc của người thầy là ươm trồng được những thế hệ tương lai, hạnh phúc của trò là được thầy cô vun đắp, bồi dưỡng tri thức và tâm hồn. Dù là ai, làm gì, ở đâu, mỗi người đều mang trong mình hình ảnh và sự kính trọng người thầy. Xưa nay người ta thường nói: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Cái nghĩa “yêu thầy” ở đây đó chính là trọng thầy, trọng sự học.

Thời đại càng phát triển, nghề giáo càng có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Và vì thế, cũng nhiều áp lực hơn. Áp lực từ sự thay đổi chương trình giáo dục, áp lực từ môi trường sư phạm, từ thành tích, từ những việc không tên và đôi khi lại chính từ… phụ huynh. Hàng ngày, hàng giờ, đâu đó ta vẫn thấy trên mạng xã hội có nhiều thông tin về những thầy cô đối mặt với những “tai nạn nghề nghiệp” không mong muốn. Thầm lặng dạy học, nhẫn nại với từng học sinh, dành thời gian nghiên cứu cho nghề…, những chuyện này hết sức bình thường, có thể không cần ai thấy ai biết nhưng chỉ cần xử lý không khéo với học sinh hoặc phụ huynh thì… cả nước biết qua mạng xã hội. Như gần đây, cư dân mạng lan truyền câu chuyện một giáo viên mầm non bị thôi việc chỉ vì phụ huynh tố không tháo dây buộc tóc cho con mình trong giờ ngủ trưa! Những áp lực kiểu như vậy cùng với nhiều quy định mới theo hướng “mở” và tôn trọng quyền trẻ em, quyền công dân đối với học sinh đã khiến nhiều giáo viên cảm thấy “bất lực”, rồi dần bất mãn với nghề của mình. Đó là một thực trạng đáng buồn.

Bên cạnh đó, thu nhập của nhà giáo hiện vẫn còn khá thấp, đồng lương chưa tương xứng với công sức, dẫn đến nhiều người không mặn mà, không tâm huyết với nghề. Áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” của cuộc sống cũng khiến nhiều thầy cô cảm thấy mệt mỏi, bởi sau lưng bảng đen, phấn trắng, học sinh, họ còn phải lo cho bản thân, gia đình. Dù khó khăn là vậy nhưng nhiều thầy cô vẫn luôn yêu nghề, tận tâm với nghề, dồn sức vun trồng, bồi đắp tri thức và tâm hồn cho những thế hệ học sinh. Đó là điều đáng quý.

Khó có thể cân đo đong đếm những nỗ lực, hi sinh thầm lặng của đội ngũ giáo viên. Khó có thể nói hết công lao của các thầy cô giáo từ nơi hải đảo đến biên giới xa xôi ngày đêm vẫn tận tụy với nghề “gieo chữ”. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, dù nghề giáo vẫn còn nhiều áp lực, mong rằng các thầy cô giáo sẽ luôn yêu nghề, vững vàng, nỗ lực không ngừng để “ươm trồng” cho đời nhiều “trái ngọt”. Công nghệ dù có phát triển thế nào cũng không thể thay thế được những lời giảng, những bài giảng làm người từ tâm và đức của mỗi người thầy. Chính vì thế, dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất… Có một nghề không trồng cây vào đất/Mà cho đời ngàn vạn đóa hoa thơm”… Như lời bài hát, chúng ta hãy luôn dành sự tri ân và tôn kính cho những người thầy luôn gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp “dạy chữ, dạy người”…

HẢI NGUYỆT

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/co-mot-nghe-bui-phan-bam-day-tay-7ac067a/