Có nên áp giá sàn bán gạo vào Indonesia khi các gói thầu bị ép?

Sau khi Indonesia áp dụng chính sách mới, liên tục các hợp đồng bán gạo của doanh nghiệp Việt Nam vào đây đều bị Cơ quan hậu cầu quốc gia Indonesia (Bulog) ép giá. Từ vấn đề này, doanh nghiệp có ý kiến đề xuất nên áp dụng 'giá sàn' để bảo vệ lợi ích của người nông dân và nền kinh tế…

Có nên áp giá sàn để chống bán rẻ gạo vào Indonesia. Ảnh: Trung Chánh

Có nên áp giá sàn để chống bán rẻ gạo vào Indonesia. Ảnh: Trung Chánh

Tại một hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo quí đầu năm 2024 và bàn phương hướng nhiệm vụ thời gian tới diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, với thị trường Indonesia, chính sách nhập khẩu gạo của quốc gia này đã thay đổi.

Theo đó, trước đây Bulog nhập khẩu theo hình thức đấu thầu cấp Chính phủ (G2G) với gói thầu có khối lượng lớn để chọn nguồn cung từ quốc gia có giá thấp nhất. “Nhưng các gói thầu gần đây, Indonesia cho mở từng gói nhỏ và chia ra nhiều quốc gia cùng trúng, chứ không tập trung vào một quốc gia”, ông Nam cho biết.

Điều đáng nói hơn, với chính sách mới, doanh nghiệp có giá thầu thấp nhất vẫn chưa phải là đơn vị giành chiến thắng mà Bulog sẽ đưa vào vòng đàm phán tiếp theo nhằm “ép giảm giá” tiếp.

“Đi sâu vào thầu Bulog, chúng ta thấy rằng: về nguyên tắc nếu bỏ giá thấp nhất là thắng, nhưng luật chơi mới của Indonesia là 3 đơn vị bỏ giá thấp nhất sẽ đi vào vòng đàm phán tiếp theo”, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty lương thực Phương Đông (ORICO) thông tin.

Thái Lan “bỏ cuộc”, Việt Nam bán giá thấp

Phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo vừa được Bulog công bố, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành chiến thắng với tổng khối lượng khoảng 150.000 tấn. Đây là kết quả sau khi đàm phán và chấp nhận “giảm giá” theo yêu cầu của đơn vị này. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan đã “rời đi” bở không đồng ý mức giá mới theo yêu cầu của phía Indonesia.

Ngoài Việt Nam, Indonesia cũng đạt được thỏa thuận nhập khẩu khoảng 60.000 tấn gạo có nguồn gốc từ Pakistan và Myanmar.

Điều đáng nói ở đây, đó là các doanh nghiệp của Việt Nam giành chiến thắng với khối lượng lớn nhất, nhưng lại có giá bán thấp nhất.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu LOT 5 và 6 (LOT là số lượng đơn vị được tiêu chuẩn hóa của một tài sản được giao dịch) với tổng khối lượng 60.000 tấn (bao gồm LOT 5 là 30.000 tấn và LOT 6 là 30.000 tấn), với giá trúng thầu là 563 đô la Mỹ/tấn (giá CIF).

Với giá trúng thầu như nêu trên (563 đô la Mỹ/tấn) đồng nghĩa với việc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã đàm phán với Bulog và chấp nhập giảm 13 đô la Mỹ/tấn so với giá bỏ thầu ban đầu là 576 đô la Mỹ/tấn.

Nếu so với giá dự thầu của các doanh nghiệp đến từ Thái Lan (doanh nghiệp Thái Lan không đồng ý giảm giá nên không trúng thầu bán gạo cho Bulog), giá trúng thầu của các doanh nghiệp đến từ Việt Nam có đơn vị thấp hơn đến khoảng 70 đô la Mỹ/tấn. Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam bị ép chấp nhận giảm giá theo đàm phán của Bulog đưa ra.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, giá gạo tại kho hiện khoảng 13.900 đồng/kg và nếu cộng thêm chi phí là khoảng 14.400 đồng/kg. Trong khi đó, tỷ giá ngày 24-5 của 1 đô la Mỹ là khoảng 25.200 đồng, tương đương mỗi tấn gạo có giá 571 đô la Mỹ.

Giá gạo quy ra đô la Mỹ như nêu trên (571 đô la Mỹ/tấn) là tương đương với mức giá các doanh nghiệp Việt Nam vừa trúng thầu bán cho Indonesia. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro rất lớn trong trường hợp nếu giá gạo có biến động (tăng) trong thời gian tới, bởi hợp đồng có thời gian giao cho Indonesia vào tháng 6 và 7 tới.

Áp giá sàn bán gạo vào Indonesia để bảo vệ người nông dân. Ảnh: Trung Chánh

Áp giá sàn bán gạo vào Indonesia để bảo vệ người nông dân. Ảnh: Trung Chánh

Lập giá sàn “chống” bán rẻ?

Trước tình trạng doanh nghiệp “đua nhau” giảm giá để có hợp đồng bán gạo cho Indonesia, tại hội nghị nêu trên, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát đã lên tiếng đề nghị, VFA cần có những cuộc họp để doanh nghiệp cùng ngồi lại đưa ra một mức giá sàn trước đối với hợp đồng bán gạo cho Indonesia. Có nghĩa là doanh nghiệp dự thầu không được bán thấp hơn giá sàn nhằm tránh tình trạng “bán thấp giá hơn nước bạn”.

Theo bà Huyền, việc có giá sàn sẽ giúp đảm bảo an toàn cho cả người nông dân, công nhân và doanh nghiệp, thậm chí tránh rủi ro cho cả ngân hàng khi giải ngân khoản vay cho doanh nghiệp. “Phải đoàn kết, gắn bó giữa doanh nghiệp nhà Nước và doanh nghiệp tư nhân”, bà kêu gọi.

Chủ tịch HĐQT của Công ty Ngọc Quang Phát cho rằng, đơn vị này sẵn sàng “lùi về hậu phương” để Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty lương thực miên Nam (Vinafood 2) đi dự thầu, nhưng khi trúng thầu cần chia lại hợp đồng. Bởi lẽ, hợp đồng xuất khẩu gạo chính là điều kiện để doanh nghiệp được ngân hàng giải ngân các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo bà Huyền, vấn đề quan trọng là có được hợp đồng với giá tốt nhất, mang về lợi nhuận cao nhất, chứ không phải lấy hợp đồng nhiều rồi về thua lỗ, thất thoát kinh tế, thất thoát cho người công nhân và nông dân trồng lúa. “Đây là điều các cấp chính quyền, Bộ Công Thương, Chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp”, bà nhấn mạnh.

Một nguồn tin của KTSG Online (xin không nêu tên) cho biết, có tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu gạo chấp nhận rủi ro bán giá thấp để có được hợp đồng xuất khẩu nhằm có được khoản vay mới từ phía ngân hàng. “Hợp đồng xuất khẩu đối với doanh nghiệp lúa gạo chính là cơ sở để ngân hàng xét duyệt cho vay vốn”, vị này giải thích.

Theo bà Huyền, việc “bán đổ bán tháo” nhằm có được hợp đồng để ngân hàng giải ngân các khoản vay là rất nguy hiểm cho cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lẫn phía ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Việt Anh của ORICO cho rằng, thông tin nói doanh nghiệp đàm phán giảm giá bán theo yêu cầu của Indoneisa chính là đang bán rẻ tài nguyên quốc gia, chèn ép giá nông dân là chưa chính xác. Bởi lẽ, luật chơi được quyết định bởi người mua, chứ không phải người bán quyết định.

“Chúng ta muốn bán gạo giá cao, thì không có hợp đồng, thành ra chỗ này cần làm rõ”, ông Việt Anh nói và cho rằng, doanh nghiệp nếu cân đối được tồn kho với giá cả hợp lý, thì họ quyết định bán miễn có hiệu quả vì đây là tự do hóa thương mại.

Ông Việt Anh đặt vấn đề, bàn bạc đưa ra giá sàn, nhưng không có được hợp đồng, thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn…

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-nen-ap-gia-san-ban-gao-vao-indonesia-khi-cac-goi-thau-bi-ep/