Cổ phần hóa chuẩn bị chuyển sang chu kỳ mới
Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân), tiến trình tái cơ cấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa (CPH) đang chuẩn bị chuyển sang chu kỳ mới.
Mấy năm trước, CPH, thoái vốn chậm, được cho là do đại dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn. Thưa ông, hai nguyên nhân này không còn nữa, nhưng vì sao tiến trình này vẫn giậm chân tại chỗ?
Năm 2023, hầu như không CPH được đơn vị nào, cả nước chỉ thoái vốn tại 12 đơn vị, thu về 229 tỷ đồng. Còn trong quý I năm nay, có 77 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại theo Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022, trong đó 14 doanh nghiệp thuộc Trung ương.
Thực tế cho thấy, đại dịch và khó khăn kinh tế giai đoạn 2020-2022 làm chậm tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, thị trường biến động là những yếu tố thường xuyên, kể cả có hay không có đại dịch. Có những lý do khách quan khác khiến tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thuận, đó là cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiến bộ công nghệ diễn ra hết sức nhanh chóng, chu kỳ kinh tế thay đổi và tính mùa vụ của hàng hóa, dịch vụ vẫn còn hiện hữu.
Tiến trình CPH hầu như “giậm chân tại chỗ” còn do chưa phát huy triệt để vai trò của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, quyết liệt trong theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương thực hiện chủ trương CPH, thoái vốn.
Ông có nghĩ rằng, dường như quyết tâm thoái vốn, CPH không còn mạnh mẽ như những năm trước?
Không hoàn toàn như vậy, mà có thể nói, thoái vốn, CPH đang chuẩn bị chuyển sang chu kỳ vận động mới. Quyết tâm thoái vốn, CPH thể hiện mạnh mẽ bằng Quyết định 360/QĐ-TTg và Quyết định 1479/QĐ-TTg (ngày 29/11/2022) Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025, nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện CPH, hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2025 đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục phải CPH. Điều này cho thấy mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động CPH, thoái vốn.
Có thể tiến trình này cần tiếp thêm động lực vì động lực cũ hầu như giảm tác động so với mong đợi trong điều kiện mới. Động lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, hiệu quả, cải thiện năng lực cạnh tranh, hội nhập chủ động, tích cực, thực chất, thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 cần được bổ sung kịp thời để đẩy nhanh tiến trình này. Đây là bước khởi đầu giai đoạn CPH “chặng cuối” với khoảng 200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc diện phải CPH, thoái vốn.
Có ý kiến cho rằng, với những doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả thì không nhất thiết phải CPH, thoái vốn. Quan điểm của ông thế nào?
Ý kiến này cũng có một phần căn cứ nếu nhìn vào cái lợi trước mắt, đó là sự đóng góp của doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vào ngân sách. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân làm giảm phần nào mối quan tâm thúc đẩy nhanh thoái vốn.
CPH là một quá trình khách quan, gắn với chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung mệnh lệnh sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này được thúc đẩy bởi chủ trương của Nhà nước trên 30 năm nay và được thực tiễn khẳng định hoàn toàn đúng đắn, nhằm bảo toàn và sử dụng hiệu quả vốn và tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý.
CPH cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo đảm tính bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, quyền lợi và nghĩa vụ. Tôi cho rằng, quan điểm doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả không nhất thiết CPH, thoái vốn là cách nhìn ngắn hạn. Cần có cách nhìn tổng thể và dài hạn.
Thưa ông, nhìn tổng thể và dài hạn là thế nào?
CPH, thoái vốn có khả năng làm tăng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản cao hơn so với hiện tại. Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước mang lại lợi ích không chỉ cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mà còn cả phần vốn của các cổ đông khác ngoài nhà nước. Lợi ích mang lại không chỉ cho cổ phần nhà nước, mà còn được chia sẻ với cổ đông ngoài nhà nước, nghĩa là tăng đối tượng hưởng lợi từ kết quả kinh doanh hiệu quả. Theo đó, bảo đảm phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và khoản lợi ích do đặc quyền Nhà nước sẽ được giảm thiểu để hướng tới cân bằng thị trường.
CPH sẽ giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các quyết định, để thị trường phát triển đúng quy luật. Đó mới là cách tiếp cận lâu dài, bao trùm và phù hợp với nguyên tắc vận hành của thị trường. CPH, thoái vốn còn giảm thiểu hành vi trục lợi, tham nhũng của những người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong giai đoạn này, có nên tập trung xử lý những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không cần sự đầu tư của Nhà nước, thưa ông?
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã quy định rõ những lĩnh vực Nhà nước cần phải đầu tư, còn lại để cho tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đang được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi toàn diện, chính là bước chuẩn bị để CPH, thoái vốn bước vào giai đoạn mới.
Việc đầu tư vào lĩnh vực không cần thiết phải có đầu tư của Nhà nước sẽ làm phân tán nguồn vốn đầu tư công, đáng ra phải được dồn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa lớn, tạo lợi ích quốc gia cao nhất. Thay vì đầu tư “đa ngành, đa lĩnh vực”, vốn nhà nước cần phải tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp non trẻ, nhưng có triển vọng lớn. Việc đầu tư phân tán chỉ thu được lợi ích ngắn hạn, còn về tổng thể, khó bù đắp chi phí cơ hội dài hạn của cả nền kinh tế.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phan-hoa-chuan-bi-chuyen-sang-chu-ky-moi-d214256.html