Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/2
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/2 của các công ty chứng khoán.
CTCK Phú Hưng (PHS)
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu của CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) trong năm 2023 sẽ đạt 35.438 tỷ đồng (tăng 4,6% so với năm trước) thông qua việc mở rộng các chuỗi cửa hàng nhưng có thể sẽ gặp bất lợi từ sức mua yếu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 1.763 tỷ đồng (giảm 2,4%) cho năm 2023.
Có thể nói PNJ đang sở hữu chiều sâu nhất trong chuỗi giá trị trang sức thời trang nếu so với các đối thủ trên thị trường hiện tại. Việc mang lại những giá trị gia tăng cho khách hàng ngoài chất liệu sản phẩm sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của PNJ. Đồng thời, công ty cũng đứng đầu về nguồn thợ kim hoàn và mạng lưới phân phối.
Chúng tôi tin PNJ đang sở hữu sức mạnh thương hiệu, hướng tiếp cận đúng đắn về mặt hình ảnh và thương hiệu để hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu của mảng trang sức thời trang.
Cổ phiếu của PNJ theo chúng tôi có một số đặc điểm khiến nó phù hợp để chống chọi lại với tình trạng lạm phát và lãi suất cao: khả năng chuyển lạm phát cho người tiêu dùng thông qua tăng giá bán và một bảng cân đối tương đối lành mạnh, ít đòn bẩy. Đồng thời khi xem xét lại lịch sử lạm phát và lợi nhuận của PNJ chúng tôi nhận thấy tác động của lạm phát lên lợi nhuận là không quá khủng khiếp.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 82.800 đồng/CP. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị giữ với mức giảm giá tiềm năng là 0%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Rủi ro: (1) Sức mua suy yếu do lạm phát, lãi suất cao; (2) Mất đi nhân lực kim hoàn (3) Không tự chủ nguồn nguyên liệu (4) Sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh trong một thị trường phân mảnh.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DRC
CTCK Vietcombank (VCBS)
Triển vọng 2023 của CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC – sàn HOSE): Biên gộp cải thiện nhờ vào giá nguyên vật liệu đầu vào đặc biệt là giá cao su tự nhiên ở vùng thấp trong 2 năm vừa qua và nhà máy radial đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
Nhà máy giai đoạn 3 mở rộng: dự kiến DRC sẽ tăng công suất lốp Radial lên 67% và dự kiến tháng 11/2023 sẽ đi vào sản xuất. DRC sẽ tăng và đạt công suất thiết kế lên 750.000 lốp cuối 2023 và 1 triệu lốp vào 2024 (2022: tiêu thụ đạt 122% công suất thiết kế).
Tiếp tục hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu chính của DRC là Brazil và Mỹ khi các đối thủ cạnh tranh phải chịu mức Thuế chống bán phá giá.
Rủi ro: Rủi ro cao su tự nhiên (CSTN) tăng giá do nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc khi mở cửa trở lại, giá cao su tổng hợp (CSTH) cũng tăng cùng xu hướng giá dầu.
Nguồn cung lốp ô tô tăng cao khi Trung Quốc thực hiện mở cửa kinh tế cũng như hoạt động lại của các doanh nghiệp sản xuất lốp lớn từ Trung Quốc trong khi nhu cầu toàn cầu giảm do kinh tế suy yếu.
Rủi ro Trung Quốc chuyển nhà máy sang các nước không bị Mỹ áp Thuế chống bán phá giá sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn về giá thành với lốp Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Dự phóng 2023-2024: doanh thu thuần của DRC ước tính trong 2023 sẽ đạt 5.518,4 tỷ đồng (tăng 12,7% so với năm trước). Lợi nhuận sau thuế cổ đông mẹ đạt 316,9 tỷ đồng (tăng trưởng 2,7%). Tương ứng mức P/E 2023 là 8,8x lần với giả định như sau: (1) sản lượng radial tiêu thụ đạt 791,6 ngàn lốp (tăng trưởng 8%) và bias đạt 658,8 ngàn chiếc (tăng trưởng 7,3%), (2) giá bán trung bình tăng 5,0% và (3) biên lợi nhuận gộp đạt mức 16,9%, tăng 0,3% so với 2022 do giá nguyên vật liệu tích cực hơn so với 2022.
Khuyến nghị: Tại mức giá 23.900 đồng/CP, DRC đang được giao dịch với P/E năm 2022 là 10,9x lần. Chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 25.300 đồng/CP (upside 13,7%).
Có thể giải ngân SSI khi cổ phiếu giao dịch quanh vùng giá 16.000 đồng/CP
CTCK DSC (DSC)
Từ 2016 – 2021, CTCP Chứng khoán SSI (SSI – sàn HOSE) duy trì trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương đương với tỷ suất cổ tức là 4,8% (so với giá đóng cửa ngày 27/01/2023), so với lãi suất ngân hàng thì đây không phải là khoản đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.
P/B của SSI (tại giá đóng cửa 27/01/2023) đạt 1,40 lần, thấp hơn so với mức P/B trung bình 5 năm (1,80 lần) và cao hơn trung bình ngành (1,3 lần). Mức p/b thấp nhất của SSI là 1,x lần và đây sẽ là vùng mua an toàn để nắm giữ dài hạn với cổ phiếu SSI.
Hoạt động kinh doanh của SSI được đánh giá là khá ổn định, kể cả trong điều kiện thị trường khốc liệt như giữa năm 2022.
Năm 2023, DSC ước tính doanh thu và lợi nhuận của SSI sẽ có sự hồi phục nhẹ từ mức nền thấp 2022. DSC ước tính doanh thu và lợi nhuận của SSI đạt lần lượt 5.332 tỷ đồng (tăng 7% so với năm trước) và 1.540 tỷ đồng (tăng trưởng 5%), BVPS 2023 là 15.200 đồng/CP, tương đương P/B fw là 1,4x lần. Giá mục tiêu của SSI 2023 là 26.000 đồng/CP, upside 20% so với giá đóng cửa ngày 31/10/2022 là 21.600 đồng/CP.
Đồng thời, khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân khi cổ phiếu giao dịch quanh vùng giá 16.000 đồng/CP, mức P/B hợp lý rơi vào khoảng 1,0 – 1,1 lần.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-152-post315132.html