Cổ phiếu ngân hàng nào đang hấp dẫn để giải ngân?
Trong nửa cuối năm, chuyên gia gợi ưu tiên lựa chọn ngân hàng có chi phí vốn thấp do khả năng mở rộng thị phần và duy trì NIM tốt hơn; cũng như các ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn hơn do có cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhờ sự phục hồi của thị trường địa ốc.
Chất lượng tài sản toàn ngành dự báo khởi sắc trong nửa cuối năm
Tính đến cuối tháng 6/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 9,9% so với đầu năm, mức tăng tương đối tích cực nếu so với tình hình giải ngân chậm cùng kỳ năm trước (6%). Động lực tăng trưởng đến từ các lĩnh vực như đầu tư công, bất động sản - vốn được hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm, tạo điều kiện để tăng trưởng tín dụng cả năm tiến gần mục tiêu 16%. Bên cạnh đó, nhờ những tín hiệu thương mại theo hướng thuận lợi hơn, dòng vốn tín dụng được kỳ vọng sẽ phân bổ ngày càng đồng đều hơn sang các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần củng cố đà phục hồi toàn diện của nền kinh tế.
Trong khi tín dụng tăng tốc, các chuyên gia cho rằng NIM ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực suy giảm. Kết quả sơ bộ của một số ngân hàng cho thấy NIM tiếp tục suy giảm trong quý II, nối tiếp xu hướng đã hình thành từ các quý trước.
KBSV duy trì quan điểm lãi suất cho vay sẽ khó tăng trở lại do định hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cũng như sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng để thu hút khách hàng vay. Lãi suất huy động có khả năng sẽ tăng trở lại về giai đoạn cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày càng gia tăng.
Như vậy, NIM dự báo có thể tiếp tục chịu áp lực, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ phân hóa tùy ngân hàng theo năng lực quản trị CoF. Các ngân hàng có CASA cao, sản phẩm huy động hiệu quả và đẩy mạnh tín dụng sẽ hạn chế được tác động tiêu cực.
Về câu chuyện chất lượng tài sản, nợ xấu được dự báo sẽ cải thiện trong các quý tới, nhờ môi trường vĩ mô dần ổn định, đặc biệt khi các yếu tố rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan không còn tạo áp lực đáng kể lên nền kinh tế. Luật sửa đổi các TCTD – với trọng tâm xử lý các khoản nợ xấu và kế thừa các cơ chế hiệu quả từ Nghị quyết 42 - được đánh giá là sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực cho toàn ngành.
Cổ phiếu ngân hàng nào nhiều dư địa tăng?
Về khuyến nghị đầu tư, KBSV đánh giá mặc dù cổ phiếu ngân hàng đã phục hồi sau đợt điều chỉnh mạnh hồi đầu tháng 4, nhưng hiện vẫn giao dịch dưới mức P/B trung bình 5 năm. Đây có thể là vùng giá hấp dẫn để nhà đầu tư xem xét tích lũy.
Một số gợi ý đáng chú ý như VCB, CTG – hưởng lợi từ môi trường thuế quan thuận lợi hơn trước và tăng trưởng ổn định. TCB với câu chuyện IPO TCBS tạo kỳ vọng định giá lại. MBB và VPB với kỳ vọng chất lượng tài sản cải thiện đáng kể.
Tương tự nhận định của KBSV về mức định giá hấp dẫn của ngành, SSI Research trong báo cáo gần đây cũng đánh giá các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của nhóm hiện đang giao dịch ở mức P/B dự phòng 1 năm là 1,1x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử 1,68x kể từ năm 2017.
Trong khi một số mã như TCB, MBB, CTG và STB đã vượt đỉnh lịch sử, SSI Research chỉ ra rằng các mã VCB, BID, ACB, VPB và một số ngân hàng nhỏ hơn vẫn đang giao dịch trong vùng định giá thấp. Sự phân hóa này xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư đối với các thay đổi về chính sách và hoạt động kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt khi thuế đối ứng của Mỹ đang định hình lại nhu cầu tín dụng đối với ngành xuất khẩu cũng như vị thế của từng ngân hàng trong ngành.
Theo đó, SSI Research gợi ý ưu tiên lựa chọn ngân hàng có chi phí vốn thấp nhờ khả năng mở rộng thị phần và duy trì NIM tốt hơn so với ngân hàng khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, với việc các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ và thị trường bất động sản sơ cấp đang dần phục hồi, các ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản nhiều sẽ có cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Trong nửa cuối 2025 và năm 2026, SSI Research khuyến nghị một số cổ phiếu như CTG, MBB, TCB, STB và VPB nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng duy trì lợi nhuận ổn định.
Trong một góc nhìn ngắn hạn hơn, Agriseco Research gợi ý VPB và MBB là hai cơ hội đầu tư đáng chú ý trong tháng 7 ở nhóm ngân hàng với tiềm năng upside hấp dẫn.
Trong đó, VPB có tiềm năng tăng trưởng tín dụng cao nhờ đẩy mạnh cho vay phân khúc KHDN, tập trung vào lĩnh vực thương mại, xây dựng và BĐS phục hồi tích cực, cùng kỳ vọng NIM cải thiện và áp lực gia tăng nợ xấu giảm trong các quý tiếp theo.
Định giá VPB hiện cũng đang ở vùng hấp dẫn với P/B (0,9x lần) hiện tại thấp hơn trung bình ngành (1,5x) và trung bình quá khứ cổ phiếu 5 năm (1,3x), với triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 25% (thuộc Top cao đầu ngành) và LNTT năm 2025 kế hoạch là 25.270 tỷ đồng (+25% svck).
Với MBB, luận điểm đầu tư là kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực và áp lực nợ xấu cùng chi phí dự phòng nhẹ bớt nhờ các dự án lớn liên quan đến Novaland được tháo gỡ pháp lý. NIM kỳ vọng cải thiện tích cực nhờ duy trì tăng trưởng tín dụng tốt (trên 24% cho cả năm) và tỷ lệ CASA cao.
Hiện MBB đang được định giá hấp dẫn với P/B (1,1x lần) hiện tại thấp hơn trung bình ngành (1,5x) và trung bình 5 năm (1,3x), với hiệu suất sinh lời ROE quý I/2025 TTM cao, đạt 23% và tỷ lệ CASA lớn là yếu tố hỗ trợ MBB tăng trưởng dài hạn.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-phieu-ngan-hang-nao-dang-hap-dan-de-giai-ngan.html