Cổ phiếu ngành cảng biển đã vào nhịp điều chỉnh?
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng trong quý 1, nhóm cổ phiếu cảng biển đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, dù triển vọng dài hạn của ngành vẫn được đánh giá tích cực nhờ lực đẩy từ FDI, hồi phục thương mại và chính sách tích trữ hàng hóa trước áp lực thuế quan từ Mỹ...

Thị trường chứng khoán ngày 28/5 chứng kiến làn sóng điều chỉnh mạnh của nhóm cổ phiếu cảng biển, một trong những ngành tăng trưởng vượt bậc trong quý đầu năm 2025. Tuy nhiên, đằng sau các con số đỏ rực là những chuyển động tích cực về kế hoạch kinh doanh, định hướng dài hạn và cơ hội phục hồi của toàn ngành.
"CƠN SÓNG ĐỎ" NGẮN HẠN
Cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Xếp dỡ Hải An cái tên từng giúp nhiều nhà đầu tư “trúng lớn” trong quý 1 đã giảm mạnh 4,62% trong phiên hôm nay, lùi về mức 80.500 đồng/cổ phiếu. Điều đáng chú ý là chỉ một ngày trước đó, HAH còn bật tăng tới 6,97%, lên 84.400 đồng, với thanh khoản đạt 1,9 triệu đơn vị. Nhìn rộng hơn, trong quý đầu năm, mã này từng tăng hơn 50%, với hơn 120 triệu cổ phiếu được khớp, tương ứng giá trị giao dịch hơn 6.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu VSC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, giảm 4,26% xuống 23.600 đồng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại tăng vọt lên tới 14,7 triệu cổ phiếu cho thấy lực cầu vẫn rất mạnh. VSC từng tăng mạnh trong hai phiên 26 và 27/5 với mức tăng lần lượt 5,23% và 6,48%, thanh khoản lên tới 19 triệu và 13 triệu cổ.
Mã VOS của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam giảm nhẹ 1,63%, về 15.050 đồng/cổ, dù thanh khoản vẫn giữ ở mức cao 3,3 triệu cổ. Trước đó, trong hai ngày 26-27/5, VOS tăng 6,68% và 3,38%, nhưng nhìn tổng thể quý 1, mã này vẫn ghi nhận mức giảm gần 10%.
Trong khi đó, PHP của Cảng Hải Phòng mất 1,53%, lùi về 38.500 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản khá thấp chỉ hơn 300.000 đơn vị. Tuy nhiên, đây là mã đã tăng mạnh 6,67% trong phiên liền trước, phản ánh sự biến động ngắn hạn nhưng vẫn còn nhiều kỳ vọng tích cực.
Giữa sắc đỏ bao phủ nhóm cổ phiếu cảng biển, GMD cổ phiếu của Công ty Cổ phần Gemadept trở thành “ngôi sao” khi duy trì được sắc xanh với mức tăng 2,35%, lên 60.900 đồng. Đáng chú ý, phiên trước đó GMD còn tăng trần 6,82%, với thanh khoản 6 triệu đơn vị. Riêng hôm nay, có 3,8 triệu cổ phiếu GMD được giao dịch, cho thấy lực mua vào vẫn rất mạnh.

Diễn biến cổ phiếu GMD trong phiên giao dịch ngày hôm nay
Mức tăng ấn tượng này phần nào được thúc đẩy bởi thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn nước Mỹ "sản xuất xe tăng và các sản phẩm công nghệ, chứ không phải áo phông". Đây là tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu logistics và cảng biển có liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
DOANH NGHIỆP CẢNG BIỂN TĂNG TỐC KẾ HOẠCH 2025
Bên cạnh biến động cổ phiếu, bức tranh tài chính quý 1/2025 của nhiều doanh nghiệp cảng biển đang cho thấy những gam màu rất khác nhau. HAH (Hải An) ghi nhận doanh thu quý 1 đạt 1.169 tỷ đồng tăng tới 66% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng phi mã 293,9%.
Với đà tăng trưởng này, công ty đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu 4.243 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 702 tỷ lần lượt tăng 5,4% và 8% so với năm 2024. Sản lượng khai thác tàu dự kiến tăng mạnh 25,7%, trong khi hoạt động tại cảng sẽ giảm nhẹ.
VSC (Viconship) dù chưa điều chỉnh doanh thu, vẫn điều chỉnh tăng mạnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 lên 400 tỷ đồng tăng 32% so với kế hoạch cũ. Tỷ lệ cổ tức dự kiến vẫn ở mức hấp dẫn 10%. Quý 1 năm nay, Viconship đạt doanh thu 682 tỷ đồng, tăng 16%, còn lợi nhuận trước thuế tăng tới 50% đạt 135 tỷ đồng nhờ kiểm soát tốt chi phí tài chính và tận dụng cơ hội từ thị trường hoạt động tài chính.
Lãnh đạo Viconship cũng chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên rằng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm chưa tới 4% sản lượng qua cảng do đó, những biến động từ chính sách thương mại Mỹ không gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động chính của công ty, vốn chủ yếu tập trung vào khu vực nội Á.
Ngược lại, Vosco (VOS) lại đối diện bức tranh tài chính kém tươi sáng. Quý 1/2025, doanh thu của doanh nghiệp này chỉ đạt 462,11 tỷ đồng giảm mạnh 57,9%. Đặc biệt, công ty lỗ sau thuế 53,85 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái còn lãi 74,52 tỷ đồng, tức lỗ ròng hơn 128 tỷ chỉ sau 3 tháng. Dù kế hoạch năm 2025 vẫn đặt mục tiêu doanh thu 6.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 376 tỷ, kết quả quý đầu năm khiến nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng hoàn thành mục tiêu.
Gemadept (GMD) báo cáo doanh thu quý 1/2025 đạt 1.277 tỷ đồng tăng 27%, song lợi nhuận sau thuế giảm 20%, còn 528 tỷ đồng. Công ty hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025, với lý do Đại hội đồng cổ đông thường niên bị lùi thời hạn đến cuối tháng 6/2025.
Một số doanh nghiệp khác cũng đang tạo ra nhiều kỳ vọng trong năm nay. Cảng Quy Nhơn dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 195 tỷ đồng, tăng 20%. Tân Cảng Logistics đặt mục tiêu lãi 175,4 tỷ đồng tăng 5%. ICD Tân Cảng - Long Bình cũng kỳ vọng lãi 134 tỷ đồng tăng 6%.
Dù mức tăng không quá lớn, nhưng những con số này phản ánh đà hồi phục đều đặn của các cảng vệ tinh và đơn vị vận tải phụ trợ trong hệ sinh thái logistics đóng vai trò không nhỏ trong chuỗi cung ứng hàng hóa khu vực phía Nam và miền Trung.
TĂNG TRƯỞNG DÀI HẠN VẪN SÁNG
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), năm 2025 ngành cảng biển vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Lý do đến từ dự báo sản lượng vận chuyển tăng nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào sản xuất. Ngoài ra, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ kéo theo nhu cầu logistics và vận tải biển.
ABS cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp cảng biển có thể hưởng lợi ngắn hạn từ xu hướng tích trữ hàng hóa trước khi Mỹ áp thuế mới. Nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu được kỳ vọng hưởng lợi từ dòng tiền đầu cơ.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset đồng tình với đánh giá trung hạn nhưng tỏ ra thận trọng hơn trong ngắn hạn, khi duy trì mức đánh giá “trung tính” cho toàn ngành. Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng dù các rủi ro từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đang ảnh hưởng đến triển vọng ngành cảng biển Việt Nam, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ sự phục hồi.
Ngành được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong quý 2/2025 khi doanh nghiệp tăng cường tích trữ hàng hóa để giảm thiểu tác động thuế quan. Về trung và dài hạn, kết quả đàm phán thương mại sẽ định hình lại bối cảnh kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cảng biển.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng kim ngạch đạt 276,7 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 136,5 tỷ USD (+18,6%), còn nhập khẩu là 140,3 tỷ USD (+13,0%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, ngoại trừ điện thoại có mức giảm nhẹ.
Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng mạnh về kim ngạch, trong khi Trung Quốc tăng chậm lại. Hoạt động thông quan vẫn duy trì vững vàng với khối lượng đạt 135,4 triệu tấn (+9,0%), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, container thông quan ước đạt 4,8 triệu TEU (+18,0%), cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn khá sôi động.
Tuy vậy, tình hình sản xuất trong nước lại ghi nhận xu hướng trái chiều. Dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng trưởng khá ở mức 8,9% trong tháng 4, chỉ số PMI, phản ánh sức khỏe ngành sản xuất lại thường xuyên nằm dưới ngưỡng 50, cho thấy áp lực vẫn hiện diện trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất vẫn tăng trưởng ổn định với tổng vốn đăng ký tích lũy đạt 313,6 tỷ USD (+9,1%) cho hơn 18.000 dự án.
Tổng thể, dù ngành cảng biển đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ các yếu tố bên ngoài như chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhưng các yếu tố nội tại như xuất nhập khẩu tăng trưởng, hoạt động thông quan ổn định và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào sản xuất sẽ là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.