Cơ sở GDNN công lập ít nhưng đội ngũ giáo viên lại nhiều hơn ngoài công lập
Trong vòng 5 năm qua, cả nước có thêm 308 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở ra. Trong đó, số lượng các trường mới chủ yếu là cơ sở ngoài công lập.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (trong Niên giám thống kê năm 2021) cho thấy, năm 2020, cả nước có 3.005 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bao gồm công lập và ngoài công lập), với khoảng 84 nghìn giáo viên giảng dạy. Và cả nước có khoảng 2.190 nghìn học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tốt nghiệp trong năm 2020.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập ngày càng nhiều
Trong vòng 5 năm qua (2015-2020), cả nước có thêm 308 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở ra. Trong đó, số lượng cơ sở mới chủ yếu là giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập.
Trừ giai đoạn giảm nhẹ 2017-2018, thì nhìn chung, hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đều có xu hướng tăng thêm.
Trong vòng 5 năm (từ năm 2015-2020), có thêm 428 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được mở ra (tăng 25,78%). Ngược lại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 120 cơ sở, từ 1.465 cơ sở vào năm 2015, đến năm 2020 chỉ còn 1.345 cơ sở (giảm 8,92%).
Dù ít cơ sở hơn, quy mô đội ngũ giáo viên trường công lập nhiều hơn trường ngoài công lập
Về đội ngũ giáo viên, trong vòng 5 năm qua, nhìn chung tổng số lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chiều hướng tăng lên. Năm 2015, cả nước có khoảng 67,7 nghìn giáo viên, năm 2020 tổng số giáo viên là 84 nghìn. Như vậy, trung bình mỗi năm tăng khoảng hơn 3.000 giáo viên.
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở công lập và ngoài công lập lại có sự biến động không giống nhau.
Nhìn vào biểu đồ, nhận thấy rằng: mặc dù có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít hơn các trường ngoài công lập tuy nhiên các trường công lập lại có số lượng giáo viên nhiều hơn.
Cụ thể, năm 2015, có khoảng 41,6 nghìn giáo viên giảng dạy tại 1.465 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Trong khi đó, cùng năm 2015, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, mặc dù số lượng trường cũng khá lớn - 1.232 cơ sở vào năm 2015 (ít hơn các trường công lập 233 cơ sở), tuy nhiên số giáo viên chỉ bằng khoảng một nửa giáo viên dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: 26,1 nghìn giáo viên.
Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp tại trường công lập giảm mạnh
Cùng với sự gia tăng về quy mô các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm nhìn chung tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giai đoạn từ năm 2019-2020, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp lại giảm đáng kể.
Cụ thể, năm 2019, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1425,9 nghìn người; tuy nhiên đến năm 2020, số lượng tốt nghiệp chỉ đạt 989,6 nghìn người (giảm 44,09%).
Trong khi đó, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp tăng đều qua các năm, đặc biệt tăng mạnh ở giai đoạn 2019-2020 tăng 35,51%.
Tuy nhiên, xét theo quy mô số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường công lập tuy có số lượng cơ sở ít hơn các trường ngoài công lập, nhưng số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2016-2019 vẫn nhiều hơn các trường ngoài công lập.
Đơn cử, năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập có 1.658 trường, cùng năm có 749,1 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có 1.299 trường, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 1.350,9 nghìn người (số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp gấp 1,8 lần các trường ngoài công lập).
Phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Được biết, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Định hướng đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.