Có thể từ chối dẫn độ tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự

Chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về 4 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Luật Dẫn độ, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực kể từ 1/7/2008, qua hơn 15 năm triển khai thực hiện quy định về dẫn độ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có xu hướng xây dựng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trình bày tờ trình về dự án luật.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trình bày tờ trình về dự án luật.

Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ. Các quốc gia đã ký kết hiệp định TTTP về dân sự và hình sự với Việt Nam trong thời gian trước đây hiện đang bày tỏ mong muốn đàm phán, ký kết các hiệp định riêng về lĩnh vực dẫn độ để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

"Việc ban hành Luật Dẫn độ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực dẫn độ nói riêng", Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh.

Mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Chủ tịch nước quyết định việc không thi hành án tử hình người bị yêu cầu dẫn độ

Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 5 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Về dẫn độ có điều kiện, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho hay, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này. Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này. Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều này.

Về thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước. Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan hướng dẫn chi tiết điều này.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Về cơ quan của Việt Nam lập yêu cầu dẫn độ, dự thảo luật quy định cơ quan Trung ương về dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cũng cho biết, về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu nước đó yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định "Trường hợp nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về dẫn độ với Việt Nam yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ thì trình tự, thủ tục bắt khẩn cấp để dẫn độ được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam".

Về từ chối dẫn độ cho nước ngoài, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung một số trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ như: Người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác; hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự; bổ sung trường hợp có thể từ chối dẫn độ, bao gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/co-the-tu-choi-dan-do-toi-pham-lien-quan-den-chinh-tri-quan-su-i765219/