Cổ tích từ con chữ
'Giá như em và ông Blới sống với nhau tốt đẹp. Và giá như…'-cô giáo A Nách (làng Groi Nhỏ, nay là làng Đăk Pơ Nan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) bỏ lửng câu nói. Tôi có cảm giác lời mở đầu câu chuyện của cô giáo làng còn vương nước mắt.
Sinh ra và lớn lên giữa làng phong, nỗi bất hạnh của cuộc đời đã thôi thúc A Nách quyết đưa ánh sáng về làng, viết nên câu chuyện cổ tích từ con chữ.
Trong bóng đêm luật tục
“Mẹ A Nách sinh ra ở làng Groi. Ông Siu Phun “bắt” mẹ A Nách rồi trở thành người làng vợ. Cuộc sống đang yên lành thì cha A Nách mắc bệnh phong. Theo lệ làng, cha mẹ sẽ bị đuổi ra rừng. Cũng may lúc đó trên Kon Tum thành lập trại phong, vậy là cha mẹ dắt díu nhau lên đó.
A Nách và 4 đứa em kế tiếp chào đời trong trại phong. Cuộc sống thật cơ cực nhưng A Nách chẳng có ấn tượng gì bởi còn nhỏ quá. A Nách học đến lớp 3 (trường do các xơ mở) thì Gia Lai và Kon Tum được giải phóng. Mẹ A Nách tìm cách trở về làng cũ. Không có họ hàng, cứ thấy như mất một bên chân một bên tay”. Cả một quãng đời thơ ấu, cô giáo A Nách chỉ nhớ được có thế.
Nhưng đó chỉ mới là khúc dạo đầu của một số phận nhiều đau khổ. Nuôi bao hy vọng, lệ làng hóa ra vẫn như xưa. Cả nhà A Nách vẫn phải sống biệt lập ngoài rừng. Một thời gian sau, 6 gia đình bị bệnh phong tìm đến xin ở cùng, làng được đặt tên là Groi Nhỏ từ đó.
Groi Nhỏ ra đời được 4 mùa rẫy thì A Nách bị cha mẹ ép “bắt” ông Blới làm chồng. Gọi là “ông” bởi Blới lúc đó tuổi đã gần 40, còn A Nách mới 13 mùa rẫy. Thực tình, ông Blới cũng thương A Nách nhưng chắc nghĩ vợ không ưng mình nên ông ghen dữ quá. Thấy người ta cười với A Nách, ông ghen. Người ta đùa chuyện ở đâu, ông cũng ghen. Mà đã ghen vô lối thì A Nách phải cãi.
Ồn ào nhà cửa quá, cha A Nách bảo: “Không cho mày ở chung với thằng Blới nữa thì mới hết cái khổ này”. Vụ việc được đem ra làng xử. Blới đồng ý bỏ vợ nhưng nằng nặc đòi lại con heo nhỏ đã đem làm lễ vật để cưới A Nách.
Già làng nói: “Con A Nách đã làm vợ mày 3 tháng, nó thiệt chứ mày thiệt gì. Đòi lại con heo đã ăn rồi, không thấy xấu hổ à? Blới nghe xong phải chịu. Nhưng chuyện xảy ra làm A Nách nung nấu ý nghĩ quyết tâm đi học. Nếu không tìm cách thoát khỏi làng thì rồi A Nách cũng sẽ gặp một Blới khác thôi.
Tiếng là đã lớp 3 nhưng khi cầm lại sách thì chẳng còn nhớ chữ nữa.Vậy là A Nách phải học lại từ lớp 1. Xong chương trình lớp 9 bổ túc, A Nách được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã. Chuyện buồn dần trôi qua, thấy mình như trẻ lại, A Nách hăng hái lao vào công việc. Thế rồi một dịp tình cờ, A Nách đã gặp H. Cứ tưởng ông trời đã cho hạnh phúc, A Nách có ngờ đâu một khúc tình buồn hơn cả người đàn ông trước lại vướng vào đời mình.
H. cùng tuổi với A Nách. Cuộc sống lúc đầu khá êm thấm. A Nách có ý nguyện là phải sinh cho H. những đứa con thật tốt. Có thai lần đầu, A Nách mừng như cây lúa được mưa. Thế nhưng, chẳng biết sao đứa con lại hỏng. Khó ai tin được trong vòng 8 năm, A Nách có thai đến 11 lần mà đều hỏng cả. Đáng lẽ phải động viên vợ thì H. lại hướng cái buồn sang người khác. Mà oái oăm, người đó lại là em gái của A Nách, tên là A Nưn.
Mà chuyện của A Nưn thì buồn như cây bắp vừa ra quả đã hết mưa. Chồng chết để lại cho A Nưn 4 đứa con. A Nách thương em lắm. Bởi thế mà H. đùa với nó, A Nách bỏ qua. A Nưn nũng nịu, làm dáng với H, cô cũng mặc. Cho nó quên cái buồn chồng chết đi ấy mà! Nhưng rồi, một hôm đi làm về, A Nách thấy H. ngồi buồn. Rồi đột ngột H. hỏi: “A Nưn đi đâu mà tôi tìm không thấy?”. A Nách chưa kịp trả lời thì bỗng dưng H. khóc òa lên. A Nách choáng váng, chờ cho bụng hết run mới gặng hỏi. Lúc đầu. H. còn chối, sau phải thú thật mọi điều.
Chuyện đã đến thế tất nhiên phải đưa ra làng phân xử. “Bây giờ sao?”-ý già làng là phải phạt vạ H, bắt đền A Nưn. Nhưng A Nách không nghĩ nhiều lắm. H. không thương mình nữa, cũng như cái đuốc đã cháy đến tay, không vứt đi được đâu. Còn A Nưn, bắt phạt nó có khác gì cầm dao tự cứa tay mình? A Nách liền thưa với già làng: “Hai người đã thích nhau thì cho, chỉ mong sống thật thà với nhau cho đến già là được”.
Một mình trong căn nhà vắng lặng hun hút gió, đêm đó, ruột gan A Nách như có ai nấu. Đời người đàn bà sao khổ quá. Chẳng phải riêng A Nách, còn bao nhiêu người cũng lắm nỗi buồn. Lớp người như A Nách đành chịu thiệt thòi nhưng lớp người sau không thể thế.
Làm cán bộ phụ nữ, tuy A Nách cũng giúp được nhiều người nhưng chỉ là cái ngọn thôi. Muốn xóa cái gốc của lệ tục lạc hậu thì người ta phải có chữ trong đầu. Ý đã quyết, A Nách lên xã xin nghỉ việc và nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Những con chữ mướt mồ hôi và hạnh phúc
“Năm 1988, A Nách về làng Groi Nhỏ mở lớp”-câu chuyện giữa chúng tôi nối lại sau khoảng lặng xúc động... Học sinh chỉ vỏn vẹn 10 em. Trường học là căn lều tranh nhỏ do dân làng tự dựng. Bàn ghế, bảng làm bằng tre; phấn thì dùng mì khô để viết. Tuy nhiên, việc khó hơn nhiều là giữ cho đám học trò ít ỏi ấy đừng sứt mẻ. Đi học đối với chúng cũng như đến nơi để chơi. Vui thì ở, không thích thì về...
Cứ mỗi sáng, khi con gà vừa xuống đất, cô giáo A Nách đã đến từng nhà để đón học trò. Có đứa vừa thoáng thấy cô giáo đến là lập tức lẻn cửa sau để trốn. Không sáng nào là không có những cuộc “đuổi bắt” giữa cô và trò.
Thế nhưng, việc đó cũng chưa nan giải bằng thời điểm làng vào mùa suốt lúa hay lễ hội. Phải ra nhà mả hay lên tận rẫy để gọi học trò, vậy mà đôi khi còn nuốt phải nước mắt trở về tay không... Kể sao hết những nỗi gian khổ A Nách trải qua, nhưng mỗi khi gặp khó là cô lại nghĩ đến người đàn bà Bahnar, nghĩ đến cuộc đời của những con người còn chìm trong bóng đêm luật tục để tìm lối vượt qua.
Năm 1993, điểm trường tại làng Groi Nhỏ giải thể, cô giáo A Nách được điều chuyển về trường trung tâm. Bắt đầu từ đây, các điểm trường làng lần lượt in dấu chân cô. Tuy nhiên, tình cảnh giống như ở làng Groi Nhỏ không những lặp lại mà còn tệ hơn. Lớp học mái tranh không vách, gió lùa thông thống. Ban đêm, trâu bò vào phóng uế đầy sân, đầy nhà; bẩn cả lên bàn ghế.
Sáng lên lớp, việc đầu tiên của cô giáo A Nách là lau chùi bàn ghế, dọn vệ sinh phòng học. Có hôm làm không xuể, tủi thân quá, A Nách vừa làm vừa khóc. Nhưng, giữ cho học sinh không bỏ học còn khổ nữa. Nhiều làng ở xa, đến nơi đã muốn hụt hơi. Không thể đủ thời gian để đến từng nhà đón học sinh như ở Groi Nhỏ, cô giáo A Nách đành trích một phần tiền lương của mình để mua bánh kẹo “dụ” chúng đi học.
Khó khăn khiến không ít giáo viên phải bỏ nghề, thế nhưng chưa bao giờ cô giáo A Nách ngã lòng. Cứ làng nào khó khăn, cô giáo A Nách lại được điều chuyển đến. Và cái “cửa ải” khó khăn nhất là lớp 1 bao giờ cũng được trao cho cô.
26 năm miệt mài với công việc gieo chữ thầm lặng của một cô giáo làng, A Nách chưa bao giờ nhận được một bông hoa, một món quà nhỏ vào ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Chính xác thì cũng có 1 lần: Đó là gói bánh bích quy giá 5 ngàn đồng của một phụ huynh người Kinh. Hãy còn nhớ như in lúc nhận món quà, cô A Nách đã ôm chầm lấy vị phụ huynh khóc òa lên và nói trong tiếng nấc: “Món quà này em sẽ nhớ suốt đời, chết cũng không quên”.
Thiệt thòi bao nhiêu về mặt tinh thần nhưng cô cảm nhận hạnh phúc từ những điều đơn giản như các em đọc được chữ, biết làm vài phép tính giản đơn. Học trò của cô giáo A Nách bây giờ người vào đại học, người đang học tới thạc sĩ. Chỉ riêng 10 học sinh đầu tiên của làng phong ấy, có người giờ đã là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, người là cán bộ ngân hàng, người là sĩ quan Công an. Những con chữ cô giáo A Nách ươm mầm đã góp phần làm sáng lên cuộc sống trên đất này.
Làng Groi Nhỏ năm nào giờ đã nảy nở thành 63 nóc nhà. Không còn là “ốc đảo” của riêng người bị bệnh phong, Groi Nhỏ bây giờ là nơi sinh sống hòa đồng của những người bình thường từ nơi khác đến. Lại thêm niềm hạnh phúc với cô giáo A Nách là Trạm. Trạm học xong lớp 11 thì nghỉ, lấy vợ và đang từng ngày nhân lên niềm hạnh phúc cho người mẹ từng qua một quãng đời khổ đau.
Câu chuyện giữa tôi và cô giáo A Nách kết thúc vừa đúng giờ tan học. Con đường trước ngõ nhà cô ríu rít tiếng nói cười. Nhìn các em học sinh mặc đồng phục mới, đi xe đạp vun vút và người phụ nữ nhỏ bé, thái dương tóc đã điểm bạc ngồi trước mặt, tôi tưởng như vừa nghe một câu chuyện cổ tích từ thuở xa xăm nào.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/co-tich-tu-con-chu-post302349.html