'Cởi trói' cho doanh nhân khi dính sai phạm hình sự

'Khi vướng phải sai phạm, cần nhìn vào động cơ của doanh nghiệp. Nếu chỉ đơn thuần muốn tạo ra tiềm lực kinh tế...thì ưu tiên giải quyết sai phạm bằng công cụ kinh tế', ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã chia sẻ quan điểm về Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh về vai trò kinh tế của các doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là vấn đề "cởi trói" cho đối tượng này khi dính phải sai phạm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá, sứ mệnh của doanh nhân là tạo ra của cải, việc làm, nguồn lực kinh tế, tạo ra sản phẩm cho xã hội do đó họ sẽ tìm mọi phương thức để thực hiện sứ mệnh này. Đương nhiên, trong quá trình đó sẽ có rủi ro, lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn, có thể là rủi ro về kinh tế hoặc pháp lý.

Vì vậy, khi vướng phải sai phạm, cần nhìn vào động cơ của doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu chỉ đơn thuần muốn tạo ra tiềm lực kinh tế, không vi phạm các quy định của pháp luật, không đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước thì ưu tiên giải quyết sai phạm của họ bằng công cụ kinh tế.

"Áp dụng biện pháp kinh tế trong trường hợp này có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiệt hại", đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định và cho rằng, tư tưởng ưu tiên dùng biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay thế hình sự mà Bộ Chính trị đề ra là có cơ sở, không phải nương nhẹ cho khu vực tư nhân. Những gì nằm giữa ranh giới thì chúng ta nên lựa chọn con đường nào tốt hơn. Nếu xử lý hình sự, người đó phải chịu tội và hết cơ hội để làm lại, không có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại về kinh tế. Trong khi đó, nếu ưu tiên biện pháp xử lý về kinh tế, sẽ mang lại lợi ích hơn nhiều cho nền kinh tế và cho xã hội.

Trong việc xử lý vi phạm, Nghị quyết 68-NQ/TW cũng yêu cầu phải bóc tách trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp, phân tích về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, pháp luật hiện nay không đánh đồng trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp. Xử lý cá nhân sai phạm không có nghĩa bắt doanh nghiệp phải đóng cửa. Tuy nhiên, thực tế có những yếu tố quan hệ với nhau, ví dụ quyết định của cá nhân đó ảnh hưởng tới hoạt động chung của doanh nghiệp, quyền của cá nhân đó bị ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Nếu không xử lý kịp thời, không bóc tách trách nhiệm được sẽ dẫn tới xử lý cá nhân, đồng thời xử lý cả quan hệ của doanh nghiệp.

"Nghị quyết 68-NQ/TW cũng yêu cầu khi xử lý những quan hệ của cá nhân thì những quyền, quan hệ của họ trong hoạt động của doanh nghiệp cần bóc tách ra, để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Một tác động lớn hơn là về tâm lý xã hội. Chính vì khi xử lý người có trách nhiệm tại doanh nghiệp, dư luận thường nhìn nhận doanh nghiệp có vấn đề, doanh nghiệp sẽ bị thanh tra, kiểm tra…. Điều này tạo ra tình trạng khủng hoảng cho doanh nghiệp. Do đó, cần phân định rõ 2 yếu tố đó", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Thiên Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/coi-troi-cho-doanh-nhan-khi-dinh-sai-pham-hinh-su-2103483.html