Cối xay đá trong đời sống đồng bào Tày

Người Tày có câu tục ngữ 'Ăn chốc phia bắng tham tơi cần' nghĩa là 'Một cối đá bằng ba đời người'. Câu này cho thấy sự hiện diện bền bỉ, trường tồn của cối xay đá trong đời sống, sinh hoạt cũng như vòng đời của họ. Thời kỳ trước, khi chưa có điện lưới và các loại máy nghiền bột, máy xay xát gạo thì người Tày đều chế biến lương thực, thực phẩm chủ yếu bằng những chiếc cối đá. Chiếc cối đá là vật gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày chiếc cối đá là vật dụng gia truyền lâu đời. Mặc dù giờ đây có nhiều máy móc thay thế nhưng cối đá xay gạo, ngô, đậu... để chế biến bột làm bánh vẫn được nhiều gia đình sử dụng.

Ông Nông Văn Hoàng, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, người Tày chọn ngày tốt để làm cối xay bởi đây là vật dụng có ý nghĩa tâm linh liên quan đến “của ăn của để” của mỗi gia đình. Trước hết đó là khâu chọn đá cần đạt yêu cầu cao từ độ cứng đến mặt phẳng phải thật mịn. Bởi nếu đá không phẳng, xù xì khi xay sẽ làm hỏng thực phẩm. Vì thế, một tảng đá rất to nhưng có khi chỉ có một khối đá nhỏ có thể làm cối xay được.

Cối xay đá được người Tày thôn Đống Đa, xã Thượng Nông
(Na Hang) sử dụng hằng ngày.

Về cấu tạo của cối xay đá khá đơn giản, gồm 2 thớt đá được làm bằng đá nguyên khối, đục hoàn toàn bằng thủ công. Phần mặt thớt đá đặt chồng lên nhau thì được đục lồi lõm tạo nên các rãnh như răng cưa để khi xay khớp nhau. Nếu cối đá người Mông có phần tay quay khá dài thì người Tày tay quay nhỏ gọn khoảng 70 cm, nguyên liệu là bằng gỗ.

Theo ông Hoàng thì làm 1 chiếc cối xay thường do người đàn ông trụ cột gia đình thực hiện và mời cánh trai tráng trong bản tham gia trong khoảng 1 ngày. Người Tày thường đặt cối xay dưới gầm nhà sàn, phía bên phải gian nhà với mong muốn cuộc sống thuận hòa, ngô lúa đầy bồ.

Cối xay gắn bó trong đời sống đồng bào Tày nên rất được coi trọng. Khi sử dụng xong phải lau rửa sạch sẽ, gọn gàng; người lớn hay trẻ nhỏ đều không được phép ngồi vào cối xay. Khi kén vợ, chàng trai luôn mong muốn tìm được cô gái khỏe mạnh, dẻo dai, khéo léo biết xay các loại ngũ cốc để làm bánh. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá người phụ nữ đảm đang biết lo toan gánh vác việc nhà.

Cuộc sống phát triển, nhiều gia đình xay bột bằng máy nhưng nhiều gia đình người Tày vẫn sử dụng cối xay truyền thống bởi độ mịn của bột. Bà Hoàng Thị Chàm, thôn Đống Đa, xã Thượng Nông (Na Hang) chia sẻ: “Bây giờ đã có máy xay xát bằng điện nên chúng tôi không phải vất vả xay gạo bằng cối đá nữa. Nhưng khi làm các loại bánh (bánh gai, bánh dày, bánh rán, bánh trôi…) vào dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng Bảy hay các dịp lễ hội trong năm thì vẫn sử dụng cối xay bằng đá vì giữ được hương vị bánh thơm ngon, bột tươi và mịn hơn”.

Mỗi dịp lễ Tết, một số gia đình người Tày vẫn thường quây quần cùng nhau, nhà nào không có cối đến xay nhờ nhà kia. Cối đá từ lâu đã trở thành biểu tượng đoàn kết, gắn bó cũng như nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày.

Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/coi-xay-da-trong-doi-song-dong-bao-tay-139993.html