Cơm tấm Phúc Lộc Thọ 'xưng vương'

Soán ngôi Cali và Kiều Giang, Phúc Lộc Thọ 'xưng vương' và trở thành thương hiệu cơm tấm lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Trong cuộc đua giành thị phần của thị trường cơm tấm tại TP.HCM, khi Kiều Giang và Cali đang cố gắng duy trì những chi nhánh cuối cùng, Phúc Lộc Thọ lại bứt tốc đến kinh ngạc.

Năm 2005, Phúc Lộc Thọ chỉ được biết đến tại con đường không quá sầm uất gần chợ Thủ Đức. Ngày đó, quán cơm do ba mẹ đứng chính, hai anh em anh Phan Sỹ Thi và Phan Sỹ Quý còn là học sinh trung học phổ thông.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học và từ chối một công việc tốt, anh Phan Sỹ Thi bàn bạc với anh trai, quyết định thử sức mở một mô hình kinh doanh bài bản. Để rồi, tháng 12/2012, tiệm cơm tấm mang tên Phúc Lộc Thọ đầu tiên chính thức ra đời tại đường Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức).

Ngay từ việc đặt tên, cả hai anh em đã ấp ủ làm sao để Phúc Lộc Thọ không chỉ là một điểm bán, mà phải phủ khắp TP.HCM và hơn thế. Mục tiêu này bước đầu được hiện thực hóa qua việc thành lập Công ty Cổ phần thực phẩm Phúc Lộc Thọ, do anh Phan Sỹ Thi làm người đại diện pháp luật.

Những ngày đầu thành lập, cả hai anh em dồn hết vốn liếng và công sức để phát triển chi nhánh bài bản. Với công thức ướp thịt gia truyền từ ba mẹ, cộng với việc giá “mềm” so với thị trường, Phúc Lộc Thọ nhanh chóng được lòng khách hàng.

May mắn khi chi nhánh đầu tiên phát triển ngoài mong đợi, hai anh em một lần nữa quyết định đánh liều, gom hết đồng lời mở chi nhánh thứ hai, chỉ sau 4 tháng. Chi nhánh thứ hai được mở tại đường Kha Vạn Cân, cách chi nhánh đầu tiên không xa. Quy mô hoành tráng hơn, lên đến 150m2, có thể phục vụ đến 70 lượt khách cùng một thời điểm.

Cứ thế, đến năm 2018, Phúc Lộc Thọ có 6 chi nhánh, phân bổ chủ yếu ở khu Đông TP.HCM. Lúc này, hai anh em nhà Phúc Lộc Thọ mới tạm vượt qua giai đoạn khó khăn của “cơm - áo - gạo - tiền”.

Xác định để đi được đường dài và phát triển vững mạnh, cần có tầm nhìn rộng hơn. Giai đoạn này hai ông chủ của Phúc Lộc Thọ dành thời gian đến nhiều thị trường để quan sát.

“Tôi luôn ngưỡng mộ khi thấy các thương hiệu ẩm thực đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Trong khi đó, phần lớn món Việt lại chưa được nhân rộng thành chuỗi và rất ít thương hiệu có chỗ đứng ngay trên chính quê hương mình. Nhiều lúc tôi tự hỏi rằng, liệu 10 - 20 năm nữa, những gánh bún, gánh xôi hay xe bánh mì có còn được tiếp nối từ thế hệ con cháu?”, anh Phan Sỹ Thi trăn trở.

Sau khi đánh giá thị trường một cách toàn diện, hai anh em nhà Phúc Lộc Thọ trở lại đường đua với tâm thế tự tin hơn.

Trong khoảng những năm 2020 - 2021, Phúc Lộc Thọ phát triển như vũ bão về cả quy mô và chất lượng sản phẩm.

Đến năm 2022, thương hiệu này cán mốc con số 44 chi nhánh tại TP.HCM. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm (2018 - 2022), Phúc Lộc Thọ này đã mở thêm 38 chi nhánh.

Trên nhiều diễn đàn, Phúc Lộc Thọ được khách hàng đánh giá cao, không kém cạnh “đàn anh, đàn chị” Cali và Kiều Giang khi vị ngon đậm đà, thịt chất lượng, cơ sở vật chất hoành tráng, song giá chỉ ở phân nửa.

Ghi nhận thời điểm hiện tại (tháng 6/2024), một dĩa cơm tấm sườn nướng than hoa chuẩn vị Sài Gòn ở Phúc Lộc Thọ có giá 39 nghìn đồng. Trong khi đó, ở Cali và Kiều Giang có giá lần lượt là 79 và 59 nghìn đồng.

Xét khách quan, mô hình quán ở Cali và Kiều Giang đều có máy lạnh, suất ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, Phúc Lộc Thọ vẫn được khách hàng đánh giá cao khi không gian rộng rãi, thoáng mát như một nhà hàng tầm trung.

Với đội ngũ hơn 600 nhân viên, hiện Phúc Lộc Thọ đang thu hút hơn nửa triệu lượt khách mỗi tháng. “Soán ngôi” Cali và Kiều Giang, Phúc Lộc Thọ “xưng vương” và trở thành thương hiệu cơm tấm lớn nhất Việt Nam.

Phúc Lộc Thọ hiện đang hoạt động bếp trung tâm với quy mô hơn 2000m2 để đồng nhất chất lượng trên toàn hệ thống. Sau nhiều lần đầu tư gần 1 triệu USD vào bếp trung tâm, ông chủ Phúc Lộc Thọ cho biết đã sẵn sàng công suất cho 100 cửa hàng sắp tới.

“Nếu để ý sẽ thấy những chuỗi F&B hàng đầu thế giới như McDonald, KFC… đều là những chuỗi nhượng quyền. Để chinh phục thị trường Việt Nam cũng như mở rộng ra quốc tế, Phúc Lộc Thọ cũng đã lên chiến lược nhượng quyền từ nhiều năm nay. Và lúc này là thời điểm chín muồi để bắt tay vào thực hiện”, CEO Phúc Lộc Thọ nhận định.

Mới đây nhất, ngày 15/6, Phúc Lộc Thọ đã khai trương chi nhánh nhượng quyền đầu tiên tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Theo kết quả được doanh nghiệp này tiết lộ, trong 10 ngày đầu khai trương, chi nhánh tiên phong đã nhận về khoảng 500 khách/ngày. Dự kiến tỷ suất lợi nhuận sẽ đạt 80-100%/năm đối với cửa hàng này.

Phản ứng thị trường trong tuần đầu khai trương đã khẳng định độ nhận diện mạnh mẽ của thương hiệu cơm tấm Phúc Lộc Thọ. Lần đầu tiên “vượt biên” khỏi TP.HCM, lấn sân sang các tỉnh thành lân cận, đây là kết quả tích cực mà nhiều doanh nghiệp F&B ao ước đạt được.

Ông chủ Phúc Lộc Thọ cũng “bật mí” về mục tiêu gần đã được đặt ra cho chiến lược nhượng quyền, đó là từ nay tới cuối năm 2024 sẽ tiếp tục “chào sân” 10 chi nhánh. Các chi nhánh này không chỉ tọa lạc tại TP.HCM mà còn ở Đồng Nai, Lâm Đồng và Hà Nội. Xa hơn, trong 5 năm tới, thương hiệu này đặt mục tiêu sẽ cán mốc 100 chi nhánh nhượng quyền.

Tùy vào diện tích và quy cách của mặt bằng cũng như nguồn lực của nhà đầu tư, Phúc Lộc Thọ sẽ tư vấn mô hình kinh doanh phù hợp.

Trong lĩnh vực F&B, đã có không ít thương hiệu phải nhận thua trong chiến dịch nhượng quyền, vì nhiều lý do. Song, lý do được nói đến nhiều nhất là các đối tác nhận nhượng quyền không đảm bảo nguyên tắc về chất lượng và cách thức hoạt động mà thương hiệu đặt ra.

Tuy nhiên, với lo lắng này, Phúc Lộc Thọ lại tự tin rằng đối tác sẽ luôn thắng khi có sự bảo trợ tối đa từ thương hiệu, và đồng hành chia sẻ rủi ro. Đồng thời, nghiên cứu sản phẩm và phát triển kinh doanh cùng đối tác; nhận trách nhiệm vận hành, quản lý, xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân viên cùng đối tác.

Giấc mộng đưa thương hiệu cơm tấm Phúc Lộc Thọ phủ khắp TP.HCM của 12 năm trước đã thành hiện thực. Lần này, anh em nhà Phúc Lộc Thọ tiếp tục nuôi giấc mộng lớn hơn.

Không chỉ dừng lại ở 100 chi nhánh nhượng quyền, không chỉ dừng ở thương hiệu cơm tấm, Phúc Lộc Thọ đặt mục tiêu mở 500 cửa hàng món Việt trong 5-10 năm tới. Theo đó, ngoài cơm tấm, Phúc Lộc Thọ đặt mục tiêu phát triển thêm các thương hiệu món Việt khác như: Phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang…

“Như cách đã phát triển hệ thống cơn tấm, nếu thuận lợi, chúng tôi hy vọng mỗi thương hiệu món Việt trong hệ thống Phúc Lộc Thọ sẽ đạt khoảng 50-100 cửa hàng. Không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế, điều này sẽ đưa ẩm thực Việt lên một vị thế mới.

Về nhân lực và hệ thống, hiện chúng tôi đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu tài lực. Muốn đi xa, đi nhanh và nắm bắt được cơ hội, chắc chắn chúng tôi cần sự đồng hành của các đối tác quỹ đầu tư. Hiện tại, chúng tôi bắt đầu khởi động làm việc với đơn vị tư vấn và dần tiếp xúc một số đối tác”, ông chủ Phúc Lộc Thọ cho hay.

Từng đóng cửa 8 chi nhánh sau dịch COVID-19

Sau thời gian phát triển nóng, không nằm ngoài khó khăn chung của thị trường, cơm tấm Phúc Lộc Thọ cũng từng phải đóng cửa 8 chi nhánh. Tuy nhiên, tần suất của việc đóng cửa không diễn ra liên tục như “đàn anh” Cali và “đàn chị” Kiều Giang.

Các chi nhánh bị đóng cửa của Phúc Lộc Thọ xảy ra hầu hết sau đại dịch COVID-19, vì thất bại trong việc đàm phán giảm giá thuê mặt bằng với chủ nhà. Song song đó, thương hiệu này cũng mở thêm các chi nhánh mới.

Tháng 4/2022, để vượt qua cơn suy thoái sau đại dịch COVID-19, cơm tấm Phúc Lộc Thọ nhận nguồn đầu tư từ đối tác Võ Chí Hiền.

==> Mời quý vị đón đọc kỳ 3: Cơm tấm Kiều Giang và Cali trở lại đường đua

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/com-tam-phuc-loc-tho-xung-vuong-ar879410.html