Con gái nhà thơ Quang Dũng xúc động nói chuyện về cha và văn hóa đọc

Kinhtedothi – Nhà thơ Bùi Phương Thảo, con gái cố nhà thơ Quang Dũng – tác giả của bài thơ nổi tiếng 'Tây tiến' xúc động khi nói chuyện về cha mình nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).

Ngày 18/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng tổ chức trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023”. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền và Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nguyễn Thị Thủy thăm khu trưng bày sách.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền và Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nguyễn Thị Thủy thăm khu trưng bày sách.

Với thông điệp “Sách là kho tàng tri thức”, “Sách mở ra trước mắt ta những kho tàng tri thức”, không gian trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023” được thiết kế ấm cúng, trang trọng tại sảnh Nhà hát Đan Phượng và chia thành các cụm chủ đề.

Trong trưng bày lần này, hơn 500 ấn phẩm, với số lượng lớn tư liệu và hiện vật có giá trị lịch sử được giới thiệu đến công chúng. Trong đó có nhiều cuốn sách, tư liệu quý phác họa về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao, cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam; những thành quả của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Đan Phượng trong học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ khi người về thăm cho đến nay.

Đặc biệt, năm nay, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng còn trưng bày 23 ấn phẩm “Văn nghệ Đan Phượng”. Sự ra đời liên tục của các ấn phẩm "Đan Phượng thơ", "Văn nghệ Đan Phượng" hơn 20 năm qua là minh chứng khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo huyện đối với ngành văn hóa cũng như với các văn nghệ sĩ trong và ngoài huyện. Qua đó tạo động lực góp phần xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên phát biểu tại sự kiện.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên phát biểu tại sự kiện.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn trưng bày các ấn phẩm về lịch sử địa phương của huyện, các xã, thị trấn cùng những ấn phẩm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên cho biết, sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống.

“Sách vừa là bạn, vừa là thầy, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Dù ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học là một trong những phương cách để hoàn thiện bản thân, tiến bộ trong cuộc sống và để đóng góp vào phát triển xã hội” – bà Bùi Thị Quyên chia sẻ.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách.

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.

“Các tác phẩm trong gian trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023” với nhiều nội dung khác nhau về lịch sử, văn hóa, địa danh, con người… huyện Đan Phượng được xuất bản trong hơn 20 năm qua là nguồn động lực to lớn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Đan Phượng vững tin vào đường lối của Đảng, hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên bày tỏ.

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa xứ Đoài

Nhà thơ Bùi Phương Thảo giới thiệu tuyển tập "Mây đầu ô" của cha mình - cố nhà thơ Quang Dũng.

Nhà thơ Bùi Phương Thảo giới thiệu tuyển tập "Mây đầu ô" của cha mình - cố nhà thơ Quang Dũng.

Trong khuôn khổ trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023”, các đại biểu rất xúc động khi được nghe nhà thơ Bùi Phương Thảo – con gái cố nhà thơ Quang Dũng chia sẻ những về những tác phẩm thơ văn, nhạc họa của cha mình cũng như mạch nguồn văn hóa xứ Đoài.

Nhà thơ Quang Dũng sinh ngày 11/10/1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng. Do đó, trong thơ văn của ông cũng chứa đựng nhiều rất nhiều sắc màu của văn hóa xứ Đoài, được trao truyền, tiếp nối cho thế hệ con cháu. Trong bộ áo dài tím nền nã, mái tóc tém trẻ trung, nữ nhà thơ Bùi Phương Thảo xúc động chia sẻ niềm vui và tự hào khi được trở lại quê hương của cha mình.

Nhà thơ Bùi Phương Thảo chụp ảnh cùng các đại biểu.

Nhà thơ Bùi Phương Thảo chụp ảnh cùng các đại biểu.

“Tôi còn tham gia Câu lạc Văn nghệ sĩ xứ Đoài, Câu lạc bộ Văn nghệ xứ Đoài, chi nhánh Đan Phượng… Do đó, mỗi khi nhận được lời mời tham gia sự kiện, hoạt động liên quan đến văn nghệ, văn hóa đọc của Đan Phượng, tôi rất vui, cảm thấy mình như đang sinh sống ở quê” – nhà thơ Bùi Phương Thảo tâm sự.

Trong không gian đậm nét văn hóa của sách, giữa nhiều đại biểu, độc giả yêu sách, nhà thơ Bùi Phương Thảo say sưa nói chuyện về cuốn sách “Mây đầu ô”, một tác phẩm vô cùng đặc biệt với gia đình nhà thơ Quang Dũng.

“Gia đình tôi làm tuyển tập “Mây đầu ô” trong hơn 2 năm, chuẩn bị từ năm 2018, đến năm 2019 đi in, định ra đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông vào năm 2021 nhưng vì dịch Covid-19 và một số lý do khác, mãi tới giữa năm 2022, tôi mới nhận được sách. Đây là cuốn sách đẹp nhất, dày dặn nhất, là sự tri ân của con cháu với người cha, người ông có những cống hiến lớn cho văn học nước nhà” – nhà thơ Bùi Phương Thảo chia sẻ.

Trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023” kéo dài đến 21/4.

Trưng bày “Sách và các ấn phẩm huyện Đan Phượng năm 2023” kéo dài đến 21/4.

Đặc biệt, lần đầu tiên gia đình đưa bút tích hai tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng là “Tây tiến” và “Mắt người Sơn Tây” vào tuyển tập “Mây đầu ô”.

Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị về văn hóa đọc, nhà thơ Bùi Phương Thảo cho biết, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, thông tin trên mạng nhanh hơn, phong phú hơn, nhiều thứ hấp dẫn con người. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là ở chỗ, ngoài thông tin chính thống, còn có những thông tin không chính thống, hướng người đọc quan niệm, nhìn nhận, đánh giá sai lầm về chính thế hệ của mình.

Từng đi nói chuyện về văn hóa đọc ở nhiều nơi, nhiều trường học nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, theo nhà thơ Bùi Phương Thảo, cần đặt lại dấu ấn về sách đối với thế hệ trẻ người Việt. Có thể bằng cách chọn một vài cuốn sách thật hay, hấp dẫn, có ý nghĩa, phù hợp với những lứa tuổi như trẻ em, học sinh, người lớn để giới thiệu.

“Văn chương không có tuổi. Văn chương là dấu ấn của một thời đại, nếu là văn chương chính thống, đi vào lòng người, có giá trị nhân sinh quan, thế giới quan, có giá trị đích thực thì sẽ tồn tại mãi mãi. Ví dụ như tác phẩm “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng được đưa vào sách giáo khoa một lần nữa đã khẳng định điều đó. Bởi “Tây tiến” mang hơi thở thời đại, mang sức sống của ngày đầu toàn quốc kháng chiến, để chúng ta có được ngày hôm nay” – nhà thơ Bùi Phương Thảo chia sẻ.

Nhà thơ Bùi Phương Thảo tặng sách cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng.

Nhà thơ Bùi Phương Thảo tặng sách cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng.

Cũng chia sẻ về văn hóa đọc, với tư cách cô giáo dạy Văn, Trường THPT Đan Phượng, cô Đặng Thị Minh Nguyệt bày tỏ, việc trưng bày sách, trong đó có nhiều sách của quê hương Đan Phượng là hoạt động rất ý nghĩa, nên được lan tỏa rộng rãi đến học sinh.

“Người Đan Phượng ham đọc sách, yêu văn chương nhưng với tuổi trẻ hôm nay do sự phát triển của công nghệ thông tin, văn hóa đọc sẽ bị ảnh hưởng. Với những buổi trưng bày sách, học sinh ở các trường THPT, kể cả cấp dưới sẽ có một địa chỉ hấp dẫn để lan tỏa văn hóa đọc. Đặc biệt hơn là trong số những đầu sách đó, có đầu sách rất bổ ích với các em. Đó là sách của tác giả quê Đan Phượng viết về quê hương, về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương” – cô Đặng Thị Minh Nguyệt bày tỏ.

Toàn huyện Đan Phượng hiện có 126 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật đang sinh hoạt với nhiều loại hình khác nhau, thu hút hàng nghìn hội viên tham gia với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Từ những câu lạc bộ này, đã có nhiều tác phẩm, ấn phẩm được hình thành, ra mắt tới đông đảo độc giả trong và ngoài huyện.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/con-gai-nha-tho-quang-dung-xuc-dong-noi-chuyen-ve-cha-va-van-hoa-doc.html