Con trẻ nghỉ hè, cha mẹ âu lo

Trái với tâm lý vui mừng của trẻ em khi được nghỉ ngơi sau một năm học vất vả, các bậc phụ huynh lại lo lắng với việc quản lý, chăm sóc và trông con trong dịp hè. Khi con nghỉ học, bố, mẹ vẫn phải đi làm. Để quản lý các con an toàn đã khó, giúp con có kỳ nghỉ hè vui chơi, giải trí thú vị và bổ ích lại càng khó hơn.

Dạy trẻ kỹ năng bơi lội góp phần phòng, tránh tai nạn đuối nước

Dạy trẻ kỹ năng bơi lội góp phần phòng, tránh tai nạn đuối nước

Mặc dù cuối tháng 5 mới kết thúc năm học nhưng chị Nguyễn Thị Thanh ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động) đã đôn đáo tìm lớp học thêm cho con. Chị Thanh tâm sự: "Tôi có con trai năm nay học lớp 3, để con ở nhà một mình không yên tâm. Vì thế tôi nhờ cô giáo vừa dạy dỗ vừa trông con trong dịp hè". Con được nghỉ hè trong khi các bậc phụ huynh vẫn phải bận rộn với bộn bề công việc thì việc làm sao để con có kỳ nghỉ hè vui, khỏe, bổ ích và an toàn là điều không hề đơn giản. Đặc biệt là khi các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm bồi dưỡng năng khiếu dành cho trẻ em còn thiếu. Hơn nữa, việc cho con tham gia các môn học năng khiếu tại trung tâm cũng gặp không ít khó khăn. Do mỗi buổi học thường chỉ khoảng 2 tiếng, khiến việc đưa, đón con đến các trung tâm để tham gia khóa học cũng có nhiều bất cập. Vì vậy, nhiều phụ huynh không “mặn mà” với việc cho con đi học các môn năng khiếu trong dịp hè.

Có 2 con nhỏ đang học lớp 3 và nhà trẻ 5 tuổi nhưng mỗi khi hè về, chị Trần Thị Hoa ở phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) lại chọn cách cho các con ở nhà xem ti vi, điện thoại. Chị Hoa cho biết, vợ, chồng chị làm công nhân của một công ty may, đi làm từ 7h đến 19h mới về nhà. Khi đi làm, anh chị khóa cửa ở bên ngoài, để cho 2 cháu ở nhà xem ti vi, điện thoại. Biết cho con ở nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng ông, bà thì ở xa, lại già yếu nên chị Hoa không có cách nào khác là "nhốt" con ở nhà làm bạn với chiếc ti vi. Việc để trẻ ở nhà một mình tự chơi cũng rất nguy hiểm, cho các cháu chơi cùng nhau cũng không yên tâm. Bởi đã có trường hợp trẻ ở nhà gặp tai nạn về điện, nước, lửa; trẻ chơi trong các khu dân cư gặp tai nạn, đánh nhau hoặc có thể bị kẻ xấu lừa. Các em lớn hơn, ở độ tuổi học sinh THCS, THPT được nghỉ hè, cha mẹ không giám sát, quản lý chặt chẽ dễ sa đà vào trò chơi điện tử, game online.

Kỳ nghỉ hè chưa bắt đầu nhưng những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ học sinh bị đuối nước thương tâm tại huyện Tiên Lữ và thị xã Mỹ Hào, khiến phụ huynh học sinh lo lắng.

Chị Trần Thị Lan ở xã Hải Thắng (Tiên Lữ) bày tỏ: Bậc làm cha, mẹ, ai cũng muốn quan tâm tới con nhưng do điều kiện công việc nên tôi không thể thường xuyên ở bên con. Mặc dù, cấm con không được ra sông tắm nhưng khi đi làm tôi vẫn phấp phỏng không biết con có trốn để đi tắm sông cùng các bạn không.

Thực tế cho thấy, trong dịp hè, trẻ bị tai nạn thương tích, đuối nước năm nào cũng tái diễn. Việc thiếu sân chơi, thiếu sự giám sát của người lớn, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn luôn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con trẻ.

Theo những giáo viên dạy môn kỹ năng và tâm lý giáo dục, kỳ nghỉ hè nên để cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi lành mạnh…theo nhu cầu, sự yêu thích của các em. Bởi ngoài việc học văn hóa, trẻ em còn rất nhiều thứ khác có thể học và cần được trang bị trong các tháng nghỉ hè quý giá - những điều mà trường học hiện nay chưa đủ thời gian để dạy cho các em. Cha mẹ nên xem xét, dựa trên thực tế nhu cầu của con, em mình, có thể tìm cho con các khóa học về kỹ năng sinh tồn, tự chủ; kỹ năng tự phục vụ bản thân; các khóa học giao tiếp, học kỳ quân đội; kỹ năng chống xâm hại, bạo lực; các khóa âm nhạc, học múa, vẽ, võ, học bơi… để trẻ bộc lộ cá tính, năng lực và điểm mạnh. Đó là một cách giúp các con phát triển toàn diện và phát hiện năng khiếu, từ đó làm cơ sở để có thể phát huy sở trường, năng khiếu đó trong tương lai. Đó cũng là một trong những cách quản lý con phù hợp, giúp trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, thực sự vui tươi và bổ ích.

Phúc Hưng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/con-tre-nghi-he-cha-me-au-lo-3181204.html