Công bố Pháo đài Đồng Đăng - Di tích lịch sử quốc gia

Lạng Sơn vừa khai mạc Lễ hội Đồng Đăng năm 2025 và công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Pháo đài Đồng Đăng.

Tối 6/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại thị trấn Đồng Đăng, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) tổ chức khai mạc Lễ hội Đồng Đăng, khai trương Phố đi bộ Đồng Đăng năm 2025 và Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia "Di tích lịch sử Pháo đài Đồng Đăng".

Trao Bằng công nhận di tích Pháo đài Đồng Đăng là Di tích lịch sử cấp quốc gia cho lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Ảnh: baolangson.vn

Trao Bằng công nhận di tích Pháo đài Đồng Đăng là Di tích lịch sử cấp quốc gia cho lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Ảnh: baolangson.vn

Công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Pháo đài Đồng Đăng - Khai trương Phố đi bộ Đồng Đăng năm 2025

Lễ hội Đồng Đăng được chọn là lễ hội điểm của huyện Cao Lộc năm 2025, được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm gắn liền với di tích đền Mẫu Đồng Đăng, nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo - tín ngưỡng cầu mong sự may mắn, an bình, thịnh vượng.

Lễ hội Đồng Đăng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng đặc sắc, là điểm đến lý tưởng của du khách trong hành trình du lịch nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn.

Tại lễ khai hội, Di tích lịch sử Pháo đài Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 4313 ban hành ngày 31/12/2024.

Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) nằm trên một ngọn đồi cạnh Ga Đồng Đăng và QL4A dẫn vào thị trấn. Đây là một công trình quân sự vô cùng kiên cố, có lô cốt nhìn ra bốn hướng và hệ thống đường hầm chìm trong lòng núi. Phần nổi là những cụm lô cốt kiên cố với lỗ châu mai nhô lên trên đỉnh núi.

Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) nằm trên một ngọn đồi cạnh Ga Đồng Đăng và QL4A dẫn vào thị trấn. Đây là một công trình quân sự vô cùng kiên cố, có lô cốt nhìn ra bốn hướng và hệ thống đường hầm chìm trong lòng núi. Phần nổi là những cụm lô cốt kiên cố với lỗ châu mai nhô lên trên đỉnh núi.

Di tích Pháo đài Đồng Đăng do Thực dân Pháp xây dựng từ năm 1940, thuộc loại hình di tích lịch sử. Pháo đài Đồng Đăng được xây dựng thành 3 tầng, chiều rộng 60m, chiều dài 100m; bên trong được thiết kế phức tạp.

Tầng cao nhất được thiết kế làm nơi quan sát, tầng thứ hai có đủ các phòng và lỗ châu mai để chiến đấu, tầng thứ 3 là nơi chứa quân trang, đạn dược, lương thực, phòng họp...

Theo tư liệu lịch sử, trong thời gian chống thực dân Pháp, pháo đài Đồng Đăng trở thành lô cốt “bất khả xâm phạm”. Nhiều lần quân dân ta đánh chiếm pháo đài nhưng đều thất bại. Đến năm 1944-1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, quân dân ta được lệnh khởi nghĩa và chiếm được pháo đài.

Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại đô hộ nước ta, chúng đã cướp lại pháo đài và biến nơi đây thành một căn cứ quân sự vững chắc trong tuyến phòng thủ quân sự hành lang biên giới phía bắc.

Trong chiến dịch Biên giới 1950, quân dân ta chiến thắng ở Đông Khê (Cao Bằng), Thất Khê (huyện Tràng Định, Lạng Sơn), quân Pháp phải rút chạy về xuôi theo đường số 4. Đến thị trấn Đồng Đăng, chúng đã kịp dùng thuốc nổ để phá hoại pháo đài nhằm không cho quân ta chiếm giữ một điểm quân sự quan trọng.

Do được thiết kế kiên cố bằng bê-tông cốt thép nên pháo đài chỉ bị hư hỏng nhẹ. Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, Pháo đài Đồng Đăng bị phá hủy ở mặt trên, 4 cửa ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc đều bị đổ nát, chỉ còn 2 cửa đông và tây có lối xuống hầm. Trong trận đánh này, đối phương đã dùng khoảng 10 tấn thuốc nổ đánh sập cửa pháo đài, làm cho pháo đài bị hư hại nghiêm trọng.

Năm 2002 Pháo đài Đồng Đăng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đến ngày 31/12/2024 di tích Pháo đài Đồng Đăng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 4313/QĐ-BVHTTDL của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Dự án phố đi bộ Đồng Đăng - Điểm hẹn văn hóa độc đáo nơi biên giới.

Dự án phố đi bộ Đồng Đăng - Điểm hẹn văn hóa độc đáo nơi biên giới.

Cũng tại lễ hội, các đại biểu đã cắt băng khai trương Phố đi bộ Đồng Đăng trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ, đường Nam Quan, ngõ 5 đường Hoàng Văn Thụ và ngõ 6 Nam Quan thị trấn Đồng Đăng với tổng chiều dài 1.442m. Có 230 hộ đăng ký tham gia buôn bán về đêm khi tuyến phố bắt đầu đi vào hoạt động. Đồng thời mở 26 kiot trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Phố đi bộ Đồng Đăng được phân thành các khu vực như: khu mua sắm; khu ẩm thực; khu biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và Khu trò chơi dân gian. Trong đó, kết hợp hài hòa giữa yếu tố tâm linh của đền mẫu Đồng Đăng, sự sôi động của chợ Đồng Đăng cùng vị trí địa lý thuận lợi hứa hẹn sẽ tạo nên một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.

Thời gian tổ chức Phố đi bộ từ 18 đến 24 giờ các tối thứ 7, Chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, tết.

Tại Lễ hội Đồng Đăng, nhiều hoạt động văn hóa đã diễn ra tại Phố đi bộ Đồng Đăng như: các tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, thi đấu các môn thể thao dân tộc và các gian hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, ẩm thực tiêu biểu của Lạng Sơn như: lợn quay, vịt quay, khau nhục, khẩu sli... và các gian hàng trưng sản sản phẩm thủ công truyền thống, trang phục dân tộc... Các hoạt động này góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025.

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cong-bo-phao-dai-dong-dang-di-tich-lich-su-quoc-gia-179250207105349239.htm