Cồng Chiêng - lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của người Mường ở Hòa Bình

Cồng chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc, đầy sức hấp dẫn của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Từ bao đời nay, âm thanh cồng chiêng luôn gắn liền với phong tục, tập quán, lễ nghi trong đời sống tâm linh của người Mường. Văn hóa cồng chiêng được sáng tạo và lưu truyền hàng nghìn năm trong đời sống cộng đồng người Mường, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

Chiêng Mường đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường

Chiêng Mường đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường

Lan tỏa giá trị di sản văn hóa chiêng Mường

Cồng chiêng có vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống của người Mường Hòa Bình. Đối với người dân tộc Mường Hòa Bình, Chiêng Mường là "vật gia bảo" của tổ tiên nhiều đời để lại. Người Mường quan niệm đó là những chiếc chiêng thiêng, chiêng "thân". Trong các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh, họ phải sử dụng những chiếc chiêng thiêng đó để có thể kết nối con người với trời đất, tổ tiên. Không những vậy, Chiêng Mường còn có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ của con người.

Cồng chiêng là một loại nhạc cụ, được trình diễn dưới dạng nghệ thuật dân gian đặc sắc, là sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được trình diễn và gắn kết trong không gian văn hóa dân tộc Mường thông qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội mang tính tập thể, cộng đồng và có sự lan tỏa rộng lớn.

Một lễ hội truyền thống của người Mường ở Hòa Bình

Một lễ hội truyền thống của người Mường ở Hòa Bình

Từ bao đời nay, tiếng chiêng ngân lên vang vọng vào vách núi, len lỏi vào từng bờ cây, ngọn cỏ như một sự hòa quyện cùng thiên nhiên không thể thiếu đối với bà con dân tộc Mường Hòa Bình. Bởi thế, trong những đêm giao thừa, sáng mồng một Tết, hoặc những ngày lễ rửa lá lúa, lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới đều có tiếng Chiêng Mường… Tiếng chiêng đi theo cả cuộc đời của một người, cất tiếng vui tươi, lảnh lót khi có trẻ mới sinh, rồi lại trầm đục, ngân vang tiễn đưa những người về với Mường trời.

Người Mường đánh chiêng trong hội Sắc bùa vào đầu năm mới, trong lễ cưới, đám tang, trong khi kéo gỗ hay kéo cột nhà giúp người làm nhà mới, khai trương... Tiếng cồng chiêng có thể tạo thêm nhiều không khí khác nhau như: tưng bừng, náo nhiệt, trang nghiêm, buồn thảm…

Người Mường dùng tiếng cồng chiêng để thông báo nhanh những công việc hệ trọng nào đó theo quy ước của bản làng như có thiên tai, địch họa bất ngờ, hoặc trong gia đình có việc buồn, việc hiếu. Tiếng cồng, tiếng chiêng có thể khích lệ, gây hào hứng, động viên mọi người dốc sức vượt qua khó khăn, trở ngại. Cồng chiêng Mường được đánh bài bản để tạo thành giai điệu đặc trưng, dặt dìu, ngân nga, trầm lắng đi vào lòng người. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật, hồn thiêng, khí chất trong ngôi nhà của mình và được giữ gìn, lưu truyền qua các thế hệ.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hiện có trên 11.000 chiếc chiêng, tập trung ở 4 Mường lớn của tỉnh: Mường Bi - Tân Lạc, Mường Vang - Lạc Sơn, Mường Thàng - Cao Phong, Mường Động - Kim Bôi và một số địa phương như Lương Sơn, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình…

Theo các nhà nghiên cứu, Chiêng Mường ra đời cùng với niên đại của trống đồng Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000 năm, từ thời người Việt Mường cổ. Từ trong quá trình lao động sản xuất và đời sống văn hóa, người Mường đã xây dựng nên một nền nghệ thuật chiêng đặc sắc với những phương thức trình tấu, trình diễn độc đáo. Người Mường đã tinh tế và thành tâm đặt giá trị của giàn chiêng và âm nhạc chiêng vào những vị trí quan trọng của hầu hết các sinh hoạt đời sống như: trong lao động, sản xuất, chiến đấu, trong phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội... Chiêng và âm nhạc chiêng thấm sâu vào vòng đời của mỗi con người và cả cộng đồng dân tộc.

Ông Bùi Thanh Bình, nhà nghiên cứu văn hóa Mường, Giám đốc Bảo tàng Tư nhân Văn hóa Mường Hòa Bình cho biết: “Chiêng Mường là một loại hình văn hóa độc đáo, chứa đựng trong đó những linh thiêng, huyền diệu trong văn hóa dân gian và trong đời sống của người Mường. Trong quá trình tồn tại hàng nghìn năm thì chính Chiêng Mường đã làm nên bản sắc văn hóa, bản sắc riêng độc đáo của người Mường. Do vậy, Chiêng Mường được xem là vật báu, là hồn thiêng của dân tộc Mường. Chiêng Mường có mặt ở tất cả các gia đình người Mường, trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt hằng ngày từ hàng nghìn năm nay”.

Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của dân tộc Mường

Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là linh hồn của dân tộc Mường

Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: Lễ hội mừng nhà mới, Lễ thành hôn, Lễ khai hạ (lễ hội xuống đồng), Lễ hội kéo si, Lễ bắt cá Lạc Sơn... Âm nhạc của cồng chiêng Mường thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng. Người dân Mường không phải là những chuyên gia âm nhạc, nhưng đã sáng tạo ra nhiều bài chiêng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.

Những bài chiêng phổ biến trong cộng đồng như: “Đón khách”, “Đi đường”, “Bông trắng, bông vàng”, “Chẩm khẩm”, “Vào hội”, “Đập bông bông”, “Poỏng ba”, “Poỏng chín”... Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã thu âm, ký âm được 50 bản nhạc các bài chiêng Mường. Trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, đối với dàn nhạc cồng chiêng Tây Nguyên - mỗi chiêng trong dàn nhạc phải bảo đảm một thang âm nhất định, nhưng âm nhạc cồng chiêng Mường lại không cần tuân theo một điệu thức nào cả. Bởi vậy, khi diễn tấu chiêng Mường, có thể hàng trăm, hàng ngàn nghệ nhân cùng hòa vào một dàn phối hợp tấu chiêng nhịp nhàng mà vẫn không bị lạc điệu.

Giới thiệu Nghệ thuật Chiêng Mường cho người dân thủ đô

Giới thiệu Nghệ thuật Chiêng Mường cho người dân thủ đô

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chiêng Mường

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cồng chiêng Mường, khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy di sản âm nhạc dân gian, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hòa Bình đang triển khai Đề án” Bảo tồn Chiêng Mường”. Mỗi năm, tỉnh hỗ trợ đội văn nghệ của mỗi xóm 2 triệu đồng. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gắn với việc bảo tồn, làm lan tỏa sâu sắc giá trị văn hóa chiêng Mường, hoạt động truyền dạy nghệ thuật chiêng cũng được các cấp, ngành quan tâm. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với địa phương đưa công tác truyền dạy cho học sinh các nhà trường. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở cơ sở triển khai các lớp truyền dạy cho thanh, thiếu niên. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh mở hàng chục lớp tập huấn, truyền dạy về chiêng cho đội văn nghệ các xóm, xã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chiêng Mường.

Chiêng Mường được sử dụng tại hơn 90% lễ hội của người Mường và luôn được tỉnh Hòa Bình lựa chọn trong các sự kiện văn hóa của tỉnh

Chiêng Mường được sử dụng tại hơn 90% lễ hội của người Mường và luôn được tỉnh Hòa Bình lựa chọn trong các sự kiện văn hóa của tỉnh

Chiêng Mường được bảo tồn, phát huy rộng khắp vào các dịp lễ hội. Văn hóa cồng chiêng Mường Hòa Bình có đời sống sôi động và phong phú, khi hàng năm, có hàng chục lễ hội có sử dụng đến cồng chiêng như một phần không thể thiếu, tiêu biểu như lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mường Thàng; lễ hội đánh bắt cá, sắc bùa dịp năm mới, lễ thành hôn, mừng cơm mới, ngày hội tòng quân, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc…

Những bài chiêng phổ biến trong cộng đồng như: "Đón khách”, "Đi đường”, "Bông trắng, bông vàng”, "Chẩm khẩm”, "Vào hội”, "Đập bông bông”, "Poỏng ba”, "Poỏng chín”, được giới trẻ đón nhận bằng tâm thế chủ động hơn. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã thu âm, ký âm được 50 bản nhạc các bài chiêng Mường. Cồng chiêng có mặt mọi lúc, mọi nơi trong đời sống cộng đồng Mường Hòa Bình. Màn hòa tấu cồng chiêng của đoàn Hòa Bình tại Hà Nội sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) vẫn còn được các nghệ nhân cao tuổi nhắc tới với niềm tự hào.

Nhiều câu lạc bộ cồng chiêng đã được thành lập ở khắp nơi trong tỉnh. Nhiều cá nhân miệt mài, tâm huyết trong việc nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu, quảng bá, truyền dạy những vốn cổ xung quanh "văn hóa cồng chiêng” đến với lớp trẻ như các ông, bà: Bùi Ngọc Thuận (Cao Phong), Bùi Huy Vọng (Lạc Sơn), Bùi Tiến Xô, Đinh Kiều Dung (Kim Bôi), Bùi Thanh Bình, Nguyễn Văn Thực (thành phố Hòa Bình)…

Cồng chiêng Mường đã có nhiều dịp khẳng định tên tuổi, thương hiệu của mình không chỉ trong tỉnh, trong nước mà cả với bạn bè quốc tế như tại 2 kỳ SeaGames được tổ chức ở Việt Nam, mà Hòa Bình được đăng cai môn xe đạp (năm 2003, 2022).

Vào tháng 11/2011, màn hòa tấu cồng chiêng của 1.500 diễn viên tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Guiness.

Tại Lễ hội chiêng Mường năm 2016, tỉnh Hòa Bình đã huy động được 2.000 nghệ nhân tham gia trình tấu chiêng với chủ đề "Vật báu hồn thiêng”. Màn tấu chiêng này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam. Những màn diễu hành cồng chiêng đường phố vẫn là một hình ảnh đẹp, ấn tượng nhất đối với du khách gần xa. Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022, diễn ra tại thành phố Hòa Bình, với hơn 200 nghệ nhân, trong đó có dàn chiêng của các thiếu nữ dân tộc Mường đã là một điểm nhấn khó quên. Nghệ thuật chiêng Mường được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều đó càng là nền tảng quan trọng để chiêng Mường Hòa Bình tỏa sáng, vươn xa.

Cồng chiêng Mường được bảo tồn, phát huy, được quảng bá, giới thiệu trong các sự kiện chính trị, văn hóa ở khu vực và toàn quốc, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Mường nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung. Đây cũng là sản phẩm du lịch hấp dẫn, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa tỉnh nhà.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cong-chieng-luu-giu-net-van-hoa-dac-sac-cua-nguoi-muong-o-hoa-binh-a28252.html