Công nghệ làm 'sống' lại giá trị văn hóa, lịch sử

Việc ứng dụng công nghệ là giải pháp hữu hiệu để đưa các di sản đang được trưng bày tại bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng.

Ứng dụng quét mã QR giúp du khách tiếp cận thông tin đầy đủ và nhanh chóng

Ứng dụng quét mã QR giúp du khách tiếp cận thông tin đầy đủ và nhanh chóng

Những không gian đặc biệt

Không thể phủ nhận, nhờ ứng dụng công nghệ mà di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã, đang ngày càng tăng khả năng kết nối, phát triển du lịch, bắt kịp xu thế. Ứng dụng công nghệ, số hóa di sản không chỉ giải quyết vấn đề trải nghiệm từ xa cho người dân mà còn nâng cao giá trị của điểm đến.

Sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới (1993), việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã trở thành một định hướng mang tính chiến lược và thực hiện trên mọi lĩnh vực: trùng tu di tích, bảo tồn cảnh quan, nghiên cứu khoa học, trưng bày - triển lãm… Việc trưng bày, triển lãm tại di tích sau khi được trùng tu chính là nỗ lực trả lại “phần hồn” cho di sản, giúp di tích thực sự “sống” trong lòng cộng đồng.

Hướng đến mục tiêu này, hoạt động trưng bày và tổ chức triển lãm ở khu di sản Huế không chỉ được thực hiện ở một địa điểm di tích hay một công trình kiến trúc, như: điện Long An (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), Tả Trà (cung Diên Thọ - Đại Nội, Huế), cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu, cung An Định, các miếu thờ ở lăng tẩm các vua triều Nguyễn…, mà còn thực hiện ở các không gian rộng lớn hơn, như Trường Lang (Đại Nội), các khu vườn ngự…

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Ở khu di sản Huế, do đặc thù của không gian kiến trúc cổ đã phần nào hạn chế việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại trong trưng bày, triển lãm, nhưng đã có một số chương trình thực hiện và đưa vào sử dụng, thu hút được sự quan tâm của du khách. Như chương trình Phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ kỹ thuật số được Viện Khoa học công nghệ kỹ thuật cao Hàn Quốc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện. Trong đó, các di tích trong Hoàng thành Huế, đặc biệt là điện Thái Hòa, đã được scan bằng công nghệ kỹ thuật số, kết hợp với những hình ảnh động và phim tư liệu để thể hiện một cách sinh động hình ảnh tổng thể khu vực Hoàng thành Huế...

Giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm BTDTCĐ Huế hợp tác với Trường đại học La Rochelle (Pháp) thực hiện không gian diễn giải của Hiển Lâm Các. Đây là một trong những hoạt động khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác trưng bày, quảng bá thông tin cho du khách tại khu di sản Huế thử nghiệm theo phong cách của Pháp, kết hợp giữa thiết bị hiện đại và thiết kế mỹ thuật dựa trên chất liệu truyền thống của di tích Huế.

Năm 2018, Trung tâm Thông tin Diễn giải Lịch sử Hoàng thành Huế và Trải nghiệm thực tế ảo VR - “Đi tìm Hoàng cung đã mất” đi vào hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác kinh doanh giữa Trung tâm với Công ty CP IV Com phối hợp với đối tác Hàn Quốc tại khu vực phía đông điện Thái Hòa.

Cũng trong thời gian này, chương trình VN Giude về trải nghiệm tham quan bảo tàng bằng kỹ thuật số được vận hành thí điểm tại Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế. Đồng thời, Bảo tàng cũng gắn QR code tại các khu vực có bảo vật quốc gia và tại 2 điểm trưng bày do đơn vị quản lý (điện Long An và cung An Định) để du khách có thể tiếp cận thông tin đầy đủ và nhanh chóng. “Hiện, Bảo tàng tiếp tục ứng dụng công nghệ trong giới thiệu cổ vật, sử dụng hình ảnh kỹ thuật số kết hợp giới thiệu hiện vật thật, thông qua giải pháp dùng sách tương tác - đọc sách cổ bằng thiết bị kỹ thuật số thay vì tác động trực tiếp lên hiện vật”, bà Huỳnh Thị Anh Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế thông tin.

Số hóa để lan tỏa

Với mục tiêu áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại 4.0, số hóa và lưu trữ dữ liệu các công trình kiến trúc phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và bảo tồn, trùng tu di tích Huế bằng công nghệ số hóa ngày một khoa học và chuyên nghiệp.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ: Trung tâm đã phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện dự án số hóa một số di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế nhằm tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong công nghệ số để giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, lưu trữ dữ liệu, bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc bằng mô hình 3D...

“Hiệu quả của các dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D, tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa Huế, mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại để phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới người dân, đặc biệt là lớp trẻ, những người đang bước vào tuổi trưởng thành, đánh thức nơi họ niềm yêu thích và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc” ông Trung nói.

Đến nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã số hóa hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ (Hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản), 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; số hóa 2 công trình: điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các; 206 hiện vật/bộ hiện vật, bao gồm 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia, 173 hiện vật/bộ hiện vật khác. Hiện đang chuẩn bị số hóa 3D toàn bộ cổ vật, hiện vật (khoảng 10.000) thuộc Bảo tàng CVCĐ Huế nhằm phát huy giá trị.

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/cong-nghe-lam-song-lai-gia-tri-van-hoa-lich-su-132619.html