Công nghệ số - trợ thủ đắc lực của truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Với vai trò cầu nối, Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) đã giúp HTX nông nghiệp và doanh nghiệp công nghệ kết nối, cùng giải quyết bài toán nhức nhối mang tên 'an toàn thực phẩm.'

Nhân viên Hợp tác xã Hoàng Long quét mã QR trên bao bì sản phẩm để nhập liệu vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Anh Đức/Vietnam+)

Nhân viên Hợp tác xã Hoàng Long quét mã QR trên bao bì sản phẩm để nhập liệu vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Anh Đức/Vietnam+)

Theo báo cáo vào năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh liên quan tới ngộ độc thực phẩm khiến 420.000 người tử vong hàng năm.

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng thực phẩm không an toàn có thể gây ra hơn 200 loại bệnh khác nhau từ tiêu chảy tới ung thư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Khi người tiêu dùng ngày càng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm càng ngày càng được chú trọng.

Trong làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam, các hợp tác xã truyền thống và các công ty công nghệ đã cùng nhau hợp tác, với sự hỗ trợ từ dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) và tư vấn kỹ thuật từ Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC), nhằm giải quyết vấn đề then chốt trong an toàn thực phẩm và xây dựng một nền tảng số cho truy xuất nguồn gốc.

Chuyển mình trong công nghệ

Xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội nổi tiếng với các làng nghề truyền thống làm giò chả. Một trong số đó là Hợp tác xã Chăn nuôi và Giết mổ Hoàng Long ở thôn Chi Lễ, nay đã chuyển mình thành một doanh nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại với quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã, ông Nguyễn Trọng Long, tin tưởng rằng việc đầu tư vào cơ sở vật chất và các biện pháp an toàn sẽ giúp xây dựng niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của hợp tác xã.

“Các doanh nghiệp nhỏ hơn, các hợp tác xã hay chuỗi địa phương sẽ gặp khó khăn nếu thiếu truy xuất nguồn gốc từ chăn nuôi tới giết mổ, chế biến, bảo quản và vận chuyển,” ông Long cho biết.

“Nếu không có truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng không thể tự tin đánh giá chất lượng sản phẩm. Để tạo niềm tin, điều quan trọng là nhà sản xuất phải áp dụng hệ thống truy xuất rõ ràng, chứng minh rằng sản phẩm của họ an toàn,” ông nói thêm.

Hợp tác xã Hoàng Long, với sự hỗ trợ từ dự án SAFEGRO do Chính phủ Canada tài trợ và Trung tâm NBC, đang triển khai ứng dụng iCheck Trace trong toàn bộ quy trình khép kín của mình.

iCheck Trace là nền tảng truy xuất nguồn gốc số tích hợp các công nghệ tiên tiến như blockchain, IoT và mã QR. Nền tảng này cho phép doanh nghiệp truy vết và theo dõi quy trình sản xuất chính xác từ khâu chăn nuôi đến phân phối.

Hoàng Long là một trong hai hợp tác xã chế biến thực phẩm ở Hà Nội đang sử dụng ứng dụng iCheck Trace với sự hỗ trợ của SAFEGRO, cùng với trang trại rau của hợp tác xã Văn Đức tại huyện Gia Lâm.

Ba doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp khác tại miền Nam, là doanh nghiệp Phong Thúy, Hợp tác xã thủy sản Cần Giờ và Hợp tác xã rau Phú Lộc, cũng đang áp dụng hệ thống truy xuất số FANVITY cho sản phẩm của mình, cũng nhờ sự hỗ trợ từ SAFEGRO và NBC.

Vượt rào cản số

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, phụ trách chính về công nghệ ở hợp tác xã Hoàng Long, trước đây nhân viên hợp tác xã thường thu thập thông tin bằng việc ghi chép thủ công, sau đó chuyển số dữ liệu này lên máy tính.

“Việc ghi chép thủ công thường dẫn tới sai lệch. Có thể hôm nay tôi ghi lại, nhưng ngày mai thì quên hoặc bỏ qua. Trong khi đó, phần mềm có tính năng nhắc nhở người dùng để đảm bảo khâu thu thập không thiếu sót,” ông Khánh nói.

Theo ông, ở hợp tác xã Hoàng Long hệ thống iCheck được áp dụng ngay trong quá trình chăn nuôi, khi lợn được gắn mã định danh trước khi đưa vào giết mổ. Phần mềm sau đó tạo mã QR để nhân viên quét xuyên suốt khi chế biến thịt và đóng gói. Người tiêu dùng sau đó có thể quét mã QR trên bao bì và biết chi tiết nguồn gốc sản phẩm.

Việc sử dụng iCheck Trace nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng như các chương trình chuyển đổi số khác, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở việc hướng dẫn người lao động và nông dân ứng dụng công nghệ.

 Nhân viên Hợp tác xã Hoàng Long dán nhẫn có mã QR vào bao bì sản phẩm sau khâu đóng gói. (Ảnh: Anh Đức/Vietnam+)

Nhân viên Hợp tác xã Hoàng Long dán nhẫn có mã QR vào bao bì sản phẩm sau khâu đóng gói. (Ảnh: Anh Đức/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc điều hành công ty iCheck, một trong những thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy và thói quen của người sản xuất, đặc biệt là các thành viên hợp tác xã, nhiều người trong đó là lao động lớn tuổi, chưa được phổ cập công nghệ.

“Để vượt qua những thách thức đó, chúng tôi đã triển khai một số giải pháp. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền để người sản xuất hiểu rõ tầm quan trọng của thay đổi. Thứ hai, đẩy mạnh và kéo dài chương trình đào tạo để hỗ trợ thực tế và lâu dài hơn. Cuối cùng, chúng tôi đang xem xét triển khai các thiết bị IoT như camera thông minh và cảm biến để tự động hóa việc giám sát và đơn giản hóa thu thập dữ liệu phục vụ truy xuất,” ông Chính chia sẻ.

Hướng tới tương lai

“Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của tất cả người sản xuất và tiêu dùng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn,” ông Jeffery Kobza, nguyên Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từng nói.

Dự án SAFEGRO đã tạo ra cầu nối giữa các hợp tác xã như Hoàng Long tiếp cận với công nghệ hiện đại như iCheck, nhằm truy xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng - đúng như tầm nhìn của ông Kobza.

“Số lượng người tiêu dùng để ý về nguồn gốc đang tăng lên, do đó truy xuất mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Khi sản phẩm có thể truy xuất rõ ràng, người tiêu dùng cảm thấy an tâm và sẵn sàng trả giá cao hơn,” ông Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long chia sẻ thêm.

Truy xuất nguồn gốc có thể là khái niệm phức tạp với nhiều người, nhưng với những người tiêu dùng như ông Khánh, đây là điều đơn giản nhưng quan trọng.

“Với tôi, minh bạch trong sản xuất đơn giản là sự tôn trọng khách hàng,” ông Khánh nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-so-tro-thu-dac-luc-cua-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-post1024810.vnp