Công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa theo kịp chuyển đổi số
Sáng 23/8, Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTT&DL phối hợp với Netflix tổ chức Hội thảo 'Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số'.
Thất thu nghìn tỷ
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, kết nối toàn cầu trên nhiều lĩnh vực và con người đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), sáng tạo nói riêng.
TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành CNVH, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả mọi người.
Tận dụng cơ hội, nhiều ngành nghề sáng tạo đã chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan, DN để thích nghi, phát triển, hoạt động trong môi trường số. Đơn cử, TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi đang triển khai dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, giúp khách có thể tham quan bảo tàng ở bất kỳ đâu. Trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng, chúng tôi đã thu được gần 600 triệu đồng từ khách tham quan trực tuyến. Con số tuy nhỏ, nhưng thể hiện sự thành công của hợp tác công tư.
Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đền quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
Tại Hội thảo, Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law chia sẻ, trình độ xâm phạm bản quyền của Việt Nam đạt top 3 thế giới. Ví dụ, một trận đấu cúp C1 hay Ngoại hạng Anh, theo nghiên cứu có hơn 500 hành vi xâm phạm, diễn ra trong 90 phút, với 90 triệu lượt views. Lượng views đó nếu tính mỗi lượt là 1USD trên hệ thống của VTVcab, FPT hay K+, chúng ta thất thu 200 tỷ đồng một trận.
“Hay với website như phimmoi.net, 1 tháng có hơn 80 triệu lượt views. Giả sử tính mỗi views là 2USD thì con số là hàng nghìn tỷ. Con số đó không gây thiệt hại cho người xem nhưng ảnh hưởng đến những người sáng tạo. 1.000 tỷ đồng hay 1 tỷ đồng đó nhà sản xuất, diễn viên không thu được và không tái đầu tư cho sáng tạo” - Luật sư Phan Vũ Tuấn cho hay.
Nhà nước cần đồng hành với DN
Phát biểu tại Hội thảo, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi thấy trong thời đại công nghệ số là việc quy trình quản lý đã không theo kịp. Tôi ước gì, thủ tục hành chính được tự động hóa như AI sẽ đơn giản hơn nhiều”.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhấn mạnh về việc cần phải xây dựng mối quan hệ đồng cảm, thấu hiểu giữa DN và cơ quản quản lý Nhà nước một cách chuyên nghiệp, có sự tin tưởng để hỗ trợ cùng nhau phát triển CNVH. “Có tài năng mấy cũng cần thời gian để tư duy, sản xuất. Nhưng quy trình quản lý hiện nay lại đang phá hỏng quy trình chuẩn bị của sản phẩm. Như vậy không đủ thời gian để sáng tạo, sảng xuất” - nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
Phó Chủ tịch cấp cao Công ty BHD/Việt Nam Media – chuyên về truyền hình, sản xuất và phổ biến phim Ngô Thị Bích Hạnh kể lại sự việc: Phim “Cô ba Sài Gòn” bị quay trộm. Người quay trộm bị phạt 3 triệu đồng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, phát hành phim. Trong khi đó, người ăn trộm xe máy đi tù. Ăn trộm tài sản trí tuệ có giá hàng triệu đô lại chỉ bị phạt 3 triệu.
Vì vậy, bà Ngô Bích Hạnh đặt câu hỏi trong luật hiện nay, vị trí tài sản trí tuệ ở đâu? Đông thời nhấn mạnh, việc quan trọng, cần làm sớm nhất là coi sản phẩm CNVH là sản phẩm trí tuệ, được định giá, có giá trị và được mọi người định hình, chấp nhận.
Từ thực tế đó, Giám đốc vận hành DeeDee Animation Studio Lê Quỳnh Như mong muốn Nhà nước 4 yếu tố gồm: Lắng nghe, thấu hiếu, hỗ trợ, đồng hành cùng DN. 2 yếu tố lắng nghe và thấu hiểu đã được thực hiện thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm. Do đó, bà Lê Quỳnh Như mong muốn, Nhà nước đồng hành hỗ trợ về chính sách, pháp luật. Hỗ trợ về kết nối, marketing thương hiệu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-chua-theo-kip-chuyen-doi-so.html