Công nương Diana và hội chứng 'người giúp đỡ'
Theo người viết tiểu sử của Diana, cô 'tỏa sáng rực rỡ khi có sự hiện diện của một người khuyết tật hoặc ốm yếu'. Khi cô đến thăm nơi cư trú cho người vô gia cư, đó 'chưa bao giờ là sự chiếu cố của người hoàng tộc với kẻ bề dưới'.

Công nương Diana ôm ấp, chơi đùa với một em nhỏ dương tính với HIV ở Faban Hostel, San Paulo, năm 1991. Ảnh: Dave Caulkin.
Người viết tiểu sử của cô viết rằng, nghịch lý của Diana là “người phụ nữ ấy, người thực sự có lòng trắc ẩn với người lạ, lại có thể phớt lờ một cách tàn nhẫn với những người gần gũi nhất với mình”. Cô tìm kiếm sự an ủi và lời khuyên cho những vấn đề của mình từ những nhà chiêm tinh học, nhà siêu tâm lý học, người đọc chỉ tay và nhà bút tích học với lai lịch mập mờ. Diana đã dính phải bùa mê của những kẻ lang băm này.
Nhưng đây chỉ là một mặt của con người Diana. Như nhiều người với những vấn đề tâm lý khác, cô cực kì thấu cảm với nhu cầu của những người khác, đặc biệt là những người cô không quen biết. Người viết tiểu sử của cô đã diễn đạt một cách rất chính xác: “Cô ấy hút sự bất hạnh trong cuộc đời của chính mình ra và biến nó thành sự thấu cảm”.
Có lẽ cô đã phải chịu đựng sự khổ sở từ thứ mà nhà phân tâm học Wolfgang Schmidbauer mô tả là “hội chứng người giúp đỡ” - helper syndrome trong cuốn sách Người giúp đỡ bất lực (Helpless Helpers) của ông. Thuật ngữ này chỉ một mô thức vấn đề tâm lý thường xuất hiện ở những nghề giúp đỡ.
Như một hệ quả của tính cách đặc biệt của mình, “người giúp đỡ” cố gắng bù đắp những cảm giác thấp kém của chính họ bằng cách trở nên gắn bó với vai trò người giúp đỡ của họ. Trong hình thái cực đoan nhất của nó, sự sẵn lòng giúp đỡ của họ thậm chí có thể dẫn đến việc làm hại chính mình và bỏ mặc gia đình hay những mối quan hệ khác, một việc có thể dẫn đến trạng thái kiệt sức hoặc trầm cảm.
Theo người viết tiểu sử của Diana, cô “tỏa sáng rực rỡ khi có sự hiện diện của một người khuyết tật hoặc ốm yếu”. Trong khoảnh khắc, cô có thể chuyển từ một Công nương cáu bẳn và chỉ quan tâm đến bản thân sang một người giúp đỡ với mối liên hệ sâu sắc với mọi người và một sự cam kết với những người đang cần được giúp đỡ.
Khi cô rời khỏi thế giới của riêng mình để đến thăm một bệnh viện hoặc một nơi cư trú cho người vô gia cư, đó “chưa bao giờ là sự chiếu cố của người hoàng tộc với kẻ bề dưới”.
Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của mình trước khi cô mất, một cuộc phỏng vấn của cô với báo Le Monde, cô nói “Tôi gần gũi với những người ở dưới đáy hơn nhiều so với những người trên đỉnh.”
Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-nuong-diana-va-hoi-chung-nguoi-giup-do-post1544371.html