Công suất hóa dầu dư thừa 'đe dọa' vị trí của nhựa tái chế
Công suất hóa dầu tăng mạnh ở Trung Quốc và Mỹ khiến nguồn cung các hóa chất công nghiệp sản xuất nhựa trở nên dư thừa. Tình trạng này khiến giá nhựa nguyên sinh rẻ hơn nhựa tái chế.
Nhựa nguyên sinh rẻ hơn nhựa tái chế
Theo số liệu mới từ S&P Global, Trung Quốc chiếm 60% mức tăng công suất hóa dầu trên toàn cầu năm 2023. Công suất hóa dầu cũng tăng mạnh ở Mỹ do cơn bùng nổ dầu đá phiến, khiến nguồn cung các nguyên liệu sản xuất nhựa như polyetylene trở nên dư thừa ở mức lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 1980.
Không những thế giá polyethylene mật độ cao (HDPE), một loại nhựa nhiệt dẻo nguyên sinh sử dụng phổ biến trong các sản phẩm như đồ chơi, túi nhựa và chai dầu gội đầu, giảm xuống mức rẻ hơn giá HDPE tái chế.
Dư thừa nguyên liệu nguyên sinh đã đặt ra thách thức cho các công ty đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nhựa sử dụng một lần để quản lý chặt chẽ hơn và cam kết của các chính phủ nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa.
Theo nhận định của nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhà sản xuất nhựa tái chế đang gặp khó khăn khi giá nguyên liệu thô thấp hơn cùng với việc công suất dư thừa của ngành hóa dầu.
Năm 2022, công suất ethylene trên toàn cầu tăng gần 42 triệu tấn so với năm 2019, trong khi nhu cầu toàn cầu chỉ tăng khoảng 14 triệu tấn. Ethylene được biết tới là nguyên liệu thô cho loại nhựa nguyên sinh được sử dụng rộng rãi nhất, polyetylene.
Tại Mỹ, giá giao ngay của HDPE nguyên sinh, giảm từ 1.674 đô la Mỹ/tấn vào năm 2021 xuống còn 943 đô la/tấn vào năm 2023, theo S&P Global. Sự dư thừa hóa dầu đang ngày càng gây ra áp lực cho các nhà sản xuất nhựa tái chế giữa bối cảnh nguyên liệu nhựa nguyên sinh rẻ hơn nhiều.
Theo IEA, công suất dư thừa đang gây áp lực lên các nhà sản xuất HDPE nguyên sinh ở châu Âu và châu Á trong bối cảnh họ đối mặt chi phí sản xuất cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Bắc Mỹ và Trung Đông, những nơi có lợi thế tiếp cận nguồn cung ethane (nguyên liệu sản xuất ethylene) với chi phí thấp.
Sự suy giảm công suất hóa dầu của châu Âu trở nên trầm trọng hơn vì chi phí đầu vào tăng cao do giá cả năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo Plastics Europe, tổ chức thương mại đại diện cho các nhà sản xuất nhựa ở châu Âu, trong năm 2022, khu vực này sản xuất 14% nhựa toàn cầu, giảm từ 20% vào năm 2012. Trong cùng thời kỳ, thị phần sản xuất nhựa toàn cầu của Trung Quốc tăng từ 23% lên 32%.
Công suất hóa dầu mới của Trung Quốc cũng gây áp lực lên các nhà cung cấp cũ vì nước này từng là nước nhập khẩu lớn polyme và sợi tổng hợp. IEA cho biết các chuyến hàng sản phẩm hóa dầu từ Trung Đông và các khu vực khác ở châu Á đến Trung Quốc đã giảm 30% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Giữa bối cảnh trên, Ả Rập Xê Út lại có nhìn khá khả quan khi kỳ vọng nhu cầu hóa dầu sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi nhu cầu về phương tiện chạy bằng xăng chững lại và nước này đang đầu tư vào năng lực hóa dầu của Trung Quốc để đảm bảo thị trường tiêu thụ dầu thô.
Kinh tế tuần hoàn từ tái chế nhựa
Việc tìm kiếm hướng đi bền vững, giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường đang đặt ra thách thức đối với ngành nhựa hiện nay. Mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là “chìa khóa vàng” gỡ bỏ các vướng mắc và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp (DN) nhựa và ngành nghề liên quan trong “cuộc đua xanh” thông qua các hoạt động quản lý, thu gom và thái chế rác thải nhựa ở Việt Nam.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngay từ bây giờ các DN cần tiếp cận ngay với nền kinh tế tuần hoàn đang được xem là mô hình ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm, tạo ra những nguồn nguyên liệu mới từ phế liệu nhựa để vừa đạt được lợi ích về kinh tế, tạo ra các giá trị mới cho xã hội và môi trường.
Các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, tái chế nhựa tại Việt Nam chính là một trong những hoạt động hướng đến việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã đầu tư, đẩy mạnh và thành công trong việc chống ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và tận thu lợi ích kinh tế qua tái chế nhựa, Việt Nam lại nằm trong top những quốc gia đang lãng phí nguồn tài nguyên này.
“Việc thúc đẩy áp dụng các mô hình của kinh tế tuần hoàn vào trong ngành công nghiệp tái chế nhựa là một bước đi hoàn toàn cần thiết nhằm biến ngành này trở thành một ngành mũi nhọn trong phân ngành công nghiệp môi trường”, chuyên gia Lại Văn Mạnh nêu quan điểm.