Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đạt kết quả quan trọng
Ngày 5/12, tại huyện Hòa Vang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã dự Hội nghị tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đồng thời ghi nhận, tiếp thu ý kiến của cử tri.
Tại Hội nghị, cử tri đã nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến một số lĩnh vực được cử tri và người dân quan tâm như: Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh; bất cập trong phân luồng giáo dục Trung học cơ sở...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo với cử tri về tình hình đất nước năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cũng là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025. Theo đó, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế đất nước ta vẫn tăng trưởng khoảng 5%, được thế giới đánh giá là “điểm sáng phát triển kinh tế". An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Các chỉ tiêu giáo dục, y tế, đặc biệt là giảm nghèo… đạt những kết quả đáng khích lệ. Quốc phòng, an ninh cơ bản được giữ vững, giải quyết các vấn đề kịp thời, giữ được môi trường hòa bình, ổn định, tiếp tục phát triển đất nước.
Đề cập đến lĩnh vực điểm nhấn, có nhiều thành tựu đặc biệt quan trọng năm 2023 của đất nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, phong phú, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các kênh, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân trên tất cả các địa bàn và đối tác. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước; trong đó có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược hoặc chiến lược toàn diện với tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch nước cho biết, các nước đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Việt Nam; nhất là trong khắc phục khó khăn để trở thành điểm sáng về kinh tế. Đường lối đối ngoại của Việt Nam đa dạng hóa, đa phương hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, với tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, được thế giới đánh giá cao. Những điều đó giúp vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế được tăng lên.
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đạt kết quả quan trọng, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Chúng ta đã đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn thử thách nhưng cũng nhiều dấu ấn nổi bật”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Đề cập đến ý kiến cử tri về việc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng phát hiện ra nhiều vụ việc, vụ sau lớn hơn vụ trước, Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là cơ sở để từ đó phá được ngày càng nhiều các vụ án lớn; công khai để cử tri và nhân dân được biết. Đối với băn khoăn của cử tri là ngay cả các lực lượng như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng vướng vào tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước cho biết, về vấn đề này đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã yêu cầu triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành 2 quy định là Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nội dung này sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Về phân luồng giáo dục từ Trung học cơ sở, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, để từ đó học sinh có thể phát huy cao nhất khả năng và sở trường của mình. Với những học sinh có khả năng, có năng khiếu, có thể tiếp tục học nâng cao, học đại học hoặc cao hơn. Còn đối với những học sinh khác thì có thể phân luồng phù hợp với khả năng và năng lực của mình; trong đó, học nghề cũng là một hướng đi hiệu quả.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước cũng chia sẻ với cử tri và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề khác, trong đó có việc tích cực giải quyết các kiến nghị của cử tri. Chủ tịch nước mong muốn lãnh đạo thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương để cùng giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời góp phần thúc đẩy Đà Nẵng phát triển.