Công Thương Việt Nam: Vượt bão, phá băng, bứt tốc
5 năm đầy bão táp, ngành Công Thương không chỉ trụ vững mà còn vươn lên mạnh mẽ, trở thành động lực tăng trưởng, hội nhập và hiện đại hóa quốc gia.
5 năm bão táp
Giai đoạn 2020 - 2025 là một trong những chặng đường đầy thử thách nhất với nền kinh tế toàn cầu kể từ sau Thế chiến II. Đại dịch Covid-19 không chỉ làm tê liệt chuỗi cung ứng quốc tế, mà còn kéo theo khủng hoảng năng lượng, lạm phát lan rộng, và đứt gãy các trung tâm sản xuất toàn cầu. Kèm theo đó là các cuộc xung đột địa chính trị như chiến tranh Nga - Ukraine, căng thẳng Mỹ - Trung, bảo hộ thương mại và sự cạnh tranh khốc liệt trong dịch chuyển chuỗi giá trị.
Tăng trưởng toàn cầu bị chững lại. Theo IMF, tốc độ tăng GDP trung bình giai đoạn này chỉ đạt khoảng 2,8%/năm. Nhiều nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái ngắn hạn. Các quốc gia ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Philippines cũng đối mặt với những thách thức lớn về năng lượng, sản xuất và tiêu dùng.
Tại Việt Nam, những cú sốc này lan đến từng nhà máy, siêu thị, chợ đầu mối. Các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, điện tử gặp khó khăn trong khâu xuất khẩu và nguyên liệu. Đặc biệt, trong năm 2021, chuỗi sản xuất phía Nam từng tê liệt vì giãn cách kéo dài. Cung - cầu bị đảo lộn, giá xăng dầu biến động mạnh và nguy cơ thiếu điện cục bộ xuất hiện vào mùa hè 2023.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn làm việc, tháo gỡ khó khăn cho Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) vào tháng 7/2024 Ảnh: Tiến Phòng
Bước tiến vững chắc của ngành Công Thương
Trước biến động toàn cầu, ngành Công Thương Việt Nam không chọn lùi bước mà chủ động đột phá. Từng mảng của ngành - từ công nghiệp, năng lượng, thị trường nội địa đến thương mại quốc tế - đều có bước tiến vững chắc.
Công nghiệp vươn lên vị thế đầu tàu: Trong khi nhiều nền kinh tế ASEAN bị gián đoạn sản xuất, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 6,3%/năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 80% toàn ngành, góp phần đưa công nghiệp chiếm trên 30% GDP quốc gia - mức cao nhất trong khu vực. Từ ngành điện tử, thiết bị điện, dệt may, thực phẩm đến năng lượng tái tạo, ngành Công Thương đã giữ vững vai trò trung tâm sản xuất – xuất khẩu của Việt Nam tại châu Á.
Xuất nhập khẩu vượt thách thức, lập kỳ tích: Bất chấp khó khăn, xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng bình quân 10%/năm. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 786 tỷ USD - một kỳ tích mới.
An ninh năng lượng được đảm bảo: Ngành điện giữ ổn định toàn hệ thống, với 99% hộ dân được tiếp cận lưới điện quốc gia – cao thứ 2 ASEAN và nằm trong top 30 thế giới. Đặc biệt, năng lượng tái tạo chiếm tới 26,8% tổng công suất và 13,4% sản lượng – đưa Việt Nam thành điểm sáng trong chuyển dịch xanh khu vực. Nguồn cung xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa, hệ thống nhập khẩu LNG được hoàn thiện, giúp kiểm soát giá năng lượng trong bối cảnh thế giới tăng phi mã.
Thị trường nội địa trỗi dậy mạnh mẽ:Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 8,1%/năm, trở thành bệ đỡ của nền kinh tế. Thương mại điện tử phát triển thần tốc, đạt hơn 25 tỷ USD trong năm 2024.

Bảng so sánh chỉ số then chốt giữa Việt Nam với ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc
Không chỉ trụ vững, ngành Công Thương còn tiến hành loạt cải cách mạnh mẽ theo đúng tinh thần “phá băng để tăng tốc”.
Tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững: Ngành công nghiệp chuyển dịch từ khai khoáng sang chế tạo, năng lượng xanh. Nông sản và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên trong xuất khẩu. Nhập khẩu cũng tái cấu trúc theo hướng giảm tiêu dùng, tăng nhập thiết bị hiện đại. Thị trường nội địa hiện đại hóa rõ rệt: Thương mại hiện đại chiếm 30% bán lẻ; tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ người tiêu dùng được nâng lên đáng kể.
Đột phá thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực: Ngành Công Thương là đơn vị dẫn đầu trong công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế. Đồng thời, Bộ cũng tập trung nâng cấp hạ tầng logistics. Nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ưu tiên, đặc biệt trong đào tạo chuyên gia công nghệ, thương mại điện tử, logistics và quản trị chuỗi cung ứng.
Không có “phép màu” nào đưa Việt Nam đến thành công 2020 - 2025. Tất cả là kết quả của tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt và tư duy cải cách đột phá. Ngành Công Thương - từ trụ cột sản xuất đến điều phối thị trường, từ hội nhập đến chuyển đổi số - đã cho thấy năng lực vượt khủng hoảng, tinh thần khai phá và sức mạnh đoàn kết và bảng so sánh dưới đây cho thấy định hướng phát triển mà ngành Công Thương xác định hoàn toàn khả thi để Việt Nam “hóa rồng”.
Bước vào giai đoạn mới, khi thế giới tiếp tục nhiều bất định, thì chính sự kiên định, đổi mới và khát vọng vươn lên của ngành Công Thương sẽ là bệ phóng giúp kinh tế Việt Nam chinh phục những đỉnh cao mới.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-thuong-viet-nam-vuot-bao-pha-bang-but-toc-410486.html